Sau Tết, thị trường bán lẻ Nghệ An trầm lắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trái ngược với sự sôi động dịp Tết, thị trường bán lẻ tại Nghệ An thời điểm này khá trầm lắng, các chợ dân sinh thưa thớt người, các siêu thị, cửa hàng cũng khá vắng. Nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh nên hàng hóa tiêu thụ chậm...

Đã 9h sáng nhưng chị Dương Hằng, kinh doanh giày dép ở chợ ga Vinh mới ra mở cửa ki-ốt. “Ở nhà thì nóng ruột nhưng mở cũng không có khách. Có những hôm tận 16h chiều mới có khách vào hỏi mua, có những hôm mở ra rồi ngồi không, không bán được một đôi nào”, chị Hằng cho biết. Thế nên, hôm nay, chị cũng chỉ mở ốt để “lỡ có ai mua thì bán”chứ không buồn soạn hàng ra ngoài.

Không chỉ quầy hàng giày dép, mặc dù sắp đến ngày Quốc tế Phụ nữ song các quầy hàng mỹ phẩm, phụ kiện, túi xách, quà tặng cũng khá đìu hiu, vắng người qua lại. Theo quan sát, hiện tại chợ ga Vinh thời điểm này, số quầy ốt mở lại kinh doanh chỉ đạt khoảng 60%, số còn lại đóng quầy, hoặc hôm mở, hôm không hoặc có những chủ ki-ốt đang chờ thanh lý, bán lại ốt.

bna-10h-2517.jpg
10h sáng 5/3, chợ Vinh vẫn rất vắng vẻ. Ảnh: T.P

Ở chợ Vinh, không khí mua bán cũng rất trầm lắng. Nếu như ở tầng 2 đình chính - Nơi kinh doanh quần áo may mặc sẵn khá sôi động khi thời tiết chuyển mùa, các tiểu thương nhập hàng hè về đổ sỉ cho các mối buôn.

Chị Lê Dung - Chủ một ki-ốt chuyên đồ nam cho biết: “Chúng tôi vừa nhập hàng hè về, đang phân loại và soạn hàng cho các mối sỉ ở các chợ huyện. So với năm ngoái, lượng hàng nhập về giảm mạnh, vì các chợ huyện cũng ế nên họ cũng hạn chế lấy hàng, chỉ lấy vừa bán, không dám ôm hàng nhiều. Chủ yếu bán sỉ chứ khách lẻ ít vào quầy mua”.

Kinh doanh đồ gia dụng ở tầng 1 đình chính chợ Vinh hàng chục năm nay, theo chị Phượng Hiên chưa năm nào, thời điểm sau Tết tình trạng buôn bán, kinh doanh lại ế ẩm như năm nay. Dù cố gắng bám trụ ở chợ từ 7h sáng đến 17h30 chiều nhưng cũng chỉ lác đác vài người vào hỏi mua.

bna-ao-quan-9930.jpg
Áo quần hè đã được bày bán với lượng hàng phong phú nhưng vẫn vắng người mua. Ảnh: T.P

“Bình thường đã ế ẩm, thời điểm sau Tết lại càng đìu hiu, những gì cần sắm cũng đã sắm sửa từ trước Tết nên nay không có nhu cầu”, chị Hiên thở dài.

Qua mùa cao điểm Tết, nguồn cung hàng hóa dồi dào trở lại, giá cả hạ nhiệt hơn rất nhiều, tuy nhiên sức mua tại các chợ truyền thống, siêu thị đang giảm rất sâu. Không chỉ các mặt hàng may mặc, giày dép, phụ kiện mà rau xanh, thực phẩm tươi sống vẫn khó tiêu thụ.

Nguyên nhân là do, nhiều gia đình, mua sắm Tết nhiều, thực phẩm trữ đông đang còn nên nên sức mua hàng thực phẩm cũng giảm. Đặc biệt, hiện nay, việc kiểm soát nồng độ cồn được thắt chặt, các hàng quán vì thế cũng giảm lượng khách đáng kể, thế nên, các sạp thịt, sạp rau cung ứng cho quán hàng vì thế cũng giảm lượng tiêu thụ.

bna-muc-9355.jpg
Các sạp hàng thực phẩm ở chợ Ga Vinh cũng đìu hiu không kém. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho biết: "Sau dịch Covid-19 tới nay, có khoảng 15% ki-ốt ngừng hoạt động. Dịp Tết, việc kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi. Tuy nhiên, sau Tết, sức tiêu thụ ở chợ giảm sâu. Khó khăn là tình hình chung hiện nay chứ không riêng gì chợ Vinh.

Khó khăn, ế ẩm là thế nhưng theo ông Đắc, những người kinh doanh lâu năm sẽ không bỏ chợ. Sau Tết, 90% số người đã mở ốt, quay lại kinh doanh, cố gắng bám trụ. Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng chợ sạch, đẹp, an toàn, hàng hóa niêm yết giá công khai, tiểu thương thân thiện, vui vẻ “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” để kéo khách đến chợ”, ông Đắc cho biết thêm.

bna-dong-335.jpg
Nhiều quầy ốt đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: T.P

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng kinh doanh lớn, sức mua cũng giảm so với nhiều thời điểm khác trong năm. Anh Trần An Khang, đại diện một siêu thị lớn ở TP. Vinh cho biết: “Từ 15/2 đến nay, sức mua tại siêu thị giảm khoảng 10% so với nhiều thời điểm khác trong năm. Đây cũng là mùa “thấp điểm” nhất của thị trường bán lẻ do trước Tết, người dân mua sắm lượng lớn hàng hóa mà chưa sử dụng hết. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng sẽ cân đối, tính toán chi tiêu hơn do trước Tết đã “mạnh tay” chi khoản tiền lớn cho mua sắm”.

bna-sieu-thi-6735.jpg
Các siêu thị cũng vào mùa "thấp điểm" mua sắm. Ảnh: T.P

Như đã thành thông lệ, dịp Tết sức mua tăng mạnh bao nhiêu thì sau kỳ nghỉ lớn nhất trong năm kết thúc, thị trường thường ảm đạm kéo dài khoảng 1 - 2 tháng tiếp đó vì nhu cầu tiêu dùng giảm. Sức mua giảm khiến hoạt động kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn. Bởi vậy, các tiểu thương đều kỳ vọng thời gian tới, sức mua bật lên, thị trường sớm ổn định, việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Tin mới