Triều Tiên tiếp tục nhận dầu và xuất khẩu vũ khí trái phép

Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên vẫn vi phạm lệnh trừng phạt về việc hạn chế nhập khẩu dầu và xuất khẩu các mặt hàng nằm trong danh sách cấm.
Triều Tiên tiếp tục nhận dầu và xuất khẩu vũ khí trái phép ảnh 1

Một tàu nghi chuyển dầu cho tàu Triều Tiên bị Hàn Quốc bắt hồi tháng 11/2017. Ảnh: AP.

"Triều Tiên vẫn chưa dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, tiếp tục thách thức nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua việc tăng cường các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp dầu mỏ và than trên biển trong năm 2018", AFP hôm nay trích dẫn báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Báo cáo dài 62 trang của Hội đồng Bảo an LHQ cho biết Triều Tiên đã gia tăng hoạt động vận chuyển sản phẩm dầu từ tàu biển sang tàu biển một cách bất hợp pháp và đây là phương pháp chính của Bình Nhưỡng để tránh lệnh trừng phạt với sự tham gia của 40 tàu và 130 công ty liên doanh.

Hoạt động vận chuyển sản phẩm cấm này đã giúp Triều Tiên thu về hàng chục triệu USD. Điển hình, việc cung cấp sắt, thép cho Trung Quốc, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác mang về cho Bình Nhưỡng 14 triệu USD chỉ từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018.

"Trừng phạt tài chính vẫn là một trong những biện pháp kém hiệu quả nhất đối với Triều Tiên. Các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc lách luật bằng cách tạo nhiều tài khoản ngân hàng ở nước ngoài", báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng "tìm cách cung cấp vũ khí hạng nhẹ (SALW) cũng như các thiết bị quân sự khác, thông qua một nhà môi giới trung gian tại Syria, tới Libya, Yemen và Sudan. "Nhà môi giới Hussein Al-Ali đã giúp cung cấp hàng loạt vũ khí thông thường và thậm chí là tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất đến Yemen và Libya", báo cáo khẳng định.

Mỹ hồi tháng trước yêu cầu Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Triều Tiên nhập tất cả sản phẩm liên quan đến dầu sau khi có báo cáo cho rằng Bình Nhưỡng đã nhận quá mức nhiên liệu theo quy định thông qua việc vận chuyển hàng hải trái phép. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu trì hoãn 6 tháng với đề xuất này.

Tin mới