Tân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson: Tại sao 'gã hề' được chọn?

(Baonghean)- Ngay sau chiến thắng trong cuộc đua “một mình một ngựa”, khi lựa chọn nội các, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ định Boris Johnson - thủ lĩnh Brexit vào vị trí Ngoại trưởng. Đây có lẽ là quyết định bất ngờ nhất và gây ra nhiều tranh cãi. Phải chăng cái lý của bà tân thủ tướng là dựa vào khả năng ăn nói lưu loát của Boris Johnson để đàm phán về quá trình tách khỏi EU có lợi nhất, đồng thời cũng muốn ông này “dọn dẹp” đống đổ nát thời hậu Brexit?

Thị trưởng
Chân dung tân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Ảnh: Internet.

Boris Johnson sinh ra trong một gia đình danh giá. Cha ông, Stanley Johnson, là một chính trị gia và nhà thơ từng đạt nhiều giải thưởng tại Trường Đại học Oxford. Trong khi đó người mẹ Charlotte Johnson Wahl của Boris là một họa sĩ và là một chính trị gia. 

Ở độ tuổi 25, Stanley nhận được học bổng và quyết định cùng với người vợ mới cưới chuyển tới Mỹ để theo học ngành Sáng tác văn học tại Đại học Iowa, sau đó ông chuyển sang ngành Kinh tế học thuộc Đại học Columbia danh tiếng. Vào ngày 19/6/1964, cậu bé Alexander Boris de Pfeffel Johnson được sinh ra tại một bệnh viện ở Thành phố New York.

Ngay từ khi còn nhỏ, Boris được ông Stanley Johnson truyền dạy tính cách hài hước, sôi nổi của những người Thổ Nhĩ Kỳ thiểu số - tổ tiên của gia đình. Cùng với ba người em Jo, Rachel và Leo, Boris luôn được cha mẹ khuyến khích đọc sách để trau dồi kiến thức.

Bên cạnh đó, chứng điếc bẩm sinh đã đưa Boris tìm đến sách vở làm bạn, và sau này ông thừa nhận, chính thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp ích cho ông rất nhiều trong thời gian hoạt động trong ngành báo chí sau này. Sở hữu một bộ óc tư duy nhạy bén cùng lượng kiến thức khổng lồ so với những người bạn cùng trang lứa, Boris từng bày tỏ ước mơ được trở thành một “vị vua của thế giới”.

Năm 8 tuổi, Boris bắt đầu đến trường bởi thính giác của cậu đã được hồi phục phần nào sau khi trải qua cuộc phẫu thuật tai. Tại trường học, ấn tượng của mọi người về Boris là một cậu bé tóc bạch kim có tố chất thông minh và chăm học song lại khá trầm tính. Những môn học mà Boris được đánh giá cao hơn cả là lịch sử Hy Lạp cổ đại và tiếng Latin.

Tháng 4/1973, gia đình Johnson chuyển tới Thủ đô Brussels (Bỉ) do ông Stanley được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc dự án Bảo vệ môi trường của Ủy ban châu Âu (EC). Tại đây, ông theo học tại một trường học thuộc vùng Uccle thuộc Brussels và bắt đầu học tiếng Pháp. Tuy nhiên, trường học tại Bỉ lại là một kỷ niệm không lấy gì làm vui vẻ với Boris.

Chứng kiến nhiều bạn cùng lớp bị thầy cô đánh đập, Boris đâm ra chán ghét trường học và nạn bạo lực học đường. Cuộc sống của Boris càng thêm buồn chán khi cha mẹ cậu ly hôn vào năm 1980. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, bà Charlotte cùng các con quay trở lại Anh và sống trong một căn hộ nhỏ tại khu Notting Hill, London. 

Năm 13 tuổi, Boris được trao học bổng nhà vua để theo học tại Eton College, một trường độc lập danh giá hàng đầu nước Anh. Trường Eton có một danh sách dài những cựu học sinh lỗi lạc, trong đó có cả 19 cựu Thủ tướng Anh.

Eton được xem là "cái nôi chính của những chính khách nước Anh" và được miêu tả là một trong những trường công lập nổi tiếng nhất thế giới. Trường Eton cũng là nơi khởi nguồn cho tình bạn giữa Boris Johnson và David Cameron, người sau này đã bước lên đỉnh cao danh vọng trên cương vị Thủ tướng nước Anh. 

Tân Thủ tướng Theresa May tin ông Boris Johnson sẽ dẫn dắt đoàn đàm phán Anh giành nhiều thắng lợi nhất. Ảnh: Telegraph.
Tân Thủ tướng Theresa May tin ông Boris Johnson sẽ dẫn dắt đoàn đàm phán Anh giành nhiều thắng lợi nhất. Ảnh: Telegraph.

Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, Boris Johnson tiếp tục dành được học bổng tại Trường Đại học Oxford, niềm mơ ước của mọi cô cậu học sinh Eton. Tại đây, Johnson không mất nhiều thời gian để khẳng định mình. Thậm chí, Boris còn giữ vai trò tổng biên tập một tạp chí châm biếm trong trường và trở thành Chủ tịch của Hội sinh viên Oxford Union có uy tín bậc nhất trong trường.

Ra trường, Boris Johnson làm việc tại lĩnh vực truyền thông nhờ vào tài ăn nói lưu loát và khả năng viết văn cừ khôi. Năm 1987, Johnson chính thức được tờ The Times nhận vào làm phóng viên tập sự, trước khi trở thành một tay viết cứng nhờ vào tài năng xuất chúng của mình.

Ít lâu sau, Boris Johnson bị cho nghỉ việc do ông đưa thông tin sai lệch về cung điện của Vua Edward Đệ nhị. Nhưng rất nhanh chóng, Boris Johnson có công việc mới tại The Daily Telegraph. Các bài viết của ông được biết đến với phong cách văn chương độc đáo, được tô điểm bởi lối diễn đạt tự nhiên, hài hước và gần gũi với độc giả. Ngoài nghề báo, Johnson còn là tác giả của vài quyển sách được độc giả hưởng ứng, và cả phim ảnh...

Sự nghiệp chính trị của Johnson chỉ thực sự cất cánh khi ông trở thành Thị trưởng London sau một đánh bại đối thủ Ken Livingston trong cuộc bầu cử vào năm 2008. Bất chấp những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Johnson qua vẻ bề ngoài kỳ khôi và thân hình “mập ú” như một con gấu, chính trị gia mang 2 quốc tịch Anh và Mỹ đã ngày càng chứng tỏ ông chính là nhà lãnh đạo xứng đáng của thủ đô nước Anh. Bằng chứng là 4 năm sau đó Johnson tái cử bằng số phiếu khá chênh lệch trước đối thủ Livingstone.

Một trong những thành tựu trong suốt 8 năm nắm giữ chức vụ Thị trưởng chính là chương trình cho thuê xe đạp trên toàn thành phố. Những chiếc xe đạp có tên “Boris”, được đặt theo tên của ngài thị trưởng, đã xây dựng một hình ảnh London thân thiện và quan tâm tới môi trường.

Ngoài ra, các đường hầm bỏ hoang tại London cũng đã được Johnson biến thành một mạng lưới ngầm phục vụ cho những người đi xe đạp và người đi bộ với mục đích giảm tải cho các đường phố thủ đô. Hình ảnh người đứng đầu thành phố ăn mặc giản dị, thường xuyên đạp xe băng băng tới nơi làm việc chắc chắn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân London. 

Là một người hoạt ngôn và hài hước, Johnson không tránh khỏi những giây phút bị “vạ miệng”. Vào năm 2008, ông từng phải xin lỗi về những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc khi ám chỉ người da đen là "những đứa trẻ bé bỏng". Hay trong một lần khác, cựu Thị trưởng London đã gây ra một làn sóng tranh cãi sau khi nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bộc lộ gốc gác Kenya “không thích người Anh” khi tìm cách “xen” vào kế hoạch trưng cầu dân ý tách khỏi EU của Anh... 

Trở lại với cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6, với cương vị dẫn dắt phong trào Brexit, bất chấp mọi nỗ lực của người bạn David Cameron, phe của Boris Johnson đã giành chiến thắng suýt sao. Ngay sau khi kết quả được công bố, Brexit thực sự đã tạo ra “cơn địa chấn” khuynh đảo không những Anh và còn cả thế giới trên mọi lĩnh vực.

Và khi Thủ tướng Cameron phải từ nhiệm, nhiều người cho rằng, con đường đến với số 10 phố Downing (dinh thự Thủ tướng Anh) đối với Boris Johnson chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, đến ngày 30/6 - một tuần sau ngày người dân Anh lựa chọn rời khỏi UE, Boris Johnson bất ngờ rút khỏi cuộc đua.

Khi đó, giới chuyên gia nhận định rằng, sở dĩ Boris Johnson ra quyết định như vậy bởi ông nhận thấy cơ hội thắng cử Thủ tướng Anh bị suy giảm sau khi một đồng minh trong chiến dịch Brexit là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Michael Gove quay lưng lại với ông và tuyên bố cũng tranh cử thủ tướng.

Quyết định của ông cũng đã gây nên một làn sóng bất bình trong dư luận bởi họ cho rằng họ đã sai lầm khi ủng hộ ông, một người không dám trở thành thuyền trưởng của một con tàu đang chìm dần, không muốn dọn dẹp “đống đổ nát” cho chính mình tạo ra. 

Những tưởng cái tên Boris Johnson sẽ sớm rơi vào quên lãng do ông đã “bỏ của chạy người” thì ngay sau khi nước Anh có tân thủ tướng, một lần nữa Boris Johnson lại là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thành phần nội các của bà Theresa May.

Vậy tại sao Thủ tướng Theresa May lại lựa chọn Boris Johnson vào vị trí Ngoại trưởng - một vị trí vô cùng nhạy cảm vào lúc này. Bởi tới đây, tiến trình đàm phán quá trình rời khỏi EU của Anh sẽ bước vào giai đoạn rất căng thẳng. Làm sao hạn chế tối đa những thiệt hại trong mọi lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, an ninh... là điều mà người dân Anh, các nước trong khối Liên hiệp Anh rất quan tâm.

Hẳn rằng, trong suy nghĩ của bà Theresa May, với những thành tựu vang dội khi còn là Thị trưởng London, với sự thông minh, từng trải, hoạt ngôn của một nhà báo nổi tiếng, Boris Johnson sẽ dẫn dắt đoàn đàm phán của Anh giành nhiều thắng lợi nhất.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới