Thành viên NATO thừa nhận dùng xe tăng trong bảo tàng để huấn luyện cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo hãng tin RT, Đan Mạch đã xác nhận thông tin nước này vừa chuyển một lô thiết giáp hạng nặng cho Kiev, dù một chuyên gia cảnh báo số này có thể “sớm trở thành phế liệu”.

64fb6b2885f54002ae2ab843.jpg
Ảnh minh họa: dpa

Đan Mạch đã thừa nhận có sử dụng các hiện vật trưng bày trong bảo tàng để huấn luyện cho quân Ukraine lái xe tăng Leopard 1 do Đức sản xuất. Cụ thể, một tuyên bố được phát hôm 8/9 nói rằng ít nhất 6 phương tiện thiết giáp hạng nặng đã được mượn từ vài bảo tàng để đáp ứng nhu cầu huấn luyện hồi đầu năm nay.

Được biết, Copenhagen đã đạt thoả thuận cùng với Hà Lan và Đức hồi tháng 2 về việc cùng mua khoảng 100 xe tăng Leopard 1A5 cho Kiev. Dự án này còn bao gồm việc huấn luyện cho các binh sỹ của Ukraine.

Theo RT, Đan Mạch vận hành xe tăng Leopard 1A5 cho tới năm 2005. Copenhagen đã bán khoảng 100 xe tăng loại này cho doanh nghiệp FFG của Đức vào năm 2010, và vài chiếc thiết giáp hạng nặng này đã được đưa vào bảo tàng. Theo tuyên bố trên, quân đội Đan Mạch sau đó quyết định mượn lại chúng để bắt đầu công việc huấn luyện ngay sau khi quyết định cung cấp các xe tăng này cho Ukraine.

Hôm 8/9, quân đội Đan Mạch xác nhận rằng họ đã cung cấp lô xe tăng Leopard 1 đầu tiên cho Kiev. Tuyên bố này cho biết 10 thiết bị hạng nặng đã có mặt ở Ukraine và nói thêm rằng "nhiều thiết bị khác đang được chuyển tới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết: “Cùng với Đức, Đan Mạch cung cấp gần 100 xe tăng cho Ukraine”. Theo quân đội Đan Mạch, các chiếc xe tăng này cần tân trang vì chúng “không hoạt động trong vài năm qua”.

Thông báo trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi 1 chuyên gia quân sự nổi tiếng của Đức bày tỏ hoài nghi về vai trò của loại xe tăng này trên chiến trường. Cụ thể, Đại tá về hưu Ralph Thiele, từng phục vụ trong Ban Kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Văn phòng Tư nhân của Bộ Tư lệnh Tối cao NATO, nói với đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ rằng những phương tiện thiết giáp hạng nặng trên có thể “hữu ích” nhưng gần như không thể “thay đổi cuộc chơi”.

Ông Thiele, hiện là chủ tịch Hiệp hội Quân sự Chính trị Đức nhận xét: “Xe tăng Leopard cũ có một số điểm yếu, đặc biệt là khả năng bảo vệ bên hông”, nói thêm rằng chúng “dễ bị bắn trúng… ở bên hông và khả năng hoả lực của chúng thấp hơn so với các mẫu đời sau đó”.

Vị đại tá đã nghỉ hưu cũng khẳng định rằng xe tăng này sẽ trở nên “dễ bị tổn thương” ngay khi kẻ thù học được cách chiến đấu với chúng. Khi được hỏi liệu có thể nói rằng phương Tây đang cung cấp “phế liệu” cho Ukraine hay không, Thiele trả lời, “nếu ai đó muốn đề cập một cách chế giễu thì có”. Chuyên gia quân sự này cũng lưu ý “nếu sử dụng không đúng cách, ngay cả những hệ thống mới cũng có thể nhanh chóng trở thành phế liệu”.

Tin mới