Thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Bỏ tử hình ở 7 tội danh

Sáng ngày 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với 435 đại biểu tham gia, 415 đại biểu biểu quyết đồng ý thông qua (chiếm 84,01%).
Theo Bộ luật Hình sự vừa được thông qua, 7 tội danh được bỏ hình phạt tử hình gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trước khi biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). 
Theo Báo cáo, qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, đa số ĐBQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh như Dự thảo Bộ luật Hình sự.
Người bị kết án tử hình (ảnh minh họa bài viết)
Người bị kết án tử hình (ảnh minh họa bài viết)
“Trong số các tội danh, một số vị ĐBQH không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở Tội cướp tài sản và Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”- ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Về vấn đề này, UBTVQH giải trình như sau, đối với Tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về Tội cướp tài sản và Tội giết người (đã có hình phạt tử hình); 
Đối với Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nếu không có mục đích chống Chính quyền Nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Trường hợp phạm tội có mục đích chống Chính quyền Nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại cơ sở vật chất -  kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu  trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố (Điều 299), các tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, UBTVQH đề nghị không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở Điều 168 và Điều 303.
Theo Infonet

Tin mới