Thành công trong tham gia chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm

(Baonghean) - Từ năm 2010, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế Giới (WB) đã tài trợ cho ngành chăn nuôi việt nam Dự án cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm, gọi tắt là LIFSAP, không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Nghệ An là 1 trong 12 tỉnh trên cả nước tham gia Dự án trên.
Dự án cạnh tranh LIFSAP được thực hiện xuất phát từ thực trạng của ngành chăn nuôi và nhu cầu ngày càng gia tăng của toàn xã hội về tạo nguồn thực phẩm thịt an toàn, với mục tiêu ngắn hạn đưa các hộ chăn nuôi theo vùng, tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng bể biogas, nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống…
Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Phuống, xã Thanh Giang (Thanh Chương) được Dự án LIFSAP  hỗ trợ cải tạo theo mẫu chuẩn.
Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Phuống, xã Thanh Giang (Thanh Chương) được Dự án LIFSAP hỗ trợ cải tạo theo mẫu chuẩn.
Là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn của xã Diễn Trung - huyện Diễn Châu, với 2 trang trại chăn nuôi gà thịt luôn có khoảng 7.000 con/lứa và hơn 2.000 con gà đẻ, ông Phạm Văn Tư (xóm 1) khi nghe thông tin Dự án LIFSAP sẽ được triển khai tại địa phương đã “nhanh chân” đăng ký tham gia. Nhờ được dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi gà tiên tiến, nên từ đó đến nay, trại gà của ông Tư không bị dịch bệnh, thu nhập nhờ đó cũng ổn định hơn. Ông Phạm Văn Tư cho biết: “Khi tham gia dự án, ngoài việc được tập huấn về chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình chăn nuôi, mỗi hộ chăn nuôi còn được dự án hỗ trợ hơn 5 triệu đồng xây chuồng trại, 4 triệu đồng tiền vật tư, thuốc thú ý và 4 triệu đồng tiền xây hầm biogas xử lý phân thải.
Ngoài ra được nhận các đồ dùng thiết thực như găng tay, ủng, áo bảo hộ lao động, bình xịt thuốc khử trùng chuồng trại... Điều đáng mừng nhất là trước đây các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường bị ép giá đầu ra của sản phẩm, nay 20 hộ dân lập thành một nhóm có kế hoạch phân kỳ thời gian chăn nuôi theo từng lứa, đảm bảo số lượng cung cấp nhất định để làm hợp đồng trực tiếp cho đơn vị nhập hàng, nên bỏ qua được khâu trung gian, vì thế có lãi hơn và giá bán cũng ổn định hơn. Mặt khác, khi lập thành nhóm liên kết, chúng tôi đã mua được nguồn con giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng, vì chúng tôi có nguồn thông tin trao đổi với nhau theo định kỳ họp nhóm hàng tháng.
Nguồn thức ăn cũng mua được giá rẻ hơn so với ngoài thị trường, bởi nhập hàng với số lượng lớn”... Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2012, huyện Diễn Châu có 2 xã là xã Diễn Thọ và Diễn Trung được chọn thực hiện Dự án LIFSAP.  Bước đầu có 139 hộ chia thành 7 nhóm chăn nuôi lợn, gà được lựa chọn tham gia xây dựng mô hình nhóm áp dụng VietGAP gắn kết với thị trường tiêu thụ. Các nhóm được cung cấp những kiến thức cần thiết nhằm áp dụng thực tế quy trình chăn nuôi, trang bị các dụng cụ kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn về chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn, quản lý chất thải, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi… Riêng ở xã Diễn Trung, đã được Ngân hàng thế giới WB và Ban Quản lý Dự án LIFsap Trung ương đánh giá là vùng GAHP hoàn thiện nhất của Dự án.
Lò giết mổ gia súc Lực Lam - xã Nghi Đồng (Nghi Lộc)  được Dự án LIFSAP Nghệ An hỗ trợ nâng cấp, cải tạo.
Lò giết mổ gia súc Lực Lam - xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) được Dự án LIFSAP Nghệ An hỗ trợ nâng cấp, cải tạo.
Trước đây, “chợ thực phẩm tươi sống” là một cụm từ còn xa lạ đối với cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi Ban Quản lý Dự án LIFSAP Nghệ An nâng cấp cải tạo, xây mới nhiều khu bán thực phẩm tươi sống, thì đây là điểm đến an toàn khi người dân có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tươi sống. Đến với các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, điều khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ bởi nhiều khu bán thực phẩm tươi sống đã được xây dựng khang trang, hợp vệ sinh… Đầu năm 2012, khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Phuống, xã Thanh Giang (Thanh Chương) được Dự án LIFSAP xây mới theo mẫu chuẩn. Chợ có hệ thống đèn chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước hợp vệ sinh; bề mặt quầy bán thịt được ốp đá, lắp vòi rửa, dưới mặt quầy có tủ đựng...
Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, Dự án LIFSAP còn tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho Ban Quản lý chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo chị Nguyễn Thị Mây, người bán thịt lợn ở chợ Phuống: “Khi chợ chưa được nâng cấp, chúng tôi bày hàng trên bàn gỗ, do sử dụng lâu ngày nên quầy bán xuống cấp, xập xệ, đến mùa mưa dưới nền đất nhớp nháp vì nước không có chỗ thoát. Sau khi dự án đầu tư nâng cấp khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống hoàn thành, chúng tôi đã có vòi nước sạch được gắn ngay tại quầy bán thịt, có hệ thống thoát nước thải dưới sàn, lối đi lại được lát gạch rất thuận tiện cho việc vệ sinh sau khi bán hàng. Cũng nhờ có nơi bán khang trang, sạch sẽ, nên công việc buôn bán tốt hơn, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng thực phẩm”.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Dự án LIFSAP đã xây dựng được 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt GAHP (Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc), trong đó có 10 xã, 30 nhóm với 599 hộ tham gia. Trong đó, mỗi nhóm chọn ra một nhóm trưởng để điều hành hoạt động của nhóm và một hộ chăn nuôi hình mẫu. Hình thức chia nhóm này không chỉ tạo điều kiện để các thành viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, mà còn là tiền đề tạo ra chuỗi tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa nông dân và lò mổ, qua đó, hạn chế khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Riêng trong năm 2014, có 304 hộ trong vùng GAHP lựa chọn đánh giá, có 283 hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, trong đó có 47 hộ chăn nuôi gà và 236 hộ chăn nuôi lợn. Tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 215 lớp tập huấn và hội nghị cho nông dân trong các vùng GAHP, với 5.718 người tham gia. Hỗ trợ cung cấp trang, thiết bị phục vụ cho hoạt động GAHP tại tuyến xã, huyện; trang bị hàng hóa, thiết bị như máy tính, máy in, bàn, ghế, tủ tài liệu, tủ lạnh, máy phát điện, máy phun tiêu độc khử trùng, dụng cụ thú y..., cho UBND các xã GAHP, trạm khuyến nông, trạm thú y. Đã lắp đặt được 877 bể biogas và 90 hố ủ phân cho các hộ trong các vùng GAHP. Trong quá trình triển khai dự án, công tác nâng cấp, cải tạo, xây mới chợ buôn bán thực phẩm tươi sống cũng được quan tâm.
Tính đến cuối năm 2014, dự án đã thực hiện nâng cấp và bàn giao đưa vào sử dụng 31 chợ thực phẩm, với 1.334 quầy bán thực phẩm tươi sống, phục vụ cho khoảng gần 883.000 người trong các xã có chợ và ở các vùng phụ cận. Hiện đã bàn giao mặt bằng và đang tiến hành nâng cấp cải tạo, xây mới chợ Giăng, xã Thanh Liên (Thanh Chương), chợ Nam Nghĩa (Nam Đàn), chợ Sy, xã Diễn Kỷ, chợ Diễn Trung (Diễn Châu) và chợ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Đồng thời, hỗ trợ nâng cấp 4 lò mổ lớn, 8 lò mổ nhỏ; hỗ trợ nâng cấp chuồng trại cho 512 hộ chăn nuôi... 
Theo ông Nguyễn Hữu Điều - Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật chăn nuôi, Ban Quản lý Dự án LIFSAP Nghệ An: Hoạt động của Dự án được đánh giá là cơ bản đạt được mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại tới bàn ăn. Sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn gốc trong chuỗi giá trị sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ðồng thời, đưa công nghệ sinh học vào chăn nuôi, thân thiện với môi trường, tạo hướng đi bền vững. Đến nay, 100% số hộ tham gia dự án đã hiểu được nội dung, ý nghĩa chăn nuôi “sạch”, nhất là nhận thức và khả năng chăn nuôi an toàn sinh học. Tất cả các nhóm GAHP đều đã sinh hoạt có nề nếp, triển khai có kết quả các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình, một số nhóm đã hướng tới việc liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Về hiệu quả kinh tế, 100% số hộ đang duy trì, phát triển và có xu hướng tăng đàn. Năm 2015 kế hoạch dự án tiếp tục mở rộng thêm 1 huyện vùng GAHP, 3 xã điểm gồm 10 nhóm, với 200 hộ dân tham gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành các hoạt động hỗ trợ theo quy định của dự án và thiết lập liên kết thị trường đầu vào, đầu ra cho các hộ GAHP.
Nhằm tăng cường sự ủng hộ và phối kết hợp thực hiện của chính quyền, ban, ngành các cấp từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt các huyện vùng GAHP, xã điểm GAHP. Ban Quản lý dự án cũng lên kế hoạch “mềm hóa” 9 nội dung trong quy trình VietGAP nông hộ cho phù hợp thực tế với hộ dân, từng địa phương nhằm đảm bảo cho các hộ chăn nuôi vừa dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí đề ra. Nâng cao năng lực và ý thức cộng đồng của các nông hộ về vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, pano..., đặc biệt là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay. 
Với quy trình thực hiện theo chuỗi và khép kín, nếu các địa phương cùng phối hợp với Ban Quản lý Dự án LIFSAP triển khai nhân rộng mô hình, thì đây sẽ là “chìa khóa” để các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ tiếp cận những tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập; từng bước hình thành vùng chăn nuôi theo hướng VietGAP, cung cấp ra thị trường các loại thực phẩm sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi. Hy vọng trong thời gian tới, Dự án LIFSAP Nghệ An tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiệu quả, góp phần thiết thực cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Tin mới