Tiếp tục dự báo mưa lớn kèm lốc, sét, Nghệ An lên kế hoạch chủ động ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dự báo từ ngày 9-12/10, tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có thể xuất hiện đợt mưa lớn, lượng mưa có nơi lên đến trên 350mm; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Chiều 7/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã có Công văn số 213/CV-PCTT, chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, rét và gió mạnh trên biển.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 9-12/10/2022, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Ngãi có thể xuất hiện đợt mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài ra, từ ngày 9/10, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9.

Lũ quét tàn phá huyện Kỳ Sơn vào đêm mùng 1, rạng sáng 2/10 vừa qua. Ảnh: Tiến Đông

Lũ quét tàn phá huyện Kỳ Sơn vào đêm mùng 1, rạng sáng 2/10 vừa qua. Ảnh: Tiến Đông

Để chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, rét và gió mạnh trên biển, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, rét và gió giật mạnh có thể xảy ra.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 25/CĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới; tập trung vào hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường; cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp đối với các tuyến đường giao thông bị ách tắc.

Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các phương tiện đang hoạt động trên sông, các hộ dân sống ven sông, suối; đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.

Lũ lụt gây ngập úng kéo dài tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Lũ lụt gây ngập úng kéo dài tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Cùng với đó, tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân về kỹ năng phòng, chống thiên tai (trong đó lưu ý phòng, chống rét) trên các phương tiện để mọi người dân, nhất là ở vùng núi chủ động phòng, chống.

Riêng với các huyện, thị xã ven biển: Phải theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tin mới