Tìm về nguồn gốc nghề hương trầm Quỳ Châu

(Baonghean) - Tháng giêng, mưa phùn lất phất bay, làn hương trầm thơm ngọt dẫn lối chúng tôi tìm về huyện Quỳ Châu để biết thêm về nghề hương trầm đã từ lâu vang tiếng…
 
Từ nguồn gốc

Khối 2 thị trấn Tân Lạc (Huyện Quỳ Châu) được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề hương trầm truyền thống từ tháng 3-2010, đến nay đã có 36 hộ chuyên làm nghề cuốn hương. Gặp ông Võ Minh Châu, con trai cụ Võ Lê Hải (người đầu tiên tìm đưa cây rễ hương làm hương trầm ở Quỳ Châu), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về sự tồn tại và phát triển của trầm hương xứ Phủ Quỳ.
 
Cụ Võ Lê Hải sinh năm 1898  trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu). Sinh thời, cụ phải gánh muối lên bán tận vùng miền Tây xứ Nghệ mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Thấy vùng rừng núi Quỳ Châu rộng lớn, dân cư thưa thớt, cụ quyết định ở lại đây lập nghiệp và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Minh.
 
Hàng ngày, hai ông bà vào rừng làm nương rẫy, trỉa bắp trồng ngô. Một buổi sáng, sau khi phát xong đám rẫy, cụ đốt đống cỏ dại thì bỗng thấy có mùi hương thơm lạ, dịu ngọt, nhẹ nhành bay lên. Tìm hiểu thì thấy mùi hương tỏa ra từ rễ một loại cây thân mềm, có rễ chùm, cụ gọi đó là cây rễ hương. Nghĩ thầm, rễ cây này nếu đem giã nhỏ, phơi khô rồi cuốn thành cây hương thắp sẽ rất thơm nên cụ mang rễ cây về và ngày đêm tìm cách pha chế. Cụ thêm các nguyên liệu phụ khác như quế, bột bã mía phơi khô rồi dùng giấy viết chữ nho và thân cây phơi khô để cuốn thì mùi thơm ngọt càng đậm đà hơn. Từ đó, cụ chuyên tâm vào việc cuốn hương để dùng và bán cho bà con trong xóm. Nhiều cán bộ ở miền xuôi nghe tiếng cũng tìm lên, phải xếp hàng mà nhiều hôm còn không mua được.
 
Năm 1937, khi vua Bảo Đại du ngoạn thắng cảnh Thẳm Bua, thấy có mùi hương trầm thơm dịu ngọt, quyến rũ nên đã đưa về Cố đô Huế để dùng. Hương trầm Quỳ Châu từ đây bắt đầu con đường phát triển và khẳng định thương hiệu.
 
Đến làng nghề

Năm 1985, cụ Võ Lê Hải qua đời, gia đình cụ cũng làm hương trầm ít đi. Đây cũng là khoảng thời gian hương trầm Quỳ Châu bị làm nhái, ảnh hưởng lớn đến uy tín. Nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống này khiến nghề hương trầm ở đây mai một.

 Làm hương trầm. Ảnh: Dân trí

Khoảng năm 2000, khi nhu cầu sử dụng hương trầm của người dân ngày càng nhiều, thì nghề làm hương ở Quỳ Châu mới bắt đầu được khôi phục lại. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư lớn để mua máy chẻ chu, chẻ nan, đập bột… để các công đoạn cuốn hương nhanh hơn rất nhiều. Năm 2007, làng nghề hương trầm được UBND huyện Quỳ Châu công nhận là làng có nghề. Từ đây, phong trào làm hương trầm bắt đầu phát triển rầm rộ và ngày càng có nhiều gia đình xem hương trầm là một nghề chính để phát triển kinh tế.
 
Năm 2010, sau khi được công nhận làng nghề, làng nghề hương trầm khối 2 – thị trấn Tân Lạc đã sản xuất được 677.450 búp hương, mỗi búp hương bán ra với giá 4.000 đồng, tổng thu nhập của làng trầm hương đạt gần 3 tỷ đồng. Nhiều gia đình như gia đình anh Đậu Công Hà thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Việc sản xuất hương trầm thực sự “vào mùa” từ tháng 9 âm lịch, nhưng phải chuẩn bị nguyên liệu suốt cả năm. Từ việc chẻ chu, ngâm chu, mua rễ hương, đến xay bột và các phụ gia khác như bã mía, quế… Có khi nguyên liệu phải mua tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Muốn hương trầm có mùi thơm ngọt của đường thì bột mía phải được giã cả cây.
 
Ông Võ Minh Châu chia sẻ: “Đến tháng 9, giá mỗi nhân công cuốn hương trung bình là 4 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không thuê được người. Không khí cuốn hương trầm nhộn nhịp khắp làng, các thành viên trong mọi gia đình đều phải tranh thủ thời gian để cuốn hương…”.
 
Hương trầm Quỳ Châu giờ đây đã thực sự có thương hiệu và đững vững trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập khá và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Nhiều thanh niên đã tìm đến nghề hương trầm để lập nghiệp, việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, vì thế không mấy khó khăn. Tuy nhiên, điều khiến những người làm hương trầm ở Quỳ Châu trăn trở là nguồn nguyên liệu. Cây rễ hương ở đây chưa được chú trọng trồng nên phải mua từ miền xuôi với giá cao mà chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến mùi thơm dịu ngọt đặc trưng của hương trầm Phủ Quỳ. Bên cạnh đó, hương trầm Quỳ Châu rất cần có lô gô thương hiệu riêng để chống hàng giả trên thị trường, đảm bảo cho hương trầm Quỳ Châu phát triển bền vững. Tuy thế, đến nay vẫn chưa có cơ quan hay tổ chức, cá nhân nào đứng ra xây dựng được.

Biện Luân

Tin mới