Tìm hiểu Khoa Điện, Điện tử và CNTT (ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh)

(Baonghean) - Nhiều thí sinh muốn tìm hiểu kỹ hơn về quá trình đào tạo tại Khoa Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. 

Giờ thực hành của sinh viên khoa điện tử. Ảnh: M.H
Giờ thực hành của sinh viên khoa điện tử. Ảnh: M.H

Trả lời: 

Năm 1990, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung, đặc biệt trong lĩnh vực giáo viên dạy nghề điện, Ban điện (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh) được thành lập và đến năm 2006 phát triển thành Khoa điện trên cơ sở tách ra từ Khoa điện – điện tử. Với nhiệm vụ chính là đào tạo kỹ sư, giáo viên sư phạm kỹ thuật, kỹ thuật viên trình độ cao đẳng ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Khoa điện là một trong những khoa có số lượng sinh viên đông nhất hiện nay với gần 2.000 sinh viên.
Ngoài ra, Khoa điện được giao thêm nhiệm vụ đào tạo công nhân nghề sửa chữa điện công nghiệp và dân dụng trình độ cao đẳng và trung cấp nghề. Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những nhiệm vụ được ban lãnh đạo nhà trường và khoa chú trọng trong nhiều năm qua đó là nâng cao chất lượng giáo viên. Đây cũng là cơ sở để từ năm 2012, Khoa điện bắt đầu tuyển sinh đào tạo Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Đây là một trong những ngành có nhu cầu sử dụng lao động đông, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và kinh tế quốc dân. 
Được tách ra từ Khoa điện, Khoa điện tử  được xem là khoa có nhiều triển vọng với rất nhiều ngành nghề mới được đào tạo, đặc biệt là chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông.  Hiện với ngành này, khoa đào tạo ở cả ba bậc, đó là đại học, cao đẳng và cao đẳng nghề kỹ thuật... Xác định đây cũng là những ngành nghề có sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, nên nhà trường rất quan tâm đến việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ giảng dạy.
Ngoài ra, nghề điện tử công nghiệp và nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí cũng là những ngành nghề đang cần nhiều lao động, hoặc sinh viên có thể làm độc lập sau khi ra trường. Thống kê của khoa cũng cho thấy, khoảng 70% kỹ sư tốt nghiệp tại khoa có việc làm phù hợp với chuyên ngành sau khi ra trường. Nhiều sinh viên sau khi tuyển chọn được các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá cao và đang giữ nhiều vai trò quan trọng trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt là các công ty nhà máy xí nghiệp với mức lương bình quân từ 4 – 8 triệu đồng/tháng.
Khởi đầu với 47 sinh viên đào tạo hệ cao đẳng từ năm 1997, đến nay, Khoa Công nghệ thông tin là một khoa có nhiều sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Riêng về đầu tư, năm năm trở lại đây nhà trường đã chi gần 10 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học và trang bị cho các phòng máy thực hành  đáp ứng đủ tiêu chuẩn đào tạo quốc gia của Asean. Hiện tại khoa phối hợp với nhiều doanh nghiệp để vừa đào tạo nhân lực vừa tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và tìm cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. 
Phòng Văn xã (tổng hợp)

Tin mới