Tháng Bảy trên miền đất thiêng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương của các anh hùng liệt sĩ, nơi yên nghỉ của biết bao người ngã xuống vì sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc, trong những ngày tháng Bảy, Nghệ An trở thành điểm hành hương của nhân dân và du khách khắp mọi miền.

Biểu tượng của tinh thần bất khuất

Những ngày tháng Bảy này, dòng người về các di tích lịch sử và Nghĩa trang liệt sĩ mỗi lúc một đông để bày tỏ niềm tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, hòa bình. Ngược xuôi trên Quốc lộ 46 đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên), nhiều đoàn khách đã vào Khu lưu niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh để dâng nén hương thơm cho những người đã ngã xuống hơn 90 năm trước.

3.JPG
Du khách về dâng hương trước tượng các liệt sĩ TNXP hy sinh tại Truông Bồn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư

Sau phút đứng lặng trước phần mộ chung của các liệt sĩ, anh Nguyễn Minh Hải ở phường Bến Thủy (TP. Vinh) nói với các con: “Hơn 93 năm trước, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi đây diễn ra cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân đòi thực dân Pháp và phong kiến tay sai giảm sưu, thuế. Giặc Pháp đã cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 chết, 125 người bị thương nhưng không khuất phục được tinh thần đấu tranh của quần chúng cách mạng. Khu tưởng niệm trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của nhân dân ta”.

Theo lời anh Hải, tháng Bảy năm nào anh cùng các con đều tổ chức những cuộc hành hương đến các điểm di tích lịch sử và nghĩa trang để dâng hương cho các liệt sĩ. Năm nay, sau khi dâng hương ở nghĩa trang TP. Vinh, bố con anh ngược lên Hưng Nguyên để tri ân các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh, qua đó giúp các con nắm được cội nguồn lịch sử, quê hương.

2.JPG
Du khách về dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư

Chúng tôi rẽ theo Quốc lộ 15A, cung đường này dòng xe qua lại khá nhộn nhịp hướng về phía Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương). Vùng đất này ngập tràn sắc xanh của núi đồi và vườn tược, làm dịu bớt cái nắng Hè gay gắt. Tháng Bảy, Truông Bồn trở thành “điểm hẹn” của hành trình tri ân, bởi người dân khắp các vùng, miền cùng trở về đây dâng hoa, dâng hương tưởng niệm công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để làm nên chiến thắng.

“Tôi biết Truông Bồn qua sách báo nhưng hôm nay mới có dịp đến thăm và thắp nén hương thơm cho các chị, các anh đang nằm lại nơi này. Bước chân đến đây, trong lòng tôi chợt trào dâng niềm xúc động với những hy sinh của các anh, các chị thanh niên xung phong đã chiến đấu và hy sinh ở “tọa độ lửa”, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất hủ”.

Bà Đỗ Thị Hoa - du khách đến từ Thanh Hóa

Từng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 15A trong những năm chiến tranh ác liệt, cựu TNXP Nguyễn Thị Thúy, quê Diễn Châu năm nào cũng sắp xếp thời gian vào dâng hương cho các đồng chí, đồng đội. Với bà, về với Truông Bồn là về lại chiến trường xưa, nơi một thời thanh xuân gắn bó với những cung đường đạn bom ác liệt. “Đến với Truông Bồn, ký ức tuổi thanh xuân lại ùa về khiến nỗi nhớ thương đồng đội không thể nguôi ngoai. Vì thế, khi còn đủ sức, đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ tôi lại trở về đây để lòng mình luôn được thanh thản”, bà Thúy tâm sự.

“Trong những ngày tháng Bảy, mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng lượng khách về tham quan Truông Bồn tăng đột biến, có những ngày lên tới hàng nghìn lượt người. Có những đoàn khách ở các tỉnh xa lần đầu về Truông Bồn, chứng kiến không gian, khung cảnh và nghe thuyết minh về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã không cầm nước mắt vì xúc động…”.

Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn

Những “địa chỉ thiêng”

Rời Truông Bồn, theo Quốc lộ 7A, chúng tôi lên thị trấn Anh Sơn, nơi có Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào. Đây là nơi yên nghỉ của gần 11 nghìn liệt sĩ, phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào. Những ngày này, Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào đón nhiều đoàn khách trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước về dâng hoa, dâng hương. Trong đó, có những đoàn của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về tri ân công lao liệt sĩ; có những đoàn là những cựu chiến binh về dâng hương đồng đội và có rất nhiều thân nhân về thăm người thân đang yên nghỉ nơi đây.

bna-12-1982.jpg
Một trong những hình ảnh quen thuộc trong những ngày tháng 7 này tại nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào là đoàn viên, thanh niên tại các cơ sở Đoàn thay phiên nhau tổng dọn vệ sinh khuôn viên nghĩa trang và chăm sóc các phần mộ liệt sĩ . Ảnh: Thái Hiền

Có một nhóm thanh niên đi dọc theo từng hàng mộ, mắt dõi vào những tấm bia khắc tên liệt sĩ. Nguyễn Hoàng Khánh, một thành viên trong nhóm cho biết: “Chúng em ở thành phố Vinh và các huyện lân cận, là sinh viên các trường đại học, đang về quê nghỉ Hè. Hôm nay, chúng em cùng nhau lên thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào để hiểu hơn về một địa chỉ thiêng của quê hương. Đến đây, mọi người đều thực sự xúc động trước khung cảnh hàng ngàn mộ chí, trong đó rất nhiều mộ chí chưa biết tên, từ đó hiểu thêm về nỗi đau và cái giá của cuộc sống độc lập, hòa bình”.

bna_1a.jpg
Du khách về dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào (Anh Sơn). Ảnh: Huy Thư

Ở đây, chúng tôi đã gặp chị Hà Thị Thu, quê ở Thanh Hóa, qua câu chuyện, được biết bố chị từng chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Lào. Tìm hiểu các thông tin quy tập, khả năng cao phần mộ của bố chị đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, gia đình đã vào tìm nhưng vẫn chưa thấy. Có thể mộ của bố chị là một trong hàng nghìn ngôi mộ chưa biết tên…

Cùng với các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích lịch sử, khu lưu niệm các bậc cách mạng tiền bối như: Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh), Phan Đăng Lưu (Yên Thành)… cũng trở thành điểm đến của nhiều tổ chức, cá nhân trong những ngày tháng Bảy. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tưởng niệm và ghi nhớ công lao của những người đã hy sinh vì cuộc sống hòa bình và độc lập hôm nay./.

Tin mới