Trước nếp nhà tranh của "Ông già Bến Ngự"

(Baonghean) - Đó là con phố nhỏ, yên bình nằm dưới những tán cây phía Nam dòng sông Hương. Phố mang tên một người con ưu tú của quê hương Nghệ An và ở đó, tại số 119 từng là nơi nương náu, cũng là cõi an tịch vĩnh hằng của một nhân cách lớn, một tấm lòng bình dị đến tha thiết. Đó chính là nhà yêu nước, chí sỹ cách mạng tiền bối Phan Bội Châu.
Khi chúng tôi bước qua chính cổng để vào khuôn viên khu nhà lưu niệm, di tích danh nhân cụ Phan (số 119 - đường Phan Bội Châu) bất chợt trong đoàn có ai đó cất tiếng khe khẽ: “Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng/Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng…”. Đó chính là những câu thơ trong bài “Bài ca chúc tết thanh niên” do cụ Phan Bội Châu viết vào năm 1926 mà những thế hệ như chúng tôi đã thuộc lòng từ ngày còn đi học. Và hôm nay, ngay tại mảnh đất Thừa Thiên, dưới vòm trời xanh mát của những ngày cuối hạ với hương cau thoảng bay chúng tôi dường như được chạm vào vùng ký ức của những tháng ngày lịch sử. Đâu đó trong cái khuôn viên mềm mại như một trang thơ, cụ Sào Nam với phong thái trầm ngâm thường thấy chợt mỉm cười đón những đứa con từ quê hương xứ Nghệ tìm về. 
Đoàn chúng tôi có 10 người, là những cán bộ Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An và nhóm cựu học sinh của ngôi trường mang tên Phan Bội Châu trên miền đất có dòng Lam giang. Chúng tôi được chào đón bằng những cái bắt tay nồng ấm và nụ cười thân thiết của 2 người trong ngôi nhà nhỏ ngay tại khuôn viên Nhà lưu niệm cụ Phan. Người đàn ông tuổi trạc 70, vóc dáng cao lớn, miệng cười hiền và giọng nói trầm ấm miền Trung pha nhẹ Nam bộ. Còn người phụ nữ cũng trên dưới thất thập, chân bước lanh lẹ nhưng cũng rất khẽ khàng, mỗi hành động, lời nói đều toát lên vẻ từ tốn, khiêm nhường. Chúng tôi nghĩ, đó hẳn là những người được giao việc trông nom di tích cụ Phan.
Nhưng không phải chỉ có vậy. Người đàn ông chính là cháu nội của cụ Phan Bội Châu. Ông tên Phan Thiệu Cát, mới trở về từ Vancover - Canada mấy ngày trước. Còn người phụ nữ là bà Phan Thị Hạnh Châu, vợ của ông Phan Thiệu Tường - người cháu nội khác của cụ Sào Nam. Nghĩa là bà Phan Thị Hạnh Châu là cháu dâu của cụ Phan, chị dâu của ông Phan Thiệu Cát. Trong một ngày vô cùng may mắn như có cơ duyên chúng tôi được những người cháu của cụ Phan giới thiệu về cuộc đời và những hiện vật gắn bó với cụ trong suốt giai đoạn nhà yêu nước Phan Bội Châu nương mình trên mảnh đất cố đô. Và cũng trên mảnh đất này, người chí sỹ yêu nước quê Nghệ đã nằm lại sau 15 năm chịu cảnh giam lỏng của thực dân Pháp... 
Đoàn cán bộ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An và cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu dâng hương tại mộ cụ Phan Bội Châu ở TP. Huế.
Đoàn cán bộ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An và cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu dâng hương tại mộ cụ Phan Bội Châu ở TP. Huế.
Trong không gian ngan ngát hương cau giữa lòng xứ Huế, ai trong chúng tôi cũng bồi hồi, xúc động. Đứng trước phần lăng mộ cụ Phan Bội Châu ở vị trí trung tâm Nhà tưởng niệm, rưng rưng trước làn khói hương linh thiêng, trầm mặc. Ở đó, dưới nấm mộ khiêm nhường kia là một bậc vĩ nhân của đất nước, một người con kiệt xuất của quê hương Nghệ An suốt cuộc đời thổn thức vì nỗi đau mất nước, vì niềm tự hào dân tộc bị chà đạp. Sau 75 năm cụ Phan xa rời trần thế để về cõi tiên, hôm nay những con cháu đến từ quê hương Nghệ An báo với cụ về những đổi thay của đất nước, của mảnh đất nơi sinh ra một tâm hồn lớn, “một trong những con người Việt Nam đẹp nhất” - theo đánh giá của Hoài Thanh.
Tại đây đoàn cán bộ Ban quản lý Di tích danh thắng và cựu học sinh trường Phan cũng cẩn cáo với cụ Sào Nam về việc Nghệ An sẽ xây dựng Nhà tưởng niệm cụ ngay trên quê hương Nam Đàn. Công trình này được vận động xây dựng nhằm để muôn lớp cháu con xứ Nghệ tri ân, tưởng nhớ và học tập tấm gương lẫm liệt của cụ và không ngừng vun đắp những giá trị truyền thống cao đẹp của cha ông. Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu được dựng xây bởi những tấm lòng, sự đóng góp của các thế hệ học sinh dưới mái trường mang tên Phan Bội Châu nức tiếng cả nước vì những thành tích giáo dục. Công trình giàu ý nghĩa ấy được các cựu học sinh trường Phan vận động quyên góp xây dựng từ đầu năm 2015 này cùng với sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh Nghệ An và nhiều nhà hảo tâm khác.
Trong không khí thân thiết nghĩa tình, ông Phan Thiệu Cát nói rằng, tâm nguyện ấy của tỉnh Nghệ An, của cựu học sinh trường Phan Bội Châu thật đáng quý, đáng trân trọng. Người cháu nội của cụ Phan nói trong xúc động: “Dù có đi đâu thì cha tôi, ông tôi vẫn là con của Nam Đàn, Nghệ An, vẫn giữ cốt cách, tinh thần của vùng đất đằm nhân nghĩa, ân tình ấy. Tôi chẳng biết nói sao về tấm lòng của quê hương và các cựu học sinh của mái trường mang tên cụ”. Nói rồi ông Phan Thiệu Cát dẫn chúng tôi đến trước từng tấm bia, từng hiện vật trong khu lưu niệm. Ngoài phần mộ và nhà thờ cụ Phan được cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra xây dựng vào năm 1941 sau khi bạn mình qua đời, trong khu tưởng niệm còn có nhiều hiện vật vô cùng có giá trị lịch sử. Đó là bia miếu thờ Cô ấu Triệu liệt nữ Nguyễn Thị Đàn - một tấm gương yêu nước được Phan Bội Châu dựng lên khi cụ còn sống; là phần mộ của ông Phan Nghi Đệ và vợ Bùi Thị Em - con trai thứ và con dâu của cụ Phan; là 2 phần mộ của chí sỹ Tăng Bạt Hổ và Võ Bá Hạp - những danh nhân yêu nước, những người bạn của Phan Bội Châu. Điều khá đặc biệt, ngay phía trước phần lăng của cụ Phan là 6 tấm bia với kích thước khác nhau được dựng ngay ngắn.
Theo bà Phan Thị Hạnh Châu -cháu dâu nội của cụ Phan, thì những tấm bia ấy khắc bằng chữ Quốc ngữ, 2 tấm được khắc bằng chữ Hán và 2 tấm còn lại khắc cùng lúc bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán để tưởng nhớ 2 con chó có tên Vá và Ky. Bà Hạnh Châu cho hay, đó là 2 con chó rất tinh khôn và trung thành với cụ Phan trong những tháng ngày Ông già Bến Ngự bị thực dân Pháp quản thúc tại Huế. Trên tấm bia mộ bằng chữ Quốc ngữ của con Ky có khắc những dòng: “Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con Ky nầy lại đủ hai đức ấy - Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó…”. Việc cụ Phan Bội Châu làm phần mộ, dựng bia cho 2 con vật nuôi hẳn còn mang ý nghĩa khinh miệt chế độ đương thời. Rằng có những kẻ mà phẩm giá không bằng loài súc khuyển. 
Phần mộ của cụ Phan nằm giữa một không gian yên bình
Phần mộ của cụ Phan nằm giữa một không gian yên bình
Đã đọc, đã biết, đã nghe nhiều về Phan Bội Châu nhưng có đến cố đô Huế chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn về hồn nước, hồn dân tộc ẩn sâu trong cốt cách của một nhà văn hóa, chính trị lỗi lạc nhưng vẫn được nhân dân dành tình cảm gọi với cái tên thân mật: “Ông già Bến Ngự”. Hẳn trong suốt hành trình “hai mươi năm lẻ” bôn ba cứu nước và 15 năm chịu cảnh quản chế cụ Phan vẫn không thôi da diết về mảnh đất Sa Nam bên dòng Lam giang bồi hồi chảy. Thì đó, nếp nhà, hàng cau, ban thờ, câu đối vẫn thấp thoáng bóng dáng quê hương. Cái nặng nghĩa, tình sâu của đất Hoan Châu vẫn mặn đằm trong mỗi bước đi, hành động của cụ. Chẳng thế trong khu vườn có ngôi nhà lá nơi cụ Phan sống những ngày cuối đời còn có phần mộ của Tăng Bạt Hổ, Võ Bá Hạp - những người bạn tâm giao, tri kỷ. Khi còn sống họ cùng chí hướng, lúc khuất núi họ lại hội tụ bên nhau. Chẳng thắm nghĩa lắm sao.
Không chỉ có vậy, sinh thời khi bị quản thúc ở Huế, cụ Phan Bội Châu còn xây dựng một khu nghĩa trang mang tên chính mình trên đồi Quảng Tế, xã Thủy Xuân  (TP Huế) để các chí sỹ cách mạng có nơi an nghỉ sau những hành trình bôn tẩu trượng nghĩa. Ban đầu cụ Phan có ý định xây dựng tại đây một cô nhi viện nhưng thực dân Pháp ngăn cấm, vì vậy cụ đã cho xây dựng nghĩa trang với ý nghĩa không giúp được người sống thì giúp người chết. Cụ Phan cũng quy định chỉ những người đồng chí, cộng sự với mình hoặc vì chủ nghĩa cách mạng mà hy sinh mới được an táng, chôn cất tại đây. Đến nghĩa trang, chúng tôi đã được dâng hương lên anh linh những danh nhân, nhà yêu nước như: Nguyễn Chí Diểu - Nguyên Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; Mặc sỹ Nguyễn Huy Nhu - Tiến sỹ khoa Bính Dần, nguyên Giáo sư Hán học Viện Đại học Huế. Ở nghĩa trang còn có phần mộ của những bậc trí giả, văn nhân như: Lê Bồi, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải, Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn…
Đã là người xả thân vì giang sơn, xã tắc dù ở đâu cũng được dân chúng kính yêu, thương mến. Phan Bội Châu là người như thế. Năm 1925 khi cụ bị thực dân Pháp bắt và chúng rắp tâm hãm hại, nhân dân cả nước trên dưới một lòng ra sức phản đối, gây áp lực để chúng phải thả cụ. Năm 1974 học sinh, trí thức cả nước một lần nữa nhất tâm quyên góp tiền bạc với mong muốn đúc tượng cụ Phan. Bấy giờ tại đất cố đô các học sinh Trường Quốc học Huế đã phát hành 1 đợt xổ số nhằm quyên tiền ủng hộ việc đúc tượng cụ Sào Nam. Đó cũng là cách mà dân chúng dành sự tôn kính cho vị tiền bối cách mạng, đồng thời dấy lên một phong trào noi gương truyền thống đấu tranh quật cường của thế hệ cha anh đi trước.
Chúng tôi đã được đến đó, bên bờ sông Hương, dưới cầu Trường Tiền nơi đặt bức tượng cụ Phan. Ông Phan Thiệu Cát cho biết, đây là bức tượng đầu lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao khoảng 4,5m, nặng hơn 6 tấn, được đúc bằng đồng, do Kiến trúc sư Lê Thiện Nhơn thiết kế và thực hiện. Và nay cũng với tấm lòng kính phục, tri ân của cháu con trên quê hương ví giặm, những cựu học trò trường Phan thỉnh báo cụ để được xây dựng công trình tưởng niệm tại quê hương. Ở quê nhà cũng đã có một Khu di tích lịch sử mang tên cụ Phan, nhưng việc mở rộng thêm quy mô cũng nhằm nâng hơn nữa ý nghĩa giáo dục, đạo lý hướng về nguồn cội và xứng đáng với tầm vóc của một danh nhân.
Trong không gian tĩnh lặng ban trưa ở Huế, dưới bức tượng Phan Bội Châu chợt nhớ câu sinh thời của cụ: “Cũng vì đá nguyên khối nặng, hình vút tầng không/Kẻ trượng phu đâu cần khuất chí, bậc thái thượng chẳng nao lòng!/ Cột chống lưng trời, nêu gương cương thường muôn thuở/Tiếng vang mặt đất, dậy văn bút hai vùng!”
Đào Tuấn 

Tin mới