Tiếng rao kem…

(Baonghean) - Thuở nhỏ, cứ mỗi trưa khi đang thiu thiu ngủ mà nghe thấy tiếng kèn ống nhựa của bác bán kem dạo vang lên từng hồi “bim bíp... bim bíp... bim” là lòng tôi lại háo hức và xốn xang đến lạ. tôi lén lút mò dậy, với tay lấy đôi dép nhựa hỏng hay chiếc túi nilon đựng mấy lon bia của bố, thoăn thoắt đôi chân chạy ra đầu ngõ đổi kem...

Nhà tôi nằm gần cuối ngõ, cách xa gốc đa già chỗ bác bán kem hay đứng đợi lũ trẻ trong xóm, nên hôm nào tôi hớt hải chạy đến nơi thì đã thấy những đứa khác ríu rít vây quanh chiếc xe đạp cà tàng của bác như bầy gà nhép đang tranh nhau một chú châu chấu nhỏ. Bác bán kem dạo là một người đàn ông trạc tuổi bố tôi, da ngăm đen, đầu đội chiếc nón mê có nhiều mảnh vá. Chúng tôi không biết tên bác. Nhưng vì thấy râu quai nón của bác mọc dày và đen nhánh, nên cả đám cứ đồng loạt gọi bác bằng cái tên thân mật là bác Râu, lâu dần thành quen. “Bác Râu ơi, đổi cho cháu một kem đậu xanh”. “Cháu một kem sữa nhé bác!”. “Sắp đến lượt kem dứa của cháu chưa ạ?”. Chúng tôi nháo nhác tranh nhau nói làm bác Râu luôn tay phân phát cho từng đứa mà vẫn không kịp. Bác cười khẽ: “Các cháu yên tâm. Kem vẫn còn nhiều lắm!” Thường thì chỉ cần một đôi dép cũ, vài lon bia, dăm ba cái chai nhựa hay một túi nhỏ lông vịt khô là có thể đổi lấy mấy que kem hấp dẫn, nhiều màu sắc: kem đậu xanh, kem sữa trắng, kem dứa vàng, loại kem nào cũng thơm mát và ngọt mềm khó cưỡng nổi.
	Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại
Chúng tôi ngồi dưới tán đa râm mát, vừa ăn kem, vừa trông theo bóng bác Râu từ từ khuất sau cánh đồng bí leo phía trước và tiếng kèn “bim... bíp... bim... bíp...”, càng lúc càng nhỏ dần. Thỉnh thoảng, đứa này xin cắn vèn của đứa kia một miếng để nếm thử vị kem khác loại. Ngay lập tức, đứa kia đòi cắn bù một miếng cho công bằng. Đối với chúng tôi, kem mút là thức quà ngon và quý giá nhất. Vì thế, chiếc kem bằng chừng ba ngón tay chụm lại, chẳng đứa nào dám ăn miếng to, chỉ chậm rãi mút từng chút ít cho đến khi chiếc kem trơ lại một que tre nhỏ xíu.
Một buổi trưa, khi nghe thấy tiếng kèn rộn rã của bác Râu hòa lẫn tiếng gọi nhau ầm ĩ của lũ bạn trong xóm vang lên giữa buổi trưa oi ả, như một thói quen, tôi choàng dậy, lục lọi khắp nhà xem có cái gì đổi kem được không, nhưng chẳng tìm thấy một thứ gì hết. Chợt nhớ đến chiếc bi đông xanh tróc sơn treo bên vách nhà lâu ngày đã  không dùng đến, tôi đánh bạo bắc ghế nhựa trèo lên lấy nó xuống. Dưới đáy bi đông có khắc in chữ “Trầm”  - là tên bố tôi, rồi đến một dấu gạch ngang nối với tên ai đó bắt đầu bằng chữ “K”, phần chữ còn lại đã bị bung ra bởi lớp sơn bong tróc. Chẳng cần bận tâm về điều đó, tôi nhanh nhảu chạy ra đuổi theo lũ bạn chạy ra cây đa đầu ngõ đổi kem. Nhờ chiếc bi đông hoen gỉ ấy mà hôm đó tôi đổi được hai que kem đậu xanh mát lành. 
Tối hôm ấy, tôi bị một trận đòn đau. Bởi chiếc bi đông ấy là kỷ vật của một người đồng đội thân thiết tặng bố trong ngày đất nước giải phóng. Cả đêm ấy, bố ngồi thao thức bên ngọn đèn dầu, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài. Chỉ vì hai chiếc kem mút mà tôi đã gây ra tội lớn, đêm đã khuya, tôi thấp thỏm không sao chợp mắt nổi. Tự nhủ lòng, trưa mai, đúng giờ bác Râu vẫn thường hay đến ngõ, tôi sẽ chạy ra xin lại bác chiếc bi đông của bố.
Trưa hôm sau, tôi bị phạt nằm im trên giường, không được thỏa thích chạy nhảy như những trưa trước. Khi tôi đang hồi hộp ngó ra ô cửa sổ ngóng đợi bác Râu thì chợt giật mình khi thấy bác dựng xe ngoài cổng, cạnh rào hoa giấy. Bác bước vào với chiếc bi đông tróc sơn trên tay. Nghe tiếng chó sủa, bố mở cửa ra. Rồi tôi thấy bố đứng sững lại. Bác Râu cũng đứng lặng như chôn chân hồi lâu trên nền sân gạch. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra  thì tôi thấy bố vội vàng chạy ra mời bác Râu vào nhà và giọng đầy xúc động: “Có phải Kiên đấy không?”.
Thì ra người bạn thân đã tặng bố tôi chiếc bi đông ấy chính là bác Râu. Tên thật của bác ấy là Kiên. Sau ngày giải phóng, bố tôi về Bắc, còn bác ấy ở lại miền Nam lập nghiệp. Rồi sau nhiều lần chuyển nhà do lũ lụt, hai người mất liên lạc với nhau. Bác Kiên nhiễm chất độc màu da cam, hai đứa con lần lượt sinh ra đều mang dị tật rồi chết. Vì lẽ đó mà vợ bác bỏ bác để theo một ông lái buôn giàu có về miền Tây sông nước. Bác một thân một mình lưu lạc về chốn này làm nghề bán kem cốt để mua vui và quên đi mọi đắng cay, uẩn ức... 
Thì ra, từng que kem mút tôi ăn mỗi trưa hè không chỉ có hương thơm và vị ngọt...
Phan Đức Lộc

Tin mới