Thấp thỏm chờ thưởng Tết

(Baonghean) - Gần đến Tết nguyên đán nhưng nhìn chung, ở Nghệ An, chuyện lương, thưởng Tết vẫn là đề tài “đa sắc màu”. Thông tin ở nhiều lĩnh vực cho thấy, khối kinh doanh, ngân hàng vẫn thưởng tết cao, trong khi khối sản xuất như dệt may, công nghiệp nhẹ mức thưởng thấp. Còn người lao động đang thấp thỏm mong chờ…

Người lao động thấp thỏm
Từ nửa tháng nay, anh Nguyễn Hòa Khánh, kỹ sư một công ty chuyên về công trình giao thông ở Thành phố Vinh ở nhà “ngồi chơi, xơi nước”. Sau khi hoàn thành dự án ở miền Nam, Khánh cùng các đồng nghiệp được công ty thông báo nghỉ, chờ đợi công trình khác. Thời điểm tạm nghỉ việc diễn ra khi Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng nữa khiến Khánh và các đồng nghiệp rất băn khoăn khi giám đốc công ty dự báo năm nay đơn vị gặp nhiều khó khăn, chắc là không có thưởng Tết. “Đi làm cả năm, ai cũng háo hức chờ đợi thưởng Tết để về lo tết cho vợ con nhưng nghe lãnh đạo công ty kêu khó khăn khiến anh em nản. Những ngày chờ việc ở nhà, chỉ nhận được vài triệu đồng/tháng. Nếu không có thưởng Tết thì công ty cũng cần phải tạo điều kiện về công việc để anh em có thêm thu nhập chứ như thế này thì cũng quá”, anh Khánh tâm sự.
Còn chị Nguyễn Thị Đặng, công nhân một công ty chuyên sản xuất các mặt hàng đồ chơi ở Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa nghe thông tin gì về lương, thưởng Tết. Thậm chí, trước Tết dương lịch, công ty còn phải cắt giảm nhân công vì ít đơn hàng. “Tết dương lịch cũng không được thưởng, nếu Tết Nguyên đán mà không có thưởng hoặc thưởng quá ít thì chúng tôi rất buồn và chắc phải tính đến chuyện chuyển công ty”, chị Đặng tâm sự và cho biết, cách đây 2 năm, khi đang làm công nhân dệt may, chị đã phải nhận thưởng Tết bằng mấy lô khăn của công ty sản xuất.
Công nhân lao động tại cụm dệt may Nam Đàn - Hanosimex.
Công nhân lao động tại cụm dệt may Nam Đàn - Hanosimex.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều công ty đang gặp khó khăn, phải nợ lương nhân viên, cho nhân viên nghỉ việc hoặc giảm giờ làm của nhân viên để giảm chi phí tiền lương. Đơn cử, Tổng công ty xây dựng dầu khí Nghệ An, nhân viên khối văn phòng vẫn đang bị nợ lương tháng 10, 11, 12/2013, lương 6 tháng đầu năm 2014 và tháng 11, 12/2014. Hiện nay, các nhân viên được nhận lương từ tháng 6 đến tháng 10/2014. Dịp Tết dương lịch vừa qua, công ty không có thưởng mà chỉ trả nợ được cho nhân viên 1 tháng lương.  Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cho biết, công ty đang khó khăn nên theo dự kiến, dịp Tết âm lịch, công ty sẽ cố gắng trả nợ cho công nhân 2 tháng lương. Trong lộ trình, đến khoảng tháng 12/2015, tổng công ty sẽ trả hết tiền lương cho anh em.
Trong khi các công nhân dệt may cũng như khối sản xuất khác đang mơ hồ về thưởng Tết, thì nhân viên các lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh lại đang khá háo hức với chuyện thưởng Tết. Anh Nguyễn Văn Đức, nhân viên chi nhánh một ngân hàng đóng ở khu vực chợ Vinh cho biết, dịp Tết dương lịch, ngân hàng chỉ thưởng mỗi người 500 ngàn đồng, theo thông tin trên mạng thông tin nội bộ, năm nay, nguồn thưởng Tết tăng gấp đôi năm 2014. “Năm ngoái, nhân viên được thưởng trung bình 20 triệu đồng, năm nay, anh em đang háo hức khi thấy quỹ thưởng tăng gấp đôi, ai cũng mừng và chờ đợi. Thực ra, tiền thưởng Tết cũng là một hình thức phúc lợi, nhân viên cố gắng làm việc cả năm để tăng doanh số thì chi nhánh cũng cần đãi ngộ xứng đáng với công sức của nhân viên”, anh Đức chia sẻ.
Chấm dứt thưởng Tết bằng hiện vật
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã có công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thuộc 3 khối Nhà nước, FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh báo cáo tình hình tiền lương năm 2014, dự kiến thưởng Tết dương lịch và Tết âm lịch 2015. Ngày 31/12/2014 là hạn các doanh nghiệp trên địa bàn phải báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, đến trưa 31/12/2014, mới chỉ có gần 20 doanh nghiệp có bản báo cáo tình hình lương, thưởng Tết về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến ngày 6/1/2015, ngày làm việc chính thức thứ hai của năm 2015, có thêm gần 20 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết. 
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, khối doanh nghiệp FDI dẫn đầu về mức chi trả tiền lương và thưởng Tết. Tiếp đến là khối doanh nghiệp Nhà nước. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có mức thưởng Tết thấp nhất. Một số doanh nghiệp tiết kiệm chi thường xuyên hoặc sử dụng kinh phí công đoàn để chi thưởng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang gặp khó khăn, một số còn lâm vào tình cảnh nợ lương.
Đến thời điểm này, theo số liệu báo cáo của các đơn vị thì Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đang dẫn đầu mức thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng Tết âm lịch ở công ty cao nhất lên đến 75 triệu đồng, mức thưởng bình quân của công ty này là 5,9 triệu đồng, thấp nhất 3,3 triệu đồng. Mức thưởng này tương ứng với 1 tháng lương. Năm 2014, người nhận tiền thưởng Tết cao nhất ở công ty này là 69 triệu đồng. Người lao động ở công ty được hưởng mức lương khá cao so với các doanh nghiệp khác, bình quân năm 2014 đạt 9,5 triệu đồng, tăng 800 ngàn đồng so với năm 2013. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng có mức thưởng khá.
Công ty thuộc khối FDI có mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 thấp nhất là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất bật lửa, trung bình người lao động được thưởng 800 ngàn đồng, mức cao nhất 2,5 triệu đồng và thấp nhất là 250 ngàn đồng.
Trong khối doanh nghiệp Nhà nước, hiện nay, Công ty TNHH 1 thành viên cấp nước Cửa Lò đang dẫn đầu. Mức thưởng cao nhất của công ty là 22 triệu đồng, thấp nhất 2,5 triệu đồng và bình quân 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cho biết, hiện đơn vị có 54 cán bộ, công nhân viên, mức thưởng Tết như trên đang là dự kiến, tương đương với mỗi người 1 tháng lương. Ông Luận khẳng định, nếu nguồn ngân sách của công ty không đủ chi mức thưởng như trên thì sẽ sử dụng quỹ công đoàn để bổ sung nhằm động viên cán bộ, công nhân viên sau 1 năm làm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp cũng đã công bố mức thưởng Tết. Có thể kể đến như: Công ty TNHH 1 thành viên Thủy lợi Anh Sơn có mức thưởng Tết cao nhất là 8,5 triệu đồng, bình quân 4 triệu đồng, thấp nhất 2,8 triệu đồng; Công ty TNHH 1 thành viên Thủy lợi Thanh Chương có mức thưởng Tết bình quân 7 triệu đồng, cao nhất 17 triệu đồng, thấp nhất 2,8 triệu đồng; Công ty TNHH 1 thành viên lâm, nông nghiệp Sông Hiếu có mức thưởng Tết dương lịch bình quân 250 ngàn đồng, Tết âm lịch 600 ngàn đồng…
Nhiều năm trước, khi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may có hình thức thưởng Tết bằng hiện vật như quần áo, khăn, chăn gối… Tuy nhiên, năm nay, việc thưởng Tết bằng hiện vật đã chấm dứt. Hiện nay, có một số doanh nghiệp dệt may công bố mức thưởng Tết như Havina Kim Liên (trung bình người lao động được thưởng 3 triệu đồng, người ít nhất 1 triệu đồng), Công ty Global sourcing international Vina (mỗi công nhân được thưởng 1 tháng lương cơ bản. Mức lương trung bình mà người lao động ở công ty này được nhận là 3,7 triệu đồng). Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may thường đặt ra mức thưởng trung bình cho người lao động 1 tháng lương.
Nói về chuyện lương, thưởng Tết năm nay, ông Lê Văn Thúy, Trưởng Phòng Việc làm - Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, so với các trung tâm kinh tế lớn trong nước thì mức thưởng của các doanh nghiệp ở Nghệ An thấp hơn. Tuy nhiên, tính ổn định khá cao. Bên cạnh các doanh nghiệp quá khó khăn đang nợ lương thì các doanh nghiệp được khảo sát đều có kế hoạch thưởng Tết cho công nhân. Đặc biệt, không có tình trạng thưởng Tết bằng hiện vật. Trong bối cảnh giá xăng dầu xuống thấp, một số mặt hàng cũng không tăng như mọi năm thì mức thưởng Tết mà người lao động được nhận là vừa phải, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.
Nguyên Khoa

Tin mới