Xuân Hoàng

Rẻo cao vui ngày cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hòa vào sắc Xuân, đồng bào vùng cao xứ Nghệ khấp khởi đón một cái Tết Nguyên đán với biết bao niềm vui đan xen. Cuối năm là dịp để bà con xuống chợ mua sắm hàng hoá; đời sống của người dân được no ấm hơn.

Xuống chợ sắm Tết

Những ngày cuối tháng Chạp, tia nắng bừng sáng trên những bản làng, vách núi, xua tan làn sương dày đặc. Trên nền biếc của núi rừng, hoa đào, hoa mơ đã điểm sắc, làm cho bức tranh miền sơn cước thêm ấm sắc Xuân. Đồng bào các dân tộc vùng cao hồ hởi thu hoạch lâm sản phụ: lá dong, ống giang, đào… để bán trong dịp Tết.

bna-vung-cao-2-4269.jpg
Trung tâm xã Mường Lống (Kỳ Sơn) những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024 được trang trí cờ, hoa rực rỡ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại các ki-ốt bán hàng cạnh cổng chợ vùng cao, hàng hóa được thương lái vận chuyển bằng xe ô tô lên chất đầy. Đủ thứ bánh kẹo, lương thực, nước ngọt, hoa quả tươi… phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân trong vùng.
Ông Vừ Bá Dờ ở bản Thăm Lực đang chọn mua một số vật dụng tại chợ Mường Lống (Kỳ Sơn) hồ hởi nói: Tết đến, gia đình bán được con bò gần 30 triệu đồng. Ngần ấy tiền, gia đình dự tính mua quần áo mới cho 3 đứa con, cùng một số nồi, chảo, dụng cụ sản xuất… Còn bao nhiêu, ra Tết tìm mua một con bò gầy về chăm sóc đến lúc béo là bán được nhiều tiền hơn.

bna-vung-cao-1-7652.jpg
Người dân xã Mường Lống mua sắm hàng Tết. Ảnh: X.Hoàng

“Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, vợ chồng đến chợ mua sắm một số nông cụ: dao, liềm, cuốc… để bước sang năm mới sản xuất được thuận lợi, may mắn”, ông Dờ bộc bạch.
Tại các phiên chợ vùng cao khác như: Chợ Huồi Tụ (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn); chợ Tam Thái (xã Tam Thái, huyện Tương Dương); chợ Tri Lễ (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong)… và các chợ trung tâm huyện như: Chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), chợ Hòa Bình (Tương Dương), chợ Kim Sơn (Quế Phong), chợ Con Cuông (Con Cuông)… càng cận ngày Tết, bà con kéo nhau đến đông vui hơn.

bna-voi-dong-bao-vung-cao-tet-la-dip-khong-nhung-mua-sam-luong-thuc-thuc-pham-quan-ao-moi-ma-con-mua-nong-cu-san-xuat-anh-qan-2716.jpg
Một góc phiên chợ vùng biên Kỳ Sơn. Ảnh: Q.An

Nét độc đáo của chợ vùng cao là người đồng bào mua bán rất thoải mái, nếu “ưng cái bụng” là mua ngay, ít trả giá, người bán hàng vì thế cũng ra giá vừa phải. Điều dễ nhận thấy là ngoài những gian hàng bán quần áo, hàng điện tử, gia dụng… còn có khu vực bán lẻ dành cho bà con dân bản. Ai có gì bán nấy, từ vật nuôi, cây trồng, rau, củ, quả… người mua vì thế tha hồ lựa chọn.

Bà con cho biết, ở xã, bản cũng có hàng Tết bày bán, nhưng mình chịu khó ra chợ để bán ít hàng, tiện thể vào chợ cho dễ chọn, bởi trong chợ hàng gì cũng nhiều. Số tiền bán được tuy không nhiều, nhưng bà con có tiền trong tay để chọn mua sắm những thứ đồ dùng cần thiết nhất cho gia đình.

bna-vung-cao-3-7327.jpg
Những ngày cuối năm, tại các trung tâm xã vùng cao Kỳ Sơn, hàng hóa tăng nhiều so với ngày thường. Để có tiền mua sắm, bà con thu hoạch đào đá bán Tết. Ảnh: Q.An

Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho hay, địa phương có phiên chợ Mường Lống họp tại trung tâm xã. Vào những ngày cận Tết, đồng bào các dân tộc trên địa bàn kéo nhau về phiên chợ mua sắm hàng Tết và cả dụng cụ sản xuất nông nghiệp, nhộn nhịp hơn hẳn.

Với bà con trong vùng, hàng hóa làm ra chủ yếu là nông sản: rau cải ngồng trồng trên nương rẫy, gà, lợn và trâu, bò thịt… Năm nay, dù bò thịt chưa được giá, nhưng bà con có lãi, bởi thị trường cân đối giữa mua và bán “mua rẻ, bán rẻ”. Rau cải ngồng, bà con không trồng tập trung, mà rải rác trên các nương rẫy, do khí hậu quanh năm mát lạnh, rau phát triển tốt, không có sâu bệnh, nên thị trường ưa chuộng, bà con thu hoạch bán tại chỗ với giá 10.000 đồng/bó.

Mường Lống 100% là đồng bào Mông. Phong tục ăn Tết Nguyên đán của bà con ở đây, từ ngày 27 tháng Chạp, bà con chung nhau mổ lợn, bò; Tối 30 Tết, bà con tập trung ở nhà văn hóa bản để làm lễ cúng, sau đó các gia đình cúng tại nhà. Nội dung lời cúng của thầy mo là sang năm mới, tất cả con em trong các dòng họ an khang, thịnh vượng, không đau ốm, bệnh tật, không tai nạn… Ngày mồng Một Tết, bà con ai nấy ở trong nhà, không đi chơi. Sang ngày mồng 2 Tết, các thôn, bản mới tổ chức vui chơi, giải trí tại khu vực nhà văn hóa bản, với các trò chơi dân gian: chọi gà, ném còn, đánh gụ… kéo dài đến ngày mồng 6 tháng Giêng.

Ông chà bá xà - chủ tịch UBND xã Mường Lống

Cuối năm là dịp để các cá nhân có lòng hảo tâm và các tập thể, doanh nghiệp quan tâm đến người nghèo có thêm vật chất, tinh thần đón Tết. Vì thế, từ giữa tháng Chạp, các huyện vùng cao luôn bận rộn với các đoàn đến trao quà Tết cho hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, danh sách các cá nhân, tập thể đăng ký hỗ trợ ngày càng dài hơn. Các huyện vùng cao Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mỗi món quà của các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp… đến với bà con là góp phần đưa Tết ấm đến với bà con.

bna-nguoi-dan-vung-cao-ky-son-mua-sam-hang-tet-o-cho-muong-xen-anh-xhoang-2281.jpg
Người dân vùng cao Tương Dương xuống chợ mua sắm hàng Tết. Ảnh: Q.An

Theo ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: Mặc dù những năm qua, Đảng, Nhà nước và các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nhưng hành trình cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nên những hoạt động tặng quà cuối năm của các cá nhân, tập thể, mang "Tết ấm đến với vùng cao" như thế này rất ý nghĩa và thiết thực.

Vùng biên no ấm

Mỗi địa phương vùng cao đều có niềm vui sau một năm nỗ lực tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Huyện rẻo cao Kỳ Sơn là một trong những địa phương đã có những tín hiệu vui.

Ông Vi Hoè – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn tự tin cho biết: Trong năm qua, từ nội lực và ngoại lực, Kỳ Sơn tập trung phát triển kinh tế và đã có những khởi sắc. Đó là người dân bám rừng, bảo vệ rừng tốt, hiện nay, diện tích rừng của Kỳ Sơn tăng lên 172 nghìn ha, chủ yếu là rừng phòng hộ. Đồng bào các dân tộc kết hợp bảo vệ rừng với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo nguồn thu nhập tại chỗ.

bna-mot-ngoi-nha-moi-dang-xay-dung-cua-nguoi-dan-xa-nam-can-ky-son-anh-xhoang-644.jpg
Một trong những ngôi nhà mới của người dân trên địa bàn xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) được xây dựng cuối năm 2023. Ảnh: X.Hoàng

Ngoài bám rừng ổn định cuộc sống, hơn 3.000 con em trên địa bàn huyện đi làm ăn xa ở các công ty lớn trong nước… Kết hợp từ nguồn lực tại chỗ và ngoại lực, nên người dân ổn định đời sống, từ đó tình trạng dân di cư không còn như trước.

Đặc biệt, trong năm qua, công tác an sinh xã hội được các cấp, ngành từ Trung ương, tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm, chỉ trong vòng 6 tháng của năm 2023, Kỳ Sơn đã triển khai làm được gần 2 nghìn ngôi nhà ở cho người dân. Mỗi nhà dân được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà ở, với tổng số tiền 100 tỷ đồng, trong đó, phần đối ứng của huyện gần 10 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa bằng cách mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ người dân khó khăn làm nhà ở.

Từ chỗ “an cư lạc nghiệp”, kết hợp sự nội lực từ chăn nuôi, trồng trọt, đời sống của người dân ngày càng ổn định hơn. Thu nhập bình quân hơn 23 triệu đồng/người/năm, tăng gần 1 triệu đồng so với năm 2022. Điểm nhấn của Kỳ Sơn trong phát triển thương mại là có phiên chợ biên giới Nậm Cắn, đã tác động lớn đến kinh tế của huyện. Người dân tiêu thụ được nông sản và là một trong những điểm du lịch được khách thập phương biết đến ngày càng nhiều hơn.

bna-hang-hoa-duoc-thuong-lai-van-chuyen-len-vung-cao-trong-dip-tet-nguyen-dan-anh-qan-3190.jpg
Thương lái vận chuyển hàng hóa lên vùng cao cung ứng nhu cầu mua sắm cho bà con trong dịp Tết. Ảnh: Q.An

Những gam màu tươi sáng ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần xuất hiện, tạo nên “bức tranh” đổi mới bừng lên sắc thắm đáng mừng. Đó là minh chứng rõ rệt cho những chủ trương đúng đắn của Đảng, tạo được niềm tin sâu sắc trong mỗi trái tim đồng bào vùng cao./.

Tin mới