Tạo đột phá về thực thi pháp luật, kiểm tra tàu cá hoạt động trên biển năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 5/2, Thường trực Ban chỉ đạo IUU quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương ven biển tiếp tục triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tháng 2.

Chủ trì từ điểm cầu trung tâm tại tỉnh Kiên Giang có đồng chí Trần Lưu Quang- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, hiệp hội và điểm cầu 28 tỉnh, thành ven biển.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Cùng tham gia có đại diện các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU tỉnh; UBND các huyện, thị; các Đồn Biên phòng và phường, xã ven biển.

bna-pho-thu-tuong-chu-tri-khai-mac-2771.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị từ điểm cầu trung tâm tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyễn Hải

Mở đầu hội nghị, thay mặt Thường trực Ban chỉ đạo IUU quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để chuẩn bị đón tiếp đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) sang kiểm tra lần thứ 5 trong mấy tháng tới. Sở dĩ Ban chỉ đạo IUU Quốc gia phải vào Kiên Giang để chủ trì hội nghị, bởi đây là 1 trong những điểm nóng nhất về vi phạm IUU, qua đó, trực tiếp kiểm tra và lắng nghe các địa phương báo cáo một cách thực chất nhất, tìm giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, vi phạm IUU.

bna-toan-canh-6182.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU tỉnh theo dõi hội nghị từ điểm cầu UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, vẫn có 17 tàu/190 ngư dân bị các nước Malaixia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý, trong đó mới xác định được 11/17 tàu, nhiều nhất là Kiên Giang 6/11 tàu, Cà Mau 3/11 tàu, còn lại là Tiền Giang, Quảng Ngãi; còn 6/17 tàu chưa xác minh được của tỉnh nào do sử dụng đăng ký giả hoặc xóa đăng ký.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc có 64 tàu với 550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; trong đó nhiều nhất là tại Malaisia, tiếp đó là Thái Lan, Indonesia. Hiện tại, lực lượng chức năng mới xác minh được 36/64 tàu và Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định là nhiều nhất; còn lại là 27/64 tàu chưa xác minh được của tỉnh nào do tàu đánh bắt vi phạm sử dụng đăng ký hoặc xóa sổ đăng ký.

(Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại buổi làm việc)

bna-dai-dien-cac-dia-phuong-tu-diem-cau-nghe-am-5293.jpg
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương ven biển sẽ phối hợp kiểm tra IUU trên biển và trên bờ. Ảnh: Nguyễn Hải

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc quản lý đội tàu chưa đảm bảo theo quy định, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá tại một số địa phương chưa đồng bộ.

Cả nước hiện còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không”, tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương kiểm soát chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng mới, cải hoán tàu cá, mua bán chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng theo quy định; tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối vẫn còn phổ biến với khoảng 5.000 lượt tàu mất kết nối từ năm 2023 đến nay; tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động đánh bắt sai vùng với số lượng lớn.

Cùng với các tỉnh phía Bắc, Nghệ An là một trong những tỉnh có tàu cá mất tín hiệu kết nối nhiều nhưng lực lượng chức năng xử lý còn ít…

bna-2476.jpg
Đại diện UBND tỉnh Kiên Giang - địa phương có nhiều tàu cá vi phạm IUU nhưng cũng là địa phương đầu tiên xử lý hình sự các đối tượng tổ chức đưa ngư dân xuất cảnh trái phép đi đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh ven biển và bộ, ngành nêu một số kết quả nổi bật trong triển khai xử lý vi phạm IUU thời gian vừa qua. Trên cơ sở nêu một số khó khăn và nguyên nhân, các bộ, ngành và các tỉnh cũng báo cáo dự kiến các định hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

bna-ap-tai-phuong-tien-ve-de-xu-phat-1964.jpg
Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An áp tải một tàu cá vi phạm về cảng Cửa Lò để xử phạt. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận, nêu kết quả kiểm tra xử lý vi phạm IUU thời gian qua. Trên cơ sở báo cáo chi tiết về xử lý tình trạng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình VMS thời gian qua, tỉnh đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó rà soát nhóm tàu mất kết nối VMS năm 2023, nếu còn thời hiệu sẽ xử lý; đồng thời xử lý nghiêm các tàu mất kết nối năm 2024.

Hiện tại, trên cơ sở rà soát, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành quyết định xử phạt đối với 3 tàu cá mất tín hiệu VMS trên biển với số tiền 64 triệu đồng.

bna-anh-de-phat-bieu-1522.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu nêu kết quả xử lý vi phạm IUU và xử phạt tàu cá mất tín hiệu kết nối hành trình VMS. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương một số địa phương làm quyết liệt thời gian qua; đồng tình với các đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như đại diện một số bộ, ngành, địa phương.

Để thể hiện quyết tâm gỡ thẻ vàng trong năm 2024, thời gian tới, cùng với sớm thông qua 2 Nghị định sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thủy sản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra đến tháng 4/2024 để điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm IUU; vào cuộc quyết tâm để kiểm soát, giảm thiểu các vụ việc tàu cá vi phạm; xử lý nghiêm không có ngoại lệ các kết nối VMS từ đầu năm đến nay, tạo bước đột phá trong thực thi pháp luật; chỉ đạo các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ bờ để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa để ngăn chặn kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

bna-khu-neo-dau-tau-thuyen-tai-ben-ca-quynh-nghia-quynh-luu-7942.jpg
Ban chỉ đạo IUU quốc gia yêu cầu giám sát sản lượng đối với tàu đánh bắt không vào cảng chỉ định để việc truy xuất nguồn gốc đi vào thực chất, sát thực hơn. Trong ảnh: Tàu cá về neo đậu tại bến cá Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Cơ bản đồng tình với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng Phó Thủ tướng đề nghị trong vòng 3 tháng tới, Bộ cần tranh thủ thời gian tăng cường kiểm tra đốc thúc tại các địa phương; yêu cầu mở đợt cao điểm thực thi pháp luật, tuần tra; Bộ đội Biên phòng ưu tiên kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, tại các cửa sông, cửa biển, các đảo trên địa bàn; các địa phương tranh thủ dịp Tết Nguyên đán tàu về nghỉ để tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đặc biệt lưu ý đối với tàu cá hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản…/.

Tin mới