Quỳnh Lưu hướng đến xây dựng cánh đồng 'không dấu chân'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - HTX Nông nghiệp xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 vào phần lớn các khâu sản xuất lúa tập trung. 
Cấy máy ở cánh đồng xã Quỳnh Tam Tam - Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện.

Cấy máy ở cánh đồng xã Quỳnh Tam Tam - Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện.

Toàn xã miền núi Quỳnh Tam - Quỳnh Lưu có 320 ha sản xuất lúa. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là ruộng bậc thang, cao cưỡng, đất pha cát nhiều… Vì vậy, vào mỗi mùa vụ bà con nông dân đầu tư khá nhiều chi phí, công chăm sóc nhưng năng suất lúa vẫn không đạt cao như những xã vùng đồng bằng của huyện.

Bên cạnh đó những năm gần đây địa phương mới chỉ áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch lúa, các công đoạn còn lại vẫn theo phương thức thủ công truyền thống.

Vụ lúa xuân năm 2023, HTX Nông nghiệp Quỳnh Tam đã xây dựng mô hình và đưa vào thử nghiệm sản xuất cơ giới hoá toàn bộ 10 ha ở những chân ruộng bậc thang, đất pha cát nhiều của 80 hộ dân thuộc xóm 6 từ các khâu: Làm đất, gieo mạ, cấy, phun thuốc bảo vệ thực bằng máy bay không người lái cho đến thu hoạch.

10 ha trồng lúa thuộc cánh đồng Triều Ba của thôn 6, xã Quỳnh Tam có đến 90% các bước sản xuất, bà con không phải chân lấm tay bùn. Ảnh: Hồng Diện

10 ha trồng lúa thuộc cánh đồng Triều Ba của thôn 6, xã Quỳnh Tam có đến 90% các bước sản xuất, bà con không phải chân lấm tay bùn. Ảnh: Hồng Diện

Phương thức canh tác này vừa giúp nông dân giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí và vừa nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một thửa ruộng. Qua đó nhằm từng bước hướng đến xây dựng cánh đồng “không dấu chân”.

Nhìn những ruộng lúa trĩu bông, vàng ươm, với năng suất dự kiến đạt từ 3,7 đến gần 4 tạ/sào, bà Trương Thị Lâm ở thôn 6, xã Quỳnh Tam phấn khởi chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình có diện tích 2 sào thì 90% các bước sản xuất, bà không phải chân lấm tay bùn bởi đã có máy móc thay thế hoàn toàn bằng sức người.

Ưu điểm nhất phải kế đến việc áp dụng cấy máy vì các khóm lúa có khoảng cách đều nhau, đảm bảo mật độ, cây dễ dàng hấp thụ được ánh sáng nên phát triển rất đều, đẹp và đẻ nhánh nhiều gấp đôi so với cấy bằng tay. Đặc biệt trước đây bà đều phải vác bình bơm đi phun thuốc trừ cỏ và phòng trị bệnh lem lép hạt cho lúa thì vụ xuân năm nay được HTX Nông nghiệp Quỳnh Tam đưa máy bay không người lái được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh về phun thuốc cho các diện tích lúa của xã viên nên vừa nhanh, vừa đều, hiệu quả.

Ông Trương Đắc Phú - Thôn trưởng thôn 6 cho biết: 10 ha sản xuất lúa thuộc cánh đồng Triều Ba của thôn 6 do không được màu mỡ cộng với việc sản xuất bằng thủ công nên các gia đình phải đầu tư rất nhiều công sức và tốn chi phí với gần 1,5 triệu đồng/sào. Dẫu vậy nhưng vụ lúa xuân hàng năm sản lượng cao nhất cũng chỉ được 3 tạ/sào.

Đối với vụ lúa 2023 này nhờ đưa cơ giới và công nghệ vào canh tác một cách đồng bộ trên cánh đồng, vì vậy mỗi sào bà con nông dân tiết kiệm được 160.000 - 200.000 đồng. Canh tác vừa khỏe, vừa hiệu quả mà năng suất đạt cao.

Năng suất lúa tại mô hình đạt cao hơn các cánh đồng khác trên địa bàn xã Quỳnh Tam từ 30 – 40 kg/sào. Ảnh: Hồng Diện

Năng suất lúa tại mô hình đạt cao hơn các cánh đồng khác trên địa bàn xã Quỳnh Tam từ 30 – 40 kg/sào. Ảnh: Hồng Diện

Theo kết quả khảo sát, đánh giá của HTX Nông nghiệp Quỳnh Tam thì cây lúa tại mô hình cho bông to, xếp mái, hạt sáng đều, sản lượng đạt từ 70 - 74 tạ/ha. Điển hình có thửa đạt cao nhất lên đến gần 4 tạ/sào, cao hơn các cánh đồng khác trên địa bàn xã từ 30 - 40kg lúa/sào. Trước một mùa vàng bội thu mà lần đầu tiên nông dân ít phải dầm mưa, đội nắng, bà con đều rất phấn khởi trước chủ trương, cách làm mới, khoa học của địa phương.

Ngay từ đầu vụ, HTX triển khai sản xuất lúa đông xuân theo đúng khung lịch thời vụ của huyện đề ra. Trong quá trình cây phát triển, HTX tổ chức 2 đợt phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Cách làm này giúp xã viên tiết kiệm chi phí từ 15 - 20 nghìn đồng/sào so với thuê lao động phun thuốc bằng thủ công.

Trao đổi về định hướng sản xuất trong thời gian tới, ông Trương Văn Phúc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quỳnh Tam chia sẻ: "Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong vụ hè thu năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 10 ha và đưa máy cấy, ứng dụng công nghệ, tận dụng tối đa thiết bị thông minh trên đồng ruộng. Đồng thời cơ cấu 100% cấy giống nếp hương gắn với bao tiêu sản phẩm cho xã viên, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, gắn bó hơn với đồng ruộng".

Tin mới