Tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp đạt cao nhất trong nhiều năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngày 3/1, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Hoan - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2023, triển khai kế hoạch năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2023, Ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trong năm qua ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.

Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

tt-8415.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng OCOP trưng bày tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi diễn ra hội nghị. Ảnh: SGGPO

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như rau quả, gạo, điều. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng chế biến sâu, giá trị cao, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Ngành đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), quảng bá hình ảnh, thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Đến nay, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

bna-toan-canh-anh-phu-huong-3327.jpg
Điểm cầu Nghệ An tham gia hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Phú Hương

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ghi nhận những đóng góp lớn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

"Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng", Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Để tiếp tục phát triển, thì tư duy phải luôn đổi mới, tầm nhìn có chiến lược, không để bị động và lúng túng. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của chính quyền và huy động sức mạnh, sự vào cuộc của toàn thể nhân dân. Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.

Để đạt mục tiêu đã đề ra, ngành đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tổ chức sản xuất, định hướng kế hoạch sản xuất, xúc tiến thương mại, thực hiện đầu tư công, phát triển khoa học công nghệ, và truyền thông phát triển nông nghiệp, nông thôn.

bna-lanh-dao-so-anh-phu-huong-776.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Phú Hương

Nghệ An đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Nghệ An ước đạt 7,14%; trong đó nông nghiệp được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế với tăng trưởng GRDP đạt 4,54 %/kế hoạch là 4,5-5,0%.

rung-9660.jpeg
Nghệ An phát triển trồng rừng gỗ lớn. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Tiềm năng lợi thế về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp là cơ sở để Nghệ An phát triển kinh tế bền vững, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó phát huy tối đa các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023, tăng bình quân 6,8%/năm.

Tuy nhiên, Nghệ An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế về rừng, đặc biệt phát huy tối đa các giá trị đa dụng của rừng.

bna-a-de-anh-phu-huong-5516.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị một số vấn đề trong phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Phú Hương

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Nghệ An xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, gắn với sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Quan tâm hỗ trợ Nghệ An đầu tư về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Đề nghị uỷ quyền cho Nghệ An xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn. Cho phép tỉnh sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện trồng rừng để bảo vệ và phát triển rừng; được thí điểm Dự án Kinh doanh tín chỉ các bon để trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ các bon thị trường trong nước và tự chủ trong chuyển nhượng giao dịch mua bán, trao đổi tín chỉ các bon ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Chính phủ có cơ chế, chính sách thí điểm để hỗ trợ thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị xem xét rà soát, điều chỉnh giảm chỉ tiêu về độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An (63,5%) trong dự thảo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xuống còn 58% nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực hiện của địa phương, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh và định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023.

Tin mới