Tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 17/8, tại Trường THPT Quế Phong, Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Khoa học và Công nghệ - Trung tâm GDTX số 2 tổ chức Hội thảo khoa học nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục phổ thông vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng, đề xuất nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Các tham luận tại hội thảo nhằm tập trung vào phân tích toàn diện công tác giáo dục và quản lý giáo dục ở 4 huyện miền núi đặc biệt khó khăn ở Nghệ An, đó là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Qua đó, nhằm thực hiện vào hai mục đích, đó là đánh giá chất lượng công tác quản lý giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây; xác định những khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

bna_Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian tới với các nội dung: Công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh; về hỗ trợ học sinh trong giai đoạn chuyển tiếp từ lớp 5 (tiểu học) lên lớp 6 (THCS), lớp 9 (THCS) lên lớp 10 (THPT); phát triển năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường phổ thông.

Hội thảo cũng tập trung vào vấn đề đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên, nhân viên; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường THPT vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

bna_Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại hội thảo. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Nghệ An là tỉnh có đến 10 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện miền núi cao, có 4 huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, cùng với cả nước Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, trong đó ưu tiên phát triển giáo dục miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Về phía ngành Giáo dục cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quan tâm thúc đẩy giáo dục miền núi nói chung và giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nói riêng, phát triển nền giáo dục vùng này đã có những khởi sắc. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau nên kết quả giáo dục của các huyện vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Trong đó trở ngại lớn nhất là cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn quá nhiều các điểm trường lẻ, tỷ lệ giáo viên bậc tiểu học chỉ mới đạt khoảng 1,4 giáo viên/lớp, chưa đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các bậc học còn lại, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, chất lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, học sinh ít được học các chương trình tăng cường... Điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục và thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh.

day tieng dan toc - 3.jpg
Giáo viên và học sinh Trường PT DTBT tiểu học Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những tham luận được phát biểu tại hội thảo. Qua đó, thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo với mong muốn nâng cao chất lượng công tác quản lý vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Về các kiến nghị, giải pháp mà các đại biểu đã đưa ra, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để thời gian tới có những điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành nhằm sát với thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đây cũng là cơ sở, là căn cứ để tham mưu xây dựng chính sách, thực hiện các chiến lược về phát triển giáo dục miền núi nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền...

Sau hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng mong các địa phương, các nhà trường cần nghiên cứu kỹ các vấn đề và chỉ đạo các nhà trường có ý kiến, đề xuất để hoàn thiện đề tài. Kết quả của đề tài có thể chuyển đến các đơn vị để áp dụng vào thực tế ./.

Tin mới