Sau lụt, người dân Yên Thành vào mùa bắt chuột đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau mùa lũ tháng 9, tháng 10, nhiều người dân địa phương và các huyện lân cận đổ về các cánh đồng của huyện Yên Thành để săn “đặc sản” chuột đồng, vừa cải thiện bữa ăn gia đình hoặc bán kiếm thêm thu nhập. 
Các thợ bắt chuột chuyên nghiệp ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) đang chuẩn bị đồ nghề để bẫy chuột ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Các thợ bắt chuột chuyên nghiệp ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) đang chuẩn bị đồ nghề để bẫy chuột ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Những ngày này về huyện Yên Thành cả ngày, lẫn đêm đều bắt gặp từng nhóm người đang săn chuột trên những cánh đồng. Sau các đợt mưa lụt, nước ở các cánh đồng dâng lên khiến chuột đồng phải tìm đến các bờ ruộng, cồn cao để đào hang trú ngụ, đây cũng là thời điểm để những tay săn chuột “hành nghề”.

Anh Trần Mạnh Ninh ở xã Nam Thành (Yên Thành) đang cùng nhóm người săn chuột trên cánh đồng Cả Nghè kể: Rảnh rỗi chúng tôi rủ mấy anh em trong làng mang theo cuốc, thuổng và đồ nghề đi bắt chuột để kiếm thức ăn trong mùa mưa. Thông thường có rất nhiều cách để bắt chuột đồng hiệu quả, như đi dọc các bờ ruộng tìm hang, phát hiện được là đào lên đổ nước vào hoặc dùng rơm đốt hun khói vào hang.

Bị khói hun, chuột bị ngạt chịu không nổi lao ra khỏi hàng là có 3-4 người chờ sẵn để “chụp” cho vào giỏ hoặc bao tải. Mỗi khi chuột chạy ra khỏi hang cả nhóm người hò reo đuổi chuột cả cánh đồng rất vui nhộn. Dịp này, đi một buổi có thể bắt được 5 - 6 kg chuột. Chuột được mang về làm thịt, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Thời điểm này, trên khắp các cánh đồng ở huyện Yên Thành xuất hiện khá nhiều nhóm “săn” chuột chuyên nghiệp xuyên đêm. Họ thường bắt được số lượng chuột khá lớn, sau đó đưa đi các tỉnh, thành khác để tiêu thụ.

Thợ săn chuột ở huyện Tân Kỳ đi kiểm tra bẫy chuột ở cánh đồng xã Xuân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Thợ săn chuột ở huyện Tân Kỳ đi kiểm tra bẫy chuột ở cánh đồng xã Xuân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Có mặt trên cánh đồng xã Xuân Thành (Yên Thành) khoảng 11 giờ đêm 25/10, thấy một nhóm người đang dùng bẫy để săn chuột xem ra khá hiệu quả. Anh Văn Tuyên ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ đang soi đèn pin trên cánh đồng kể: Cứ tầm 4-5 h chiều là chúng tôi gồm 4 người đã có mặt tại huyện Yên Thành khảo sát các cánh đồng để đặt bẫy chuột.

Chủ yếu sử dụng bẫy kẹp hình bán nguyệt, gồm 2 vòng sắt được bện chặt với nhau bằng chiếc lò xo có sức bật lớn ở cạnh đáy, khi chuột dính bẫy thường bị kẹp ngang cổ. Ngoài ra, bẫy cũng được trang bị chốt an toàn để người dùng có thể gập bẫy lại như hình bán nguyệt.

Các thợ bẫy chuột đi xuyên đêm để bẫy chuột ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Các thợ bẫy chuột đi xuyên đêm để bẫy chuột ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, theo anh Tuyên, để bẫy kẹp hiệu quả thì thợ săn chuột phải lội khắp các bờ ruộng, tìm đường đi, lối lại của chuột để đặt bẫy. Cụ thể nếu tìm được lối mòn, dấu chân chuột để đặt bẫy thì sẽ nắm chắc 90% là bắt được chuột. Rải khắp cánh đồng hàng trăm bẫy chuột, cứ khoảng gần 1 tiếng đồng hồ lại đi “thăm” bẫy, còn nào dính là bỏ vào bao tải.

Theo chân các thợ săn chuột ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) cho thấy, mỗi đêm chuột dính bẫy được khá nhiều, từ 30-40 kg. Cứ mờ sáng là có tư thương đến tận bờ ruộng để thu mua đưa đi Hà Nội với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Chuột dính bẫy kẹp bán nguyệt. Ảnh: Văn Trường
Chuột dính bẫy kẹp bán nguyệt. Ảnh: Văn Trường

Qua tìm hiểu được biết, săn chuột xuyên đêm rất vất vả bởi nhóm thợ săn này còn phải mang theo nồi niêu, xoong chảo nấu ăn tối ngay tại bờ ruộng. Ban đêm cánh đồng lầy thụt, trời mưa lạnh có khi ướt thâu đêm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, để có thêm tiền trang trải cuộc sống nên họ vẫn phải chịu khó bám trụ với nghề.

Các thợ bắt chuột ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) nấu ăn ngay tại bờ ruộng để xuyên đêm bắt chuột. Ảnh: Văn Trường
Các thợ bắt chuột ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) nấu ăn ngay tại bờ ruộng để xuyên đêm bắt chuột. Ảnh: Văn Trường

Không biết từ bao giờ huyện Yên Thành nổi tiếng với mệnh danh là dân “thịt chuột”. Vào mùa săn chuột, nhiều nơi cả làng tham gia bắt chuột. Ngoài cải thiện bữa ăn cho gia đình, các thợ săn chuột Yên Thành cũng nhập món đặc sản này đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Chiến lợi phẩm chuột đồng được tập kết tại một chỗ. Ảnh: Văn Trường
Chiến lợi phẩm chuột đồng được tập kết tại một chỗ. Ảnh: Văn Trường

Theo các thương lái, số lượng chuột được bán cho thị trường Hà Nội nhiều nhất, trước đây chỉ có giá 40.000 - 50.0000 đồng/kg, thì nay có khi lên đến 70.000 đồng/kg. Giá chuột tăng cao một phần bởi người tiêu dùng ưa chuộng và chuột đồng được đưa vào các nhà hàng, khách sạn chế biến thành các món đặc sản độc, lạ...

Một số chủ nhà hàng ở huyện Yên Thành chia sẻ: Nhà hàng chúng tôi không chuyên về thịt chuột, nhưng khi có khách yêu cầu món thịt chuột này thì chúng tôi vẫn mua về chế biến cho khách. Khi mua chuột về làm sạch, ướp cho ngấm cùng ngũ vị hương, tiêu, ớt, sả, đường, bột ngọt. Có thể làm nhiều món như chuột nướng trên than hồng, khi chín vàng, giòn rụm ăn rất ngon.

Thành quả sau 1 đêm đi bẫy. Ảnh: Văn Trường
Thành quả sau 1 đêm đi bẫy. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra, các món chuột rang muối, chuột luộc ép lá chanh, chuột xào sả ớt được khách hàng rất ưa chuộng. Sở dĩ ngày càng có nhiều người thích món đặc sản thôn quê này là bởi chuột đồng ở huyện Yên Thành chủ yếu ăn các thức ăn tự nhiên ngoài đồng nên béo và giàu dinh dưỡng.

Món chuột đồng nướng béo ngậy. Ảnh: Cộng tác viên

Món chuột đồng nướng béo ngậy. Ảnh: Cộng tác viên

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm: Huyện có trên 12.000 ha lúa, hàng năm chuột phá hoại mùa màng khá nhiều. Vì vậy, việc bà con bắt chuột đồng có lợi ích, ngoài tăng thêm nguồn thu nhập, còn giúp bảo vệ cây trồng, nhất là hiện nay đang chuẩn bị cho vụ lúa Xuân./.

Tin mới