Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo đột phá trong chất lượng đào tạo nghề

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tổ chức Hội nghị khu vực về đào tạo nghề với chủ đề “Đột phá chất lượng dạy nghề”. 


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Ngài Hans Juergen Beerfeltz, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức cùng đại diện các nước ASEAN đã về dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trong mọi lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống dạy nghề Việt Nam tiếp cận, hợp tác về công nghệ mới, mô hình dạy nghề hiện đại. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng dạy nghề ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Mặc dù dân số và lực lượng lao động đông và trẻ, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Chất lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hạn chế này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh trạnh trên thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng nghề và các kỹ năng “mềm” khác.


Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo đột phá trong chất lượng đào tạo nghề ảnh 1

 Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/10 
tại Hà Nội. Ảnh: VA

Bộ trưởng cho biết, để hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế của một nước công nghiệp vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đổi mới toàn diện hệ thống dạy nghề, nội dung, chương trình và các điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng dạy nghề. Phấn đấu đến năm 2020, chất lượng đào tạo của một số nghề Việt Nam đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời phổ cập nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn vào lao động trẻ ở đô thị, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền mong muốn để tạo sự đột phá về chất lượng, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là Đức và các nước ASEAN, như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam trong đó có việc trao đổi, hỗ trợ để hoàn thiện Luật Dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan; Thu hút các nguồn ODA từ các nhà tài trợ để phát triển dạy nghề, trong đó tập trung phát triển các trường nghề chất lượng cao, một số trường đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực; Hợp tác đào tạo nghề chất lượng cao cho các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Ngài Hans Juergen Beerfeltz, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: Việt Nam là một trong những đối tác lớn của Đức. Để có được bước đột phá về chất lượng nghề, Đức đã rất thành công trong định hình nền kinh tế của mình và phát triển các hoạt động về chính trị, xã hội, kinh tế; thay đổi các cách tiếp cận về chính sách trong phát triển của Đức, cố gắng hoàn thiện cơ chế chống quan liêu, thúc đẩy năng suất để tạo ra các cơ hội mới, hoạt động sáng tạo mới để có kết quả tốt.


Bên cạnh đó, Ngài Hans Juergen Beerfeltz cho biết thêm, cần cố gắng thúc đẩy khai thác nguồn lực chất xám thế hệ trẻ. Phát triển các chiến lược mới về đào tạo, không chỉ đào tạo viết, đọc, mà việc học tập cần kéo dài trong suốt cả đời. Khi việc đào tạo trở nên có trách nhiệm hơn thì sẽ những bước tiến trong tương lai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020.


Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới. Vì vậy, đào tạo nghề ở Việt Nam, một mặt phải tự đổi mới, đổi mới từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo; mặt khác cần tiếp thu, áp dụng những trí thức khoa học và công nghệ của thế giới, tiếp thu những ưu điểm của các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trong nước, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng song song với việc huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là với Cộng hòa Liên bang Đức – nước có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành công trong đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho doanh nghiệp. 


Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị cần chia sẻ làm rõ, về lĩnh vực có thể hợp tác thì Việt Nam cùng với các nước trong khu vực và Đức có thể hợp tác để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề, trong đó tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề… Về hình thức hợp tác, có nhiều hình thức hợp tác song phương và đa phương; có thể là hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của cả hệ thống qua các nguồn ODA, hoặc hợp tác, hỗ trợ đầu tư cơ sở dạy nghề đạt chất lượng cao, đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế… thông qua các chương trình, dự án cụ thể.


(TheoĐCSVN)- LH

Tin mới