Sản xuất thực phẩm theo chuỗi

(Baonghean) - Gần đây, mối quan tâm về thực phẩm nói chung và thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, sữa… ngày càng trở nên cấp bách. Lý do ngày càng có nhiều các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhiều thông tin về sử dụng các chất độc hại trong bảo quản thực phẩm, chất kích thích sinh trưởng… có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Không chỉ vậy, trong đàm phán TPP, nội dung an toàn thực phẩm, bảo đảm giết mổ gia súc, gia cầm cũng là một nội dung “nóng”.

Ở Việt Nam, theo ước tính và thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 8 triệu người bị ngộ độc thực phẩm hàng năm. Thiệt hại do điều trị bệnh và nghỉ làm việc ước tính tốn kém hàng trăm triệu USD.  Nguyên nhân mà WHO đưa ra chính là do lương thực, thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm bệnh. Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới, mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại. 
Nuôi tôm thâm canh tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).	Ảnh: Văn Hải
Nuôi tôm thâm canh tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Văn Hải
Thực tế cũng chứng minh, sự gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh nguy hiểm như ung thư, rối loạn nội tiết hoặc các bệnh mãn tính không rõ nguyên nhân. Các đòi hỏi bức thiết phải đảm bảo thực phẩm an toàn của người tiêu dùng chỉ có thể dựa trên quản lý theo nguyên tắc chuỗi sản xuất thực phẩm - từ trang trại tới bàn ăn. 
Sản xuất, cung ứng phải an toàn
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn bộ các khâu trong quá trình chăn nuôi động vật, vận chuyển, giết mổ, bảo quản và lưu thông buôn bán sản phẩm, nói cách khác là từ trang trại tới bàn ăn, chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn là một chu trình khép kín để bảo đảm kiểm soát toàn diện từ đầu vào đến đầu ra. Điểm mạnh của chuỗi sản xuất này là ở chỗ, nó giúp phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong chuỗi sản xuất cung ứng, kịp thời điều chỉnh sai sót thích hợp, loại bỏ sản phẩm ngay trong mỗi công đoạn sản xuất. Sự khép kín trong chuỗi sản xuất thực phẩm là yêu cầu bắt buộc, giúp tạo thương hiệu của sản phẩm và giá trị của thương hiệu mang lại lợi nhuận - GS.TS. Đậu Ngọc Hào, chủ tịch Hội Thú y Việt Nam nhận xét.
Theo Viện chăn nuôi, các biện pháp kỹ thuật trong chuỗi phải bảo đảm các nguyên tắc tối thiểu. Để chăn nuôi động vật bảo đảm VSATTP phải thực hiện thực hành chăn nuôi tốt (GAHP). Trong toàn bộ quy trình, khâu đầu tiên là phải bảo đảm thức ăn an toàn. Có nghĩa là kiểm soát được từ sản xuất, bảo quản, lưu giữ thức ăn và nguyên liệu thức ăn cho tới nấm mốc và các vi sinh vật có hại khác; sử dụng các chất kích thích tăng trọng như các loại kháng sinh, các hoocmon... Thứ hai là phải kiểm soát được nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi, đặc biệt là không sử dụng nguồn nước ao, hồ, nước không qua xử lý cho chăn nuôi và kiểm soát việc nguồn nước ô nhiễm, nhiễm kim loại nặng ... Thứ ba là phải quản lý được nước thải, chất thải, giữ vệ sinh môi trường (như hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xác động vật ốm, chết); và cuối cùng là phải kiểm soát được dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh lây giữa vật nuôi và con người.
Đối với quá trình vận chuyển và giết mổ động vật, lưu thông sản phẩm động vật, để đảm bảo VSATTP trong quá trình vận chuyển, giết mổ động vật, lưu thông, buôn bán sản phẩm động vật phải thực hiện theo các nguyên tắc đã được đề ra, như GMP/HACCP. HACCP là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình giết mổ, chế biến động vật và sản phẩm động vật, để đảm bảo rằng các mối nguy cơ gây ô nhiễm trong quá trình này được kiểm soát. Các nguy cơ ô nhiễm trong quá trình này bao gồm: nguy cơ ô nhiễm vi khuẩn, các chất hóa học, các yếu tố lý học… Trong toàn bộ quá trình vận chuyển, giết mổ, lưu thông buôn bán sản phẩm động vật, quá trình vận chuyển từ trang trại tới cơ sở giết mổ; kiểm tra và cấp chứng nhận kiểm dịch thú y; phương tiện vận chuyển hay quá trình tiếp nhận, giết mổ động vật… đều ảnh hưởng tới chất lượng VSATTP. Ngoài ra, cơ sở vật chất nơi bán buôn, bán lẻ, phòng lạnh, tủ bảo ôn, quầy, bàn, nước sinh hoạt... cũng là những nguồn có thể gây ô nhiễm - GS.TS. Đậu Ngọc Hào khẳng định thêm. 
Áp dụng chuỗi sản xuất, cung ứng hiện đại
Để đảm bảo VSATTP trong quá trình đưa sản phẩm nông nghiệp từ trang trại tới bàn ăn, theo các chuyên gia của Bộ NN&PTNT, có những  quy trình quản lý và kỹ thuật vận hành tiêu chuẩn cơ bản cần phải được tuân thủ. Đó là các quy trình bảo quản, sử dụng thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi hay nguồn nước uống, nước sinh hoạt cho chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các quy trình sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là đối với kháng sinh có mục đích tăng trọng, phòng bệnh và chữa bệnh; quy trình quản lý chất thải (bao gồm cả dịch bệnh, động vật ốm chết và loại thải). Đối với cơ sở giết mổ, chế biến, cần tuân thủ quy trình khám thú y trước khi giết mổ; quy trình lột phủ tạng, rửa thân thịt; khám thú y sau giết mổ. Đối với phương tiện vận chuyển, quầy bán buôn và bán lẻ, cần phải có xe chuyên dụng, đồng thời cơ sở hoặc địa điểm bán buôn và bán lẻ phải đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh, mặt bằng và các phương tiện bày bán, được bảo quản lạnh - GS.TS. Đậu Ngọc Hào cho biết. 
tiêu độc khử trùng cho gia cầm  ở Quỳnh Lưu. ảnh PV.
tiêu độc khử trùng cho gia cầm ở Quỳnh Lưu. ảnh PV.
 Ngoài ra, các chuyên gia còn đề cập tới việc xây dựng mối liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn. Theo đó, cần thúc đẩy việc thành lập và vận hành các DN sản xuất thực phẩm khép kín. Người chăn nuôi, thương lái, người vận chuyển, giết mổ, người bán buôn, bán lẻ cần có sự hợp tác các cùng có lợi để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, sự hợp tác phải có sự hỗ trợ bởi các cơ quan nhà nước có trách nghiệm. Vai trò quản lý nhà nước ở đây được thể hiện ngoài việc ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về VSATTP, thì còn phải tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ, chứng nhận VietGAHP, GMP/ HACCP cho các cơ sở nhằm bảo đảm VSATTP. 
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn phân tích định lượng các chất độc hại có trong thực phẩm; đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và năng lực trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu về VSATTP; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cả người tiêu dùng, người sản xuất, giết mổ, chế biến, người buôn bán… cũng là những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đầu ngành, việc ban hành các chính sách ưu tiên về mặt bằng cho xây dựng, điện, nước, lãi suất tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ chế biến và bán lẻ; trung gian trong gắn kết các bên liên quan trong chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn… là cần làm hơn cả. 
Trong đó, vai trò của nhà khoa học nghiên cứu các mô hình mẫu trong chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, phổ biến, nhân rộng mô hình; nghiên cứu những chế phẩm sinh học sử dụng trong chăn nuôi thay thế một phần thuốc chữa bệnh bằng kháng sinh và các chất kích thích tăng trọng có hại khác cũng như nghiên cứu các mô hình và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong xử lý chất thải môi trường trong chăn nuôi, giết mổ động vật đảm bảo VSATTP… phải được đặt đúng tầm, đúng vị trí, đầu tư đúng mức… thì mới phát huy được hiệu quả quản lý VSATTP cho người tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.
Sông Hồng
Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán 2016,  Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải giải quyết căn bản các bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản. Phó Thủ tướng chỉ đạo: từ nay đến Tết nguyên đán, cần tập trung phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; phổ biến người tiêu dùng hiểu biết và ủng hộ sản phẩm an toàn có xác nhận.

Tin mới