Sớm xây dựng chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.

bna-toan-canh-hn-diem-cau-hn-8489.jpg
Sáng 26/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự, chỉ đạo hội nghị. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều lĩnh vực hoàn thành và vượt chỉ tiêu

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời; triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao như tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị còn 2,76%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%.

Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm.

bna-toan-canh-hn-2419.jpg
Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ảnh: Minh Quân.

Bên cạnh đó, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Hội nghị cũng chỉ ra những những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác lao động, xã hội và người có công năm 2023 như: Chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương kinh tế trọng điểm và các doanh nghiệp.

Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; mức chuẩn trợ giúp xã hội quá thấp so với mức sống tối thiểu; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cai nghiện; một số nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành triển khai chậm...

Phấn đấu hoàn thành 16 chỉ tiêu năm 2024

Năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và 16 chỉ tiêu của ngành.

3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024:
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, ngành đã đề ra 14 nhóm giải pháp trên các lĩnh lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, công tác trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội, cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đạt được năm 2023.

bna-tuyen-truyen-tu-van-xuat-khau-lao-dong-tai-trung-tam-dich-vu-viec-lam-nghe-an-4270.jpg
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước năm 2024 đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong ảnh: Tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

Chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trước Tết Nguyên đán, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội về lĩnh vực lao động, người có công; tập trung, ưu tiên xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); xây dựng Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)...

Đồng thời, chú trọng bám sát nhu cầu thị trường lao động, thành lập sàn giao dịch về lao động, theo dõi, đánh giá, cập nhật thường xuyên để “nắm được cung, đảm bảo được cầu”; chủ trì hoàn thiện khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng với quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong cơ cấu dân số; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ chế để xây dựng chương trình, nội dung giáo dục đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục giữ vững vai trò hạt nhân trong chỉ đạo thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; cần nghiên cứu tham mưu thực hiện mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội./.

Tin mới