Truyền thông Nga nhận định Ukraine đang đánh mất dần sự tin tưởng từ các đồng minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trong 1,5 năm, Ukraine đã thách thức sự kiên nhẫn của phương Tây, nhưng mọi thứ đều có giới hạn.

SmartSelect_20230722-165725_Chrome.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius. Ảnh: AP

Đồng minh phương Tây tức giận

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) vừa qua, đại diện của Mỹ và châu Âu đã công khai nói lên những bất bình mà họ đã cố gắng che giấu trong một thời gian dài.

Tờ Politico cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vô ơn là “có lý do”. Một trong số đó phải kể đến thông điệp của ông Zelensky trên Telegram. Tổng thống Zelensky cho rằng, “sẽ thật lố bịch nếu Ukraine không được cung cấp khung thời gian cụ thể cho một lời mời gia nhập hoặc tư cách thành viên NATO”. Những lời tuyên bố này của ông Zelensky đã khiến giới chức phương Tây tức giận.

Nhớ lại chuyến thăm tới Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace phàn nàn rằng, ông không được “thiết đãi tử tế lắm”. Còn Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chỉ trích về việc nhà lãnh đạo Ukraine luôn kêu ca về sự hỗ trợ quân sự không đầy đủ.

“Người Mỹ xứng đáng được biết ơn, trước những yêu cầu quá đáng của ông Zelensky” – Ông Sullivan nhấn mạnh.

Tờ Politico nhận định, Ukraine từ lâu đã chọc giận các nhà ngoại giao phương Tây, song những điều này đã được che giấu cẩn thận. Phương Tây đã nhiều lần kêu gọi nhà lãnh đạo Zelensky tiết chế sự nóng nảy của mình, không chọc giận các đồng minh.

Từ quan điểm của chính quyền Ukraine, Kiev cho rằng, những lời chỉ trích về họ là hoàn toàn không phù hợp. Ukraine tin rằng, họ đang chiến đấu với Nga vì lợi ích của toàn bộ nền văn minh phương Tây, trong khi Mỹ và châu Âu lại quá chú trọng đến lợi ích quốc gia của họ.

Tờ Washington Post trích dẫn một câu trả lời của Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny, khi được hỏi về việc Mỹ khuyên nhủ trong cuộc tấn công Nga, như sau: “Tại sao tôi phải hỏi ai đó phải làm gì trong lãnh thổ của chúng tôi? Đây là vấn đề của chúng tôi, và chúng tôi phải quyết định làm thế nào?

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine hứng chịu nhiều thất bại, Tổng thống Zelensky ngày càng ít tranh luận hơn.

SmartSelect_20230722-165700_Chrome.jpg
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ trò chuyện tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Đồng minh châu Âu “quay lưng”

Ở châu Âu và Mỹ Latinh, Ukraine cũng không còn ai để trông cậy. Điều này được thể hiện rõ qua Hội nghị Thượng đỉnh EU và cộng đồng các nước Mỹ Latinh tại Brussels trong 2 ngày (17-18/7) vừa qua.

Châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc và đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Để giành lại thế chủ động, EU sẵn sàng đầu tư 45 tỷ Euro vào khu vực Mỹ Latinh trong 4 năm tới trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) – một đối trọng với Dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Bất chấp những lời hứa trước đó, bầu không khí của hội nghị thượng định vẫn diễn ra trong căng thẳng, trong đó, cuộc xung đột Ukraine đã trở thành một tác nhân. Châu Âu muốn đưa vào tuyên bố chung những lời lên án mạnh mẽ đối với Nga, song hầu hết các nhà lãnh đạo của Nam Mỹ đều phản đối. Cuối cùng, châu Âu đưa vào tuyên bố chung rằng “cuộc xung đột gây ra đau khổ lớn cho con người, và làm trầm trọng thêm sự bất ổn cho nền kinh tế thế giới”. Tuyên bố chung không đề cập tới Nga.

Ngoài ra, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, ông ủng hộ sáng kiến hoà bình của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Brazil, tất cả các quốc gia không liên quan đến cuộc đối đầu Nga-Ukraine đều có thể chịu trách nhiệm thúc đẩy các cuộc đàm phán; và Moskva cần cung cấp “các điều kiện tối thiểu”.

Ukraine không có lựa chọn

Tờ Ria Novosti nhận định, việc trao đổi lãnh thổ để lấy hòa bình là một kịch bản sát với thực tế nhất.

Nhà khoa học chính trị Rostislav Ishchenko lập luận: “Nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine không thể thành công trong cuộc phản công, các cuộc đàm phán sẽ không bắt đầu. Chiến tuyến sẽ không thay đổi và Mỹ chấp nhận điều đó. Nhưng nếu Nga tiếp tục tấn công, và đe doạ hủy bỏ tư cách nhà nước Ukraine hiện tại, phương Tây sẽ tham gia đối thoại với Moskva, bao gồm cả việc trao đổi lãnh thổ để lấy hòa bình”.

Châu Âu chưa bao giờ muốn trả tiền cho Ukraine. Tuy nhiên, xung đột giữa Brussels và Kiev là không thể xảy ra, vì cả hai đều phụ thuộc vào Washington.

“Vì vậy, các cuộc đàm phán nên được tiếp tục giữa Nga và Mỹ. Và Ukraine sẽ đơn giản chỉ làm theo những gì họ bảo” - nhà khoa học chính trị Rostislav Ishchenko nhận định.

Nhà khoa học chính trị Oleksandr Dudchak lại đưa ra quan điểm, tập thể phương Tây không thực sự cần hòa bình giữa Nga và Ukraine. Do vậy, một cuộc xung đột bị đóng băng có nhiều khả năng xảy ra hơn, nếu “những người bảo trợ” của chính quyền Kiev nhận thấy rằng, cuộc giao tranh gây tổn hại quá lớn cho lợi ích kinh tế của họ.

Tin mới