Sử dụng Compost Maker vào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh

(Baonghean.vn) - Theo số liệu thống kê tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh (gồm: Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ) cho thấy, có đến 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến một số diện tích, một số cây lâu năm (như cây chè) giảm năng suất, chất lượng rõ rệt, khả năng chống hạn vào mùa hè rất kém...

Một giải pháp đã được lựa chọn và đang ứng dụng có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt phân bón hữu cơ, giảm thoái hóa, bạc màu đất trên đồng ruộng tại một số huyện như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn,... là sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng thành công chế phẩm Compost Maker để sản xuất phân hữu cơ vi sinh (HCVS) trên địa bàn tỉnh, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện đã tạo ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất, tăng năng suất cây trồng từ 15 - 20%.


Ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cây phân xanh,...), phế thải nhà máy chế biến (bã, bùn mía, ...), rác thải chất hữu cơ sinh hoạt là một hướng đi mới. Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm trong nông nghiệp đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ với nguồn nguyên liệu chính là phế phụ phẩm, phế thải nhà máy chế biến, chế phẩm Compost Maker với một vài phụ liệu khác là đạm, lân, kali, rỉ mật,... là có thể sản xuất được phân bón. Sản phẩm phân bón tơi xốp, đạt mật độ các chủng vi sinh vật đưa vào xử lý, kh΄ng chứa các chủng vi sinh vật gây hại, hàm lượng nitơ, kali, photpho hữu hiệu đạt tiêu chuẩn ngành về phân bón.

Một thuận lợi là trên địa bàn tỉnh có lượng phế thải nhà máy chế biến lớn (4 nhà máy đường, Nhà máy dứa, Nhà máy tinh bột sắn,...) tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào; giá thành chế phẩm để sản xuất phân bón thấp, lượng vốn đầu tư sản xuất thấp.

Trên thực tế đồng ruộng ở một số địa phương của tỉnh ta, các mô hình sử dụng chế phẩm Compost Maker sản xuất phân bón từ phế phụ phẩm nông nghiệp bón trên một số đối tượng cây trồng cạn cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm chi phí đầu tư và đặc biệt là tạo ra sản phẩm an toàn. Ví dụ như các mô hình trồng chè tại xã Hùng Sơn và trồng cam tại Công ty Nông Công nghiệp Xuân Thành cũng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Theo số liệu thống kê của xã Hùng Sơn, năng suất chè khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh ủ từ chế phẩm Compost Maker tăng so với trước đây không sử dụng từ 15 - 20%; chất lượng nước thơm ngon hơn, giảm sâu bệnh hại. Sử dụng trên cây cam tại Quỳ Hợp và cây mía tại huyện Tân Kỳ đã cho kết quả rất tốt. Nâng năng suất cam và mía lên từ 10 - 15%, giảm phân bón hóa học và thuốc BVTV, làm cho đất đai tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, chịu hạn của cây trồng.


Trung tâm ƯD TBKHCN hiện có xưởng sản xuất chế phẩm Compost Maker công suất 100 tấn sản phẩm/năm, đáp ứng căn bản nhu cầu sản xuất phân HCVS từ phế phụ phẩm nông nghiệp trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã sản xuất được trên 36.750 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Trong thời gian tới, Trung tâm ƯD TBKHCN tiếp tục sản xuất chế phẩm cung ứng cho các mô hình đã và đang sản xuất phân bón trên các đối tượng cây trồng, mở rộng thị trường đến các vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Và tại Nghị quyết số 31/211/NQ-HĐND được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 9/12/2011 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp sử dụng trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp như sau: Hỗ trợ 70% kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker cho các huyện miền núi cao: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông; hỗ trợ 60% kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker cho các huyện miền núi thấp: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thị xã Thái Hoà, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương; hỗ trợ 50% kinh phí mua sinh học Compost Maker cho các huyện, thành phố, thị xã còn lại.

Thời gian hỗ trợ trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2012 và nguồn kinh phí hỗ trợ được cấp từ nguồn ngân sách tỉnh, cân đối hàng năm cho các huyện, thành thị theo kế hoạch. Sắp tới, Trung tâm sẽ tăng cường đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất và sử dụng để nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với tiến bộ mới trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Anh Vũ

Tin mới