Triển khai nhiều biện pháp chống tảo hôn ở huyện vùng cao Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nằm trong các giải pháp kéo giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang có chiều hướng gia tăng trở lại tại huyện Kỳ Sơn, nhiều biện pháp đã được huyện này triển khai thực hiện.

Chiều hướng gia tăng của tảo hôn

Như thường lệ, dịp đầu năm mới, cả hệ thống chính trị ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn lại rốt ráo chuẩn bị cho nhiều biện pháp chống lại vấn nạn tảo hôn. Đặc biệt là trong bối cảnh, số người tảo hôn trong năm 2023 ở Kỳ Sơn đã có chiều hướng gia tăng, với 229 trường hợp, tăng gần gấp đôi những năm trước đó. Hầu hết những trường hợp tảo hôn đều xảy ra vào dịp đầu năm, khi các đôi nam nữ nghỉ học về nhà ăn Tết, rồi gặp gỡ, quen nhau…

Để giảm thiểu vấn nạn này, ngay trong những ngày trước Tết, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các trường học bậc Trung học cơ sở trên địa bàn. 18 trường học bậc Trung học cơ sở được chia làm 5 cụm để tổ chức thi theo hình thức sân khấu hóa và các đội trải qua 3 phần thi, gồm: Phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, thi trắc nghiệm kiến thức tảo hôn, phần thi xử lý tình huống.

Những nội dung thi đều xoay quanh các vấn đề như: Tìm hiểu tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các giải pháp phòng, chống; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng Dân tộc thiểu số; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em…

bna-at3-674.jpg
Một buổi tuyên truyền về chống tảo hôn ở Kỳ Sơn. Ảnh: H.T

Hình thức tổ chức hội thi lần này chính là điểm mới của công tác tuyên truyền nhằm hướng đến đối tượng chính trong vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn huyện. Những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được chuyển tải, tuyên truyền đến các em thông qua cuộc thi vừa mang tính giải trí, vui chơi, vừa mang tính tìm hiểu để thi đua. Từ đó, việc tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng tiếp thu hơn. Nhìn chung, học sinh các trường tham gia hội thi đều thể hiện sự hứng khởi, thích thú với những hoạt cảnh vui nhộn. Đó chính là điều kiện để các em giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến bạn bè, gia đình và xã hội.

Sau hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong tuyên truyền, chủ động tổ chức sinh hoạt dưới cờ và tổ chức ký cam kết giữa học sinh với nhà trường về nội dung không vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trong biên bản cam kết giữa học sinh và nhà trường, đều nói rất rõ đến độ tuổi kết hôn của nam và nữ, những quy định cấm và mức xử phạt đối với trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những hệ lụy khi tảo hôn và nhất là hôn nhân cận huyết thống… Đặc biệt, đã hướng học sinh đến các tình huống giả định như bị ép tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì bản thân các em cần làm gì và như thế nào?

bna-at1-2552.jpg
Một hội thi với nội dung phòng chống tảo hôn tại trường học. Ảnh: H.T

Tăng cường tuyên truyền, xử lý

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, nếu xét về điều kiện kinh tế thì các dân tộc ở Kỳ Sơn không quá chênh lệch, mặt bằng về dân trí, giáo dục tương đối đồng đều nhau. Tuy nhiên, vi phạm về tảo hôn lại tập trung nhiều ở dân tộc Mông cho thấy nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố tập tục, tập quán lạc hậu và quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình.

“Hiện nay, nhiều trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn (đang là học sinh) yêu nhau, do nhận thức chưa đầy đủ về hôn nhân gia đình nhưng đã muốn lấy nhau. Nhiều trường hợp, khi về nhà bạn trai, có khi cố tình để “bước qua cửa chính” buộc bố mẹ làm vía, nếu bố mẹ không đồng ý để tổ chức cưới thì đe dọa ăn lá ngón tự tử, vì vậy, các bậc làm cha mẹ hiện nay thường phải thuận theo ý con để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra”, ông Tuấn nói.

Những tập tục lạc hậu và quan niệm cổ hủ về tình yêu, hôn nhân và gia đình trên tồn tại từ lâu đời và ăn sâu vào ý thức của đồng bào dân tộc Mông, càng thể hiện đậm nét ở những gia đình quanh năm chỉ làm nương rẫy ở nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài, có đời sống kinh tế còn khó khăn. Nghèo đói, lạc hậu cộng với những hủ tục và quan niệm cổ hủ đã khiến cho tình trạng tảo hôn rất khó để xóa bỏ.

bna-at2-982.jpg
Tình trạng tảo hôn ở Kỳ Sơn năm 2023 tăng đột biến. Ảnh: H.T

Trong vài năm gần đây xuất hiện yếu tố tác động mới: Xu hướng yêu sớm do ảnh hưởng của mạng xã hội, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình. Có nhiều em bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều đi làm ăn ở các tỉnh xa để con ở nhà với ông, bà, người thân. Hiện tại, toàn huyện Kỳ Sơn có gần 11.000 lao động đang làm việc trong và ngoài nước, trong số đó có nhiều gia đình cả bố và mẹ đều đi làm ăn xa, chỉ để lại con ở nhà cho người thân nuôi dưỡng nên tình cảm, giáo dục trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là phát triển tâm, sinh lý của các em tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, việc quản lý các em học sinh ngoài giờ lên lớp gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trước mắt trong năm nay và những năm tới huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng triển khai các giải pháp và bằng hành động, việc làm cụ thể (không nêu vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề tảo hôn). Người đứng đầu quan tâm, trách nhiệm, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc chắc chắn sẽ có tác động tích cực. Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng, nguyên nhân và kết quả khảo sát. Tuyên truyền rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến chủ thể của vi phạm, đặc biệt là các em trong độ tuổi vị thành niên, đang là học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện.

“Huyện cũng phải từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, nghèo đói thường đi kèm với lạc hậu, vì vậy, khi điều kiện kinh tế được nâng lên thì dân trí tự nhiên được nâng cao, những tập tục và quan niệm lạc hậu sẽ từng bước giảm theo quy luật của sự phát triển. Chú trọng đến phát triển văn hóa, xã hội và việc làm. Về văn hóa phải tìm cách giảm và xóa các tập tục, quan niệm lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức và đời sống của người dân, nhất là các xã vùng có đồng bào người Mông sinh sống. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là ngọn nguồn của sự phát triển của các thành viên, bao gồm cả các cháu, các em là những người chủ của tương lai. Giải quyết việc làm đi đôi với phát triển giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm.

Đặc biệt, huyện Kỳ Sơn sẽ tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật bằng hình thức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe kịp thời. Trong các năm trước huyện chưa tiến hành xử phạt hành chính, nhưng trong năm 2023 huyện chỉ đạo và hướng dẫn các xã xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tổ chức tảo hôn. Việc vi phạm khi đã được tuyên truyền đầy đủ và ký cam kết thì xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn cần thiết, phải thực hiện ngay để vừa răn đe, vừa là cách tuyên truyền hiệu quả.

Tin mới