Từ hiến đất đến nhận thức về thoát nghèo ở Nghĩa Đàn

(Baonghean) - Hiến đất làm đường giao thông nông thôn là câu chuyện không mới ở Nghĩa Đàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những xã nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, việc hiến đất càng có một ý nghĩa lớn hơn, đó là “lối mở” trong  nhận thức của người dân trong việc thoát nghèo.

Là xã khó khăn được hưởng Chương trình 135, trong năm 2012 và 2013, xã Nghĩa Lạc được đầu tư làm hơn 10 km đường bê tông nông thôn. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi có chủ trương mở rộng đường, đồng bào ở đây đã tình nguyện hiến đất và hiến đất trở thành phong trào có sức lan tỏa trong toàn xã. Với đồng bào nơi đây, mở đường đi chính là góp phần mở hướng thoát nghèo. Xóm Mẻn có 127 hộ với gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài mong muốn đủ ăn đủ mặc thì có đường đi rộng rãi là ước mơ bao đời của người dân nơi đây.

Ông Lương Thanh Phương, người dân tộc Thanh, một trong những hộ tiên phong tình nguyện hiến đất để làm đường nhiều nhất xóm, theo ông thì một trong những nguyên nhân người dân xóm mình còn nghèo đói chính là giao thông đi lại khó khăn, vì vậy hiến đất mở đường chính là để ông và người dân ở đây thoát nghèo. Ông Phương chia sẻ: “Hơn 70 tuổi rồi, giờ mới có đường bê tông để đi thì mừng quá, nhờ nó mà làm ăn thoát nghèo, nhà tôi hiến 100m2 nhưng Nhà nước nói hiến bao nhiêu nữa  tôi cũng hiến thôi”.

Người dân Nghĩa Đàn làm đường giao thông nông thôn.

Bà Lê Thị Dậu, dân tộc Thổ ở xóm Mẻn năm nay cũng hơn 60 tuổi, cho biết: “Có đường rộng rãi đi, dân mới có điều kiện làm ăn được, muốn thoát nghèo phải có cái đường cho chắc đã”.

Đến thời điểm này, xã Nghĩa Lạc có 6/6 xóm đã và đang được đầu tư làm đường giao thông nông thôn với hơn 12 km đường bê tông từ Chương trình 135. Là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của nhiều người còn hạn chế. Tuy nhiên khi được tuyên truyền vận động thì 100% người dân đã tình nguyện hiến hơn 130.000m2 đất và nhiều cây cối. Các tuyến đường trước đây chỉ rộng từ 3 đến 4m thì nay được mở rộng trên 7m. 

Theo ông Hà Huy Liệu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc, đến cuối năm nay, 6/6 xóm bản của Nghĩa Lạc đã có đường bê tông để đi thay thế những con đường chật hẹp lầy lội trước đây. Có được điều đó không chỉ  là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn là sự đồng thuận của người dân xã Nghĩa Lạc trong việc hiến đất mở đường cũng như trong xây dựng nông thôn mới.

Nghĩa Mai cũng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nghĩa Đàn đang được hưởng Chương trình 135. Xã nằm cách trung tâm huyện 30 km, đường sá đi lại khó khăn. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đồng bào dân tộc ở Nghĩa Mai hưởng ứng rất nhiệt tình. Với họ đây là cơ hội lâu rồi mới có để giúp họ từng bước thoát nghèo. Đến nay nhân dân Nghĩa Mai đã hiến hơn 4.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.

Bài học rút ra từ xã Nghĩa Long, một xã khó khăn của huyện Nghĩa Đàn với hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số là muốn làm được phải có sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, Nghĩa Long đã giải tỏa được gần 65km đường giao thông nông thôn, trong đó bê tông hóa 10,8km đường liên thôn. Nhờ tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân mà nhân dân xã Nghĩa Long đã hiến hơn 71.000 m2 đất và hơn 5600 cây cối.

Điều quan trọng trong việc vận động nhân dân hiến đất mở đường ở các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Long, Nghĩa Mai nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung không chỉ là nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân mà đã “khơi” thông lối suy nghĩ của nhân dân trong việc xóa đói giảm nghèo. Sau khi làm đường các xã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy kinh tế của xã đi lên.

Ví dụ như Nghĩa Lạc xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi dựa trên lợi thế đồi rừng; Nghĩa Long phát triển chăn nuôi, Nghĩa Hội chuyển đổi trồng cây màu trên 100 ha đất cao cưỡng… Và các chủ trương của xã đều được nhân dân tiếp thu, hưởng ứng làm theo.

Đinh Thùy (Đài Nghĩa Đàn)

Tin mới