Tăng cường công tác truyền thông để phòng, chống bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hoạt động truyền thông về căn bệnh Thalassemia có vai trò rất quan trọng bởi bệnh có thể phòng tránh được khi mọi người có sự hiểu biết đầy đủ.
Chương trình văn nghệ truyền thông về “Ngày Thalassemia Thế giới". Ảnh: Thành Chung

Chương trình văn nghệ truyền thông về “Ngày Thalassemia Thế giới". Ảnh: Thành Chung

Sáng 5/5, Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển huyện Quỳ Châu tổ chức chương trình truyền thông Ngày Thalassemia Thế giới (8/5/1986 - 8/5/2023).

Tham dự chương trình có đại diện Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển tỉnh, các huyện, thành và thị xã trong tỉnh; đông đảo người dân trên địa bàn huyện Quỳ Châu.

Thalassemia (còn được gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Đây là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi.

Hiện tại ở Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh đang điều trị hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh. Ảnh: Thành Chung

Hiện tại ở Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh đang điều trị hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh. Ảnh: Thành Chung

Hiện nay, Thalassemia đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều nước trên Thế giới với hơn 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh, có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh. Trong đó, người đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ từ 20 - 40%. Mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh (trong đó khoảng 2.000 trẻ em bị bệnh thể nặng, khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai và 10 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh).

Các em học sinh Trường THPT Quỳ Châu thuyết trình bằng tranh về bệnh Thalassemia. Ảnh: Thành Chung

Các em học sinh Trường THPT Quỳ Châu thuyết trình bằng tranh về bệnh Thalassemia. Ảnh: Thành Chung

Số bệnh nhân tan máu bẩm sinh thể nặng cần điều trị thường xuyên là trên 20.000 người, trong đó 44% là trẻ em dưới 15 tuổi. Ước tính chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị (tối thiểu) và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã và đang làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Tại Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, hàng năm, số bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm khoảng 350 - 400 người.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An nêu rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống bệnh Thalassemia để bảo vệ giống nòi. Ảnh: Thành Chung

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An nêu rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống bệnh Thalassemia để bảo vệ giống nòi. Ảnh: Thành Chung

Đây chỉ là số bệnh nhân được phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện. Thực tế ở cộng đồng, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Điều đó cho thấy, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại Nghệ An.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An nêu rõ: Phòng, chống bệnh Thalassemia, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh; thực hiện phối hợp lồng ghép tuyên truyền bệnh tan máu bẩm sinh vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, đảm bảo sự vào cuộc tích cực và tối đa của các cấp, các ngành.

Ban Tổ chức chương trình tặng quà cho trẻ em bị bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Chung

Ban Tổ chức chương trình tặng quà cho trẻ em bị bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Chung

Các đơn vị y tế, dân số cần chung tay, góp sức để phát hiện, chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân mang bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông về căn bệnh này.

Nam, nữ thanh niên trong độ tuổi cần chủ động tham gia tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn để có lựa chọn đúng đắn về hôn nhân; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần thực hiện tốt các xét nghiệm, tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh.

Bệnh Tan máu bẩm sinh là một bệnh có tính chất di truyền do bệnh nhân nhận gen bệnh từ cả bố và mẹ. Một trong những nguyên nhân chính của bệnh là do kết hôn cận huyết thống. Việc xác định được nguyên nhân, phát hiện sớm, phòng bệnh được đặt ra như một giải pháp có ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, nâng cao chất lượng dân số ở hiện tại và tương lai.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh hiệu quả tới 90 - 95% bằng các biện pháp như khám sức khoẻ trước khi kết hôn để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai; thực hiện xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời gian thai kỳ để có quyết định sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là những biện pháp hiệu quả và chi phí thấp.

Tin mới