Ra khu tái định cư hơn 15 năm vẫn chưa có sổ đỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Dù đã di dời tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (bãi rác Nghi Yên) từ năm 2006; tuy nhiên, đến nay, sau hơn 15 năm, 39 hộ dân xóm 4, xã Nghi Yên trước đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Được “nợ” tiền sử dụng đất?

Thời gian gần đây, 39 hộ dân xóm 2, xã Nghi Yên, thuộc khu tái định cư thực hiện dự án bãi rác Nghi Yên trước đây đã đồng loạt kiến nghị được cấp sổ đỏ tại khu vực mà họ đã di chuyển đến cách đây hơn 15 năm. Nhưng sau nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức các cuộc họp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, mọi việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Chúng tôi (P.V) đã có mặt để tìm hiểu thực tế tại xã Nghi Yên. Khu vực tái định cư của 39 hộ dân xóm 2, xã Nghi Yên nằm gần với cầu vượt đường sắt Bắc - Nam, hầu hết các hộ dân đã xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định.

BNA_khu vực TĐC mà có 39 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh Tiến Đông.jpg
Khu vực tái định cư - nơi 39 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ nằm gần cầu vượt đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Tiến Đông

Trước đó, từ năm 2002, dự án xây dựng bãi rác Nghi Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này cũng đã được thành lập để tiến hành trích đo, trích lục và xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Trong khoảng thời gian này, để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Nghi Lộc và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án khẩn trương triển khai việc di dời tái định cư cho các hộ dân. Thậm chí các hộ dân bị ảnh hưởng đã được nhận đất tái định cư trước mà chưa phải nộp tiền (giao đất năm 2007).

Cũng chính việc giao đất trước mà chưa phải nộp tiền sử dụng đất thời điểm đó đã phát sinh nhiều hệ lụy sau này. Cụ thể, những năm gần đây, khi người dân có nhu cầu đi làm sổ đỏ để đảm bảo quyền lợi cho gia đình, thì địa phương không biết xác định mức giá đất như thế nào để tính tiền sử dụng đất. Bởi giá đất ở được bồi thường tái định cư năm 2008 là 35.000 đồng/m2; thời điểm hiện tại, bảng giá đất ở xã Nghi Yên là khoảng 500.000 đồng/m2.

BNA_Hiện tại ở khu TĐC này người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định hơn 15 năm nay. Ảnh Tiến Đông.jpg
Hiện tại ở khu tái định cư này người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định hơn 15 năm nay. Ảnh: Tiến Đông

Nếu tính theo phương án chậm nộp, tức là năm 2008 đã có thông báo nộp thuế, nhưng người dân không nộp, thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất cộng với tiền chậm nộp (35.000 đồng + 73.000 đồng chậm nộp tính từ tháng 9/2008 đến năm 2021). Nếu tính giá đất theo thời điểm hiện tại ở xã Nghi Yên, với diện tích giao động từ 490m2 đến 510m2 mỗi hộ, thì số tiền người dân phải nộp là hơn 200 triệu đồng (phương án này người dân không đồng tình).

Ông Phạm Văn Thành - xóm trưởng xóm 2, xã Nghi Yên cho biết: Thời điểm di chuyển để nhường đất cho dự án, mỗi hộ gia đình được đền bù 17.250.000 đồng/sào, khi chuyển về khu tái định cư thì tiền sử dụng đất cũng được tính tương đương. Do thời điểm đó giá đền bù thấp, nếu nộp tiền đất sẽ không có tiền xây nhà, nên tại các cuộc họp với huyện và tỉnh, người dân đã đề nghị được nợ tiền sử dụng đất. Sau đó thì chỉ có hộ gia đình bố mẹ là được nợ tiền đất, còn hộ nào có con trên 18 tuổi hay con cái đã lập gia đình nhưng vẫn ở cùng bố mẹ thì được xét cấp đất tái định cư nhưng phải nộp tiền 1 lần. Thực tế, 39 hộ chưa được cấp sổ đỏ này đều là hộ bố mẹ.

BNA_thành.jpg
Ông Phạm Văn Thành - xóm trưởng xóm 2 trao đổi với P.V. Ảnh: Tiến Đông

Ông Thành cũng cho biết, hiện nay, mong muốn của người dân là được áp dụng giá đất thời điểm năm 2008 và cộng thêm tiền chậm nộp, nếu chịu mức giá cao hơn thì sẽ rất thiệt thòi cho người dân.

Theo Báo cáo số 109/BC.UBND, ngày 1/10/2021 của UBND xã Nghi Yên về kết quả kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan đến khu TĐC nói trên thì lý do các hộ chưa nộp tiền sử dụng đất, là vì khi đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng các hộ rất ít, khó khăn trong việc chuyển sang nơi ở mới, cho nên, các hộ có nguyện vọng đề nghị các cấp xem xét miễn giảm, chậm nộp tiền đất và được giao đất TĐC trước. Hơn nữa, khi đó rất cần cho tiến độ thực hiện dự án nên đã cấp đất TĐC cho các hộ dân để thực hiện dự án kịp tiến độ.

Cũng tại báo cáo này, UBND xã Nghi Yên thông tin, tại thời điểm đó, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nghi Lộc chỉ đạo cho lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ nhưng ghi chú trên sổ đỏ là nợ tiền sử dụng đất, nhưng các hộ không đồng ý vì cấp sổ mà không giao dịch được. Đến năm 2016, sau nhiều lần các hộ đề nghị cấp sổ đỏ, UBND xã đã trình UBND huyện và các phòng, ban cấp trên để xin áp giá đất 100.000 đồng/m2, nhưng chưa được giải quyết. Đến năm 2021, UBND xã Nghi Yên vẫn đề xuất xin được áp giá đất 100.000 đồng/m2.

BNA_do vướng mắc trong cách tính giá đất mà đến nay 39 hộ dân TĐC dự án bãi rác Nghi Yên tại xóm 2 xã Nghi Yên vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh Tiến Đông.jpg
Do vướng mắc trong cách tính giá đất mà đến nay 39 hộ dân tái định cư dự án bãi rác Nghi Yên tại xóm 2 xã Nghi Yên vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Tiến Đông

Lập tổ xác minh

Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2021, sau khi có những kiến nghị về vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho 39 hộ dân tại khu tái định cư, UBND huyện Nghi Lộc đã tiến hành nhiều cuộc họp để xử lý. Tuy vậy, những đề xuất áp giá đất năm 2008 cộng với tiền chậm nộp để giải quyết việc cấp sổ đỏ cho người dân đã không được chấp nhận.

Vào ngày 12/5/2023, UBND tỉnh đã có Thông báo số 319/TB-UBND, trong đó, giao cho UBND huyện Nghi Lộc rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục quá trình thực hiện GPMB dự án bãi rác Nghi Yên liên quan đến 39 hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục để được cấp sổ đỏ. Xác định cụ thể nguyên nhân vì sao 39 hộ dân đã đồng tình và nghiêm túc thực hiện chính sách bồi thường, di dời đến khu tái định cư từ năm 2005 đến năm 2007 nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc làm việc với các sở: Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án xử lý, báo cáo tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Sau khi người dân có ý kiến, huyện cũng đã nhiều lần tổ chức họp để xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, huyện cũng đang giao cho Thanh tra huyện thành lập tổ xác minh để rà soát và sẽ sớm có kết luận cụ thể về việc này.

BNA_thanh tra.jpg
Quyết định thành lập Tổ xác minh của UBND huyện Nghi Lộc. Ảnh: Tiến Đông

Được biết, ngày 21/7/2023, UBND huyện Nghi Lộc đã có Quyết định số 2330/QĐ.UBND thành lập tổ xác minh rà soát hồ sơ, thủ tục giao đất tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án xây dựng bãi rác Nghi Yên đối với 39 hộ gia đình nói trên. Ngày 1/11/2023, tổ xác minh đã có văn bản yêu cầu UBND xã Nghi Yên cung cấp tất cả các hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án bãi rác Nghi Yên, giai đoạn 2005-2010 hiện đang lưu trữ tại địa phương này.

Tổ xác minh cũng đề nghị UBND xã Nghi Yên cung cấp sổ sách kế toán và phiếu thu (liên lưu) liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất của ông Đặng Xuân Hùng. Bởi vì, trong Báo cáo số 109/BC.UBND ngày 1/10/2021 của UBND xã Nghi Yên xác nhận trường hợp ông Hùng đã nộp 17.250.000 đồng cho UBND xã, nhưng sau đó do có đơn thư nên UBND xã chưa nộp lên cấp trên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Loan - đại diện tổ xác minh cho biết, tổ xác minh đang tiến hành thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan. Sau khi hoàn tất việc thu thập hồ sơ thì tổ sẽ có báo cáo gửi cho lãnh đạo UBND huyện xem xét và ra kết luận, đồng thời trình cấp trên xử lý. Bà Loan cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, chưa thu thập được thông báo nộp tiền sử dụng đất hay thông báo thuế nào mà cơ quan chức năng gửi cho các hộ dân thời điểm đó...

Tin mới