Tạo nhiều giống cây trồng năng suất, chất lượng cao

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở nhân giống giống cây công nghiệp, cây ăn quả đảm bảo cung ứng cho các vùng chuyên canh như: chè, cam, quýt… Tuy nhiên, để nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, các doanh nghiêp, đơn vị sản xuất giống cần đổi mới lai tạo các giống mới, góp phần tăng hiệu quả kinh tế các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp.

Thời gian qua Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đã khảo nghiệm, du nhập và tuyển chọn được khá nhiều giống cây triển vọng. Trong đó, giống quýt chín muộn PQ1 lai tạo từ giống quýt Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang (Cục Trồng trọt đã có Quyết định 480/QĐ-TT-CCN công nhận chính thức giống quýt PQ1 cho sản xuất tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ). Đến nay, sau 10 năm trồng khảo nghiệm, giống quýt này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Diện tích khảo nghiệm ban đầu là khoảng gần 1 ha, chia ra 2 vùng khảo nghiệm ở Nghĩa Đàn, Thanh Nho - Thanh Chương. Sau đó tiếp tục quy trình nhân giống và quy trình thâm canh giống PQ1. Quá trình nghiên cứu và lai tạo trong thời gian qua cho thấy, giống quýt PQ1 rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ. Đến thời điểm này, giống quýt PQ1 đã được sản xuất đại trà trên diện tích gần 400 ha tập trung ở Quỳ Hợp, Thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… Năng suất bình quân đạt từ 22-25 tấn/ha, thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Trung tâm tập trung sản xuất giống bán ra thị trường mỗi năm 1 - 1,5 vạn cây. 
Phát triển giống cây chanh leo ở Tri Lễ - Quế Phong.
Phát triển giống cây chanh leo ở Tri Lễ - Quế Phong.
Từ năm 2000-2006, Trung tâm còn thực hiện đề án: “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất giống chanh leo”, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nguyên liệu Nghệ An. Trải qua các bước thử nghiệm như nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm hom và phương pháp ghép cành, cuối cùng lựa chọn phương pháp giâm hom tại vườn ươm nhà lưới hiệu quả hơn. Đến tháng 6/2011, Trung tâm trồng thử nghiệm chanh leo 2 ha tại xã Tri Lễ-Quế Phong kết quả rất khả quan, đạt từ 35-40 tấn chanh leo/ha/năm.
Mặc dù đề tài vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về giống chanh leo, tuy nhiên bước đầu đã mang lại bước đột phá về năng suất, chất lượng. Ông Lữ Văn Chiến ở bản Yên Sơn - Tri Lễ cho biết: “Năm 2009 gia đình tôi trồng khoảng 30 gốc cây chanh leo, ban đầu giống cũ năng suất thấp. Năm 2011, thấy được hiệu quả từ giống mới trồng thử nghiệm nên tôi đã đầu tư trồng 1 ha chanh leo. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014 đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng, dự tính chanh leo cho năng suất trên 30 tấn/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng/ha/năm...”. 
Còn tại Quỳ Hợp, Công ty Nông nghiệp Xuân Thành nhiều năm liền đã chủ động sản xuất được các loại giống cam, quýt phục vụ vùng chuyên canh. Mỗi năm công ty cung ứng khoảng trên 2,2 vạn cây cam giống cho nhân dân trong vùng. Qua trao đổi, ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty cho biết thêm: “Xác định vùng đất thích hợp với trồng cam, nhưng ban đầu rất khó khăn về giống, Công ty đã được Viện Di truyền Nông nghiệp và các cơ quan chuyên ngành về giống cây ăn quả giúp đỡ về phương diện kỹ thuật. Từ chỗ phải đi mua bầu giống để nhân rộng mô hình, Công ty đã xây dựng thành công 4 vườn ươm nhà lưới để sản xuất ghép các giống cam V2, Vân Du, Xã Đoài…
Đặc biệt là Giống cam V2 (Valencia 2) do Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo nhân giống. Ngay sau khi được công nhận, giống cam V2 đã được đưa trồng khảo nghiệm tại Công ty và trở thành “cây nòng cốt” cho hiệu quả cao về năng suất chất lượng. Riêng tại Công ty đã trồng 700 ha cam chủ yếu là giống V2”. Là một trong những hộ trồng giống cam V2, anh Dương Tấn ở xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) cho hay: “Qua theo dõi thấy nhiều hộ dân giàu lên nhờ cam chín muộn V2 anh cũng mạnh dạn đầu tư trồng trên 7 ha, giống cam mua tại Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, hiện vườn cam được 2 tuổi, phát triển khá tốt, hy vọng sẽ cho thu nhập cao như những gia đình khác...”. 
Đối với giống chè, trên địa bàn tỉnh đã hoàn toàn chủ động được nguồn giống. Đơn vị sản xuất giống chè chủ lực hiện tại là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Công ty đang đầu tư 8 vườn ươm chè công nghệ cao, chủ yếu sử dụng công nghệ giâm cành với các giống mới LDP. Chè giâm cành không chỉ giữ đặc tính của giống bố mẹ mà rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất cao. Trồng chè cành chỉ sau 2 năm là đưa vào kinh doanh, 3 năm tuổi năng suất đạt 3 tấn/ha; chè 6 - 7 năm tuổi cho thu 21 tấn/ha và sau 8-10 năm có thể đạt tới 28 tấn/ha. Hiện nay, công ty đang khảo nghiệm các giống chè mới PH1, PH9 … Ông Hồ Viết An - Giám đốc công ty cho biết: “Diện tích chè lâu năm, năng suất thấp, chất lượng kém trên địa bàn tỉnh đang được thay thế bằng các giống chè mới với năng suất cao. Hiện nay, trên 7000 ha chè toàn tỉnh cơ bản đều được thay bằng các giống mới”. 
Còn với cây mía, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết diện tích mía sử dụng giống cũ, năng suất chất lượng thấp. Một số nhà máy đường chưa tổ chức hệ thống nhân giống đảm bảo chất lượng để cung cấp giống cho diện tích trồng mới vùng nguyên liệu hàng năm. Các vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Lam, Công ty CP Mía đường Sông Con hiện đang sử dụng chủ yếu giống mía cũ (Rốc 10). Để nhân rộng diện tích, nhiều người dân tự lấy mía thương phẩm để nhân giống dẫn đến tình trạng năng suất thấp. Riêng Công ty Mía đường Sông Con hiện có hệ thống vườn ươm ở xã Tân Long (Tân Kỳ), hiện tại đang khảo nghiệm một số giống mía mới nhập ngoại từ Thái Lan, Trung Quốc, tuy nhiên vẫn chưa khẳng định được tính ưu việt nên chưa nhân ra diện rộng.
Đánh giá về việc chủ động nguồn giống cây trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT trao đổi: “Về cơ bản các cơ sở sản xuất cung ứng giống cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn đều đảm bảo chất lượng. Các cơ sở sản xuất giống cây đều được đầu tư hệ thống vườn ươm nhà lưới hiện đại. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, kỹ sư có kinh nghiệm, trách nhiệm, bước đầu đã đáp ứng nhân giống một số cây công nghiệp, cây ăn quả như: chè cành, cam, quýt, bưởi… Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như chuyển giao và đưa vào ứng dụng các loại giống mới còn quá chậm. Một số đơn vị còn chưa tiếp cận được các loại giống mới từ gốc, dẫn đến tình trạng nhiều vùng chuyên canh còn phải sử dụng giống cũ. Để đổi mới vấn đề này, ngành nông nghiệp đang tích cực khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị làm giống tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lai tạo, sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng cao. Từ đó mới có bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế…”.
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới