Sinh con mà không kết hôn có được hưởng chế độ thai sản?

(Baonghean)-Chị N.T. G ở huyện T.C cung cấp: chị G và chồng đã ly hôn từ năm 2006, từ đó đến nay chị chưa tái hôn. Chị muốn sinh con mà không kết hôn. Chị đang làm việc tại cơ quan nhà nước và tham gia bảo hiểm đầy đủ.

Hỏi: Mong muốn của chị có vi phạm quy định của pháp luật không? Có được hưởng chế độ thai sản như những phụ nữ có gia đình bình thường không? Thủ tục, hồ sơ gồm những gì?

Trả lời: Căn cứ vào Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản: Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ mang thai, lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản; Người lao động quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm việc sinh con mà không đăng ký kết hôn. Đứa trẻ sinh ra mà người cha và người mẹ không có quan hệ hôn nhân, không được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật được coi là con ngoài giá thú. Như vậy, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, được hưởng đầy đủ các quyền khác về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...

Đối với người mẹ: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội không có quy định nào hạn chế quyền hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con mà không có đăng ký kết hôn, vì vậy, chị G sẽ vẫn được hưởng chế độ thai sản như những phụ nữ khác nếu chị đáp ứng đủ 2 điều kiện về đối tượng được hưởng chế độ thai sản và thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ thai sản.

Theo quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì một trong những đối tượng được hưởng chế độ thai sản là “cán bộ, công chức, viên chức”. Bên cạnh đó, Điều 14, Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cũng quy định: Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con .

Theo như chị G nói thì chị đang công tác tại cơ quan nhà nước nên chị thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản và nếu chị đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì chị sẽ được hưởng chế độ thai sản như những phụ nữ có chồng khác.

Thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ thai sản của chị G quy định tại Khoản 2, Điều 9, Quyết định số 01/2014/QĐ- BHXH ngày 3/1/2014 của BHXH Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/4/2014 gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Đối với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao).

Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự

TIN LIÊN QUAN

Tin mới