'Bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật'

“Bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau", Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định.

Chiều ngày 20/5, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị người dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu cơ quan quyền lực cao nhất vì đây là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với đất nước.

“Bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Các cơ quan báo chí cố gắng tuyên truyền để người dân đi bầu cử cho đúng, đây là quyền công dân nên báo chí cố gắng tuyên truyền để dân đi bầu cử, không nên đi bầu hộ, bầu thay”.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo chí.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo chí.

Đề cập đến tình hình tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm, Tổng thư ký QH cho biết, đối với khu vực bỏ phiếu ở các xã ven biển, hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, những nơi có người dân, cán bộ, nhân viên các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển trong ngày bầu cử, các địa phương đã rà soát và đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia cho phép thực hiện bầu cử trước ngày 22/5.

Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm.

“Tính đến ngày 20/5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu sớm thuộc các tỉnh: Bà Rịa- Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Không khí bầu cử tại các địa phương bầu cử sớm đều phấn khởi, vui vẻ, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, công tác tổ chức bầu cử được thực hiện tốt”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thực hiện lời hứa của ứng viên trước cử tri khi đi vận động bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trong một năm các đại biểu có 4 lần tiếp xúc cử tri (trước và sau kỳ họp) để báo cáo những việc đã làm và hoạt động trên nghị trường. Bên cạnh đó, cử tri có thể theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp để có thể giám sát đại biểu.

Theo ông Phúc, thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong đó nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử; có nhiều đơn, thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lặp, một số lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây.

Hầu hết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố.

“Bước vào giai đoạn này, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được hết sức chú trọng. Càng gần đền ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các phương án, tăng cường bảo đảm công tác an ninh, trật tự, an toàn cho ngày bầu cử. Đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử đã sẵn sàng”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Theo Infonet

Tin mới