Trung thu không cần mâm cao cỗ đầy

(Baonghean) -  Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Lê  Tài Hòe - Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

- Thưa ông, là người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, ông đúc kết ý nghĩa nhất của Tết Trung thu theo Việt Nam nói chung là gì?

- Mặc dù Tết Trung thu đã tồn tại rất nhiều năm, nhưng đến nay mọi người vẫn thấy ý nghĩa và háo hức bởi với trẻ con Tết Trung thu là dịp để những đứa trẻ có dịp vui chơi, chơi trăng phá cỗ. Với người lớn, Tết Trung thu dành cho hội tụ, sum họp gia đình, là ngày mà mọi người nhớ đến nhau, chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc. Dịp này, các gia đình thường mua bánh trà, rượu để cúng biết ơn tổ tiên, những người sinh thành. Đây cũng là dịp để mọi người trao nhau những món quà ý nghĩa để bày tỏ sự thân tình.

Vui Tết Trung thu. 	Ảnh: P.V
Vui Tết Trung thu. Ảnh: P.V

- Rất nhiều thế hệ người Việt kể từ sau Cách mạng Tháng Tám nhớ về Tết Trung thu như một phần ký ức tuổi thơ không thể thiếu. Với ông, hẳn cũng vậy...

- Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh nên ngày Tết Trung thu dẫu biết là ngày đặc biệt nhưng vì khó khăn nên hầu như chẳng có gì. Có chăng, trong ký ức là lũ trẻ trong làng cũng ra giữa sân đình, trông trăng và chơi trò đuổi gấu ăn trăng. Đến khi đã trưởng thành, làm giáo viên tôi nhớ nhất là những đêm Trung thu ở trường trong khu tập thể; dù chỉ vài cái bánh, gói kẹo nhưng từ trẻ con đến người lớn ai cũng háo hức. Vui nhất là cảnh cả gia đình cùng nhau làm đèn kéo quân. Trẻ con nhà nào có đèn to nhất, đẹp nhất sẽ được đi đầu đoàn rước và những người đi sau hò reo, vui vẻ...

Tết Trung thu xưa. Ảnh tư liệu
Tết Trung thu xưa. Ảnh tư liệu
Giúp con sửa đèn lồng chuẩn bị cho đêm Trung thu. Ảnh tư liệu
Giúp con sửa đèn lồng chuẩn bị cho đêm Trung thu. Ảnh tư liệu

- CònTrung thu bây giờ...

- Trung thu bây giờ, trẻ con chẳng thiếu thứ gì bởi từ tháng Bảy âm lịch bánh trung thu đã được bày bán rất nhiều, đèn trung thu cũng đủ sắc màu, đủ kiểu. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, vật chất thì không thiếu nhưng các em lại thiếu đi không khí của ngày rằm bởi đèn điện đã thay thế ánh trăng. Nhiều em chưa hiểu hết giá trị và ý nghĩa của Tết Trung thu. Hơn nữa, Tết Trung thu cũng một phần bị biến tướng khi nhiều người lợi dụng dịp này để tặng quà, biếu xén vì mục đích cá nhân...

- Vâng điều đó dư luận cũng bàn nhiều, nhưng về quan điểm cá nhân, ông trăn trở điều gì?

- Vật chất rồi cũng bão hòa, điều mong muốn nhất là các em nhỏ hãy hiểu về chiều sâu và giá trị của Tết Trung thu. Muốn vậy, cũng không quá khó và bố, mẹ những người thân trong gia đình có thể kể cho các em về Tết Trung thu, gợi mở cho các cháu về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc tổ chức Tết Trung thu không cần mâm cao cỗ đầy, mà chỉ cần sự quan tâm của các đoàn thể, chính quyền địa phương với nhiều hoạt động ý nghĩa như rước đèn trung thu, biểu diễn văn nghệ, diễn lại sự tích ông Trăng, chú Cuội. Những năm gần đây, có rất nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn trong dịp Tết Trung thu và theo tôi đó là một hoạt động rất nhân văn. Điều đó, không chỉ tạo nên nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cổ truyền mà còn  giúp cho trẻ em trên mọi miền được bình đẳng, được có một cái Tết Trung thu thực thụ...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới