Tự làm thực phẩm tết Lợi và hại

Từ bò khô, giò thủ, giò lụa tự làm
Năm nào dịp sát Tết, chị Thúy ở xóm 15, xã Nghi Phú (TP. Vinh) cũng tất bật với việc xào giò thủ để cung ứng cho bạn bè và làng xóm đặt hàng ăn Tết. Từ  một món ăn bình dân dành cho người nghèo trong ngày Tết bởi giá thịt thủ rẻ bằng nửa thịt nạc thông thường, thêm mộc nhĩ, gia vị nữa là được, nay đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều gia đình, bởi giò thủ công ăn không ngán và có độ giòn hơn giò lụa. 
Sản xuất giò ở xóm 7, xã Nghi Phú, Vinh
Sản xuất giò ở xóm 7, xã Nghi Phú, Vinh.
Bởi vậy hàng của chị Thủy đã có uy tín lại càng đông khách, chị và con gái làm thâu cả đêm. Cách làm của chị là thịt thủ lựa đồ ngon, tươi, thái miếng vừa ăn, thêm một ít lưỡi lợn, rồi cả nấm hương, mộc nhĩ, tiêu, bột nêm xào kỹ với hành khô. Quan sát cách làm của chị mới hiểu vì sao giò của chị làm ngon: đó là gia giảm hợp lý và đặc biệt là xào rất kỹ, thịt bốc lên mùi thơm hấp dẫn. Sau khi để nguội, chị trải lá chuối đã lau khô sẵn và trực tiếp gói bằng tay, không dùng khuôn. Chị ép các nẹp xiết thật mạnh vào cây giò và để đồ nặng đè lên, mỡ chảy ra hết, sau đó chị mới bỏ vào tủ lạnh. Cây giò thủ của chị cắt ra dính kết vào nhau, chấm tương ớt ăn rất thơm ngon, Tết nào chị cũng bán đến hàng trăm cây giò, là khoản thu kha khá, với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, đắt không thua giò lụa. Nhưng hàng của chị không bao giờ ế. 
Chị Thu Hằng ở phường Đội Cung cũng mở Google ra và tự làm bò khô theo công thức “bác Google” hướng dẫn để dùng Tết. Sau khi làm đạt thành phẩm (3 kg thịt tươi được 1 kg khô), chị mừng quá nhưng mới phát hiện ra là không biết làm sao cho khô giòn? Được mọi người giới thiệu chị đưa đến lò bánh mỳ thuê sấy, thế là thêm vài chục ngàn đồng chị có được gần 1 kg bò khô thơm ngon, yên tâm về vệ sinh thực phẩm. Chị chia sẻ với mọi người, thấy ngon, làm đẹp mắt, bạn bè, người thân lại nhờ chị làm hộ, đặt hàng chị làm thêm.
Thế là từ một thợ may, chị có thêm nghề phụ khi Tết đến là làm bò khô. Khi chị đưa bò khô đến cho chúng tôi, những sợi bò được xé cẩn thận ánh lên sắc vàng của thịt thăn bò, hoàn toàn không bị trộn thịt heo vào như hàng chợ, ai cũng yên tâm dùng. Không chỉ chị Thúy, chị Hằng mà hiện nay nhiều chị em đang có phong trào tự làm đồ ăn Tết cho gia đình để vừa giảm chí phí trong cái Tết đắt đỏ, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các chị còn làm được các loại giò như giò gà, giò lụa, giò bò… để cung cấp cho người nhà và bạn bè.
Không chỉ mặt hàng giò, mà hiện nay các loại cá kho như cá kho tộ, cá cơm rang, cá trắm kho làng Vũ Đại, chả quế, chả ngũ sắc, bò khô 23 h, thịt bò giàng, lạp xường… đều rộn ràng đón Tết và không ít các trang mạng mời chào cuốn hút đã bán được bộn hàng dù có khi khách và chủ không hề biết nhau.
Tới trăm loại mứt Tết
Mứt Tết bán ngoài chợ ngày càng đắt, trong khi lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng lương eo hẹp, tiền thưởng Tết ít  cũng làm cho nhiều chị em tự tay làm mứt để phục vụ gia đình. Hình ảnh về mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, cà rốt, mứt me... được chia sẻ dày đặc trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo trong vài năm gần đây và năm nay cũng vậy.
Món mứt dừa với nhiều màu sắc, hương vị khác nhau
Món mứt dừa với nhiều màu sắc, hương vị khác nhau.
Vào nhà người bạn là giáo viên cùng quê, được mời đĩa mứt dừa, đồng thời cũng là để “khoe” thành tích: “Mứt tự làm đó, thử xem”. Vị béo ngậy của dừa tươi, hương cà phê quyến rũ, màu sắc hấp dẫn và nhất là cảm giác yên tâm vì không phải màu hóa chất. Vậy là cô bạn liến thoắng về những “dự định” sẽ làm thêm món mứt dừa vị chocolate, mứt gừng...
Cô còn cho biết thêm, mấy ngày nay ngoài giờ đi làm, chị em lúc nào cũng xoay quanh chuyện làm mứt. Vốn là người khéo tay hay làm, cô còn sáng tạo ra những hương vị, màu sắc rất bắt mắt cho món mứt như vị chocolate, vị dâu tây, trà xanh... Ngoài món mứt dừa, còn làm được cả mứt cà rốt, mứt dứa, mứt khế... Chỉ cần vào mạng internet xem hướng dẫn là cô có thể hoàn thành được món mứt đúng khẩu vị và màu sắc. 
Nguyên liệu làm mứt rất đơn giản và rẻ. Nhiều chị em vốn không mấy khéo léo nhưng bị cuốn theo phong trào. Thùy Lâm, một đồng nghiệp với tôi chia sẻ: “Thấy chị em trong cơ quan đua nhau làm mứt dừa, mình cũng mua thử về làm xem sao”. Mẻ đầu tiên, do không có kinh nghiệm, khi đảo dừa, Lâm để lửa hơi to, đường bị lên màu khiến sợi dừa có màu sẫm.
Nhưng mẻ dừa thứ 2 Lâm để lửa liu riu, đảo dừa đều tay và đã thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm “ra lò”, khoe với cả nhà, chồng con vừa ăn vừa khen nức nở. Thế rồi có hàng xóm đặt hàng, người thân nhờ làm. Với chị Thanh Hoa, công tác ở thư viện của một trường học, công việc nhàn rỗi nên chị rất thích chế biến các món ăn lạ miệng. Chị Hoa cho biết, món mứt trọng tâm của Tết này là mứt quất. Mứt quất của chị Hoa dẻo thơm, bóng bẩy, phảng phất hương vị cay cay của quất, rất ngon.
Ở một số nơi, các cô giáo còn có phong trào trao đổi sản phẩm của nhau. Người muối dưa, người làm mứt, người làm giò, đỡ được chi phí mà lại vui. Ai khéo tay cái gì thì làm cái đó. 4 quả dừa có giá 80.000 đồng, chị làm được 2 kg mứt dừa, trong khi những năm trước chị phải mua mứt với giá 140.000 đồng/kg, như vậy so với việc mua mứt làm sẵn, thì việc tự làm mứt sẽ rẻ hơn rất nhiều. 
Tự tay làm thực phẩm đón Tết làm cho phụ nữ đảm đang hơn, khéo léo hơn, sử dụng yên tâm hơn, gia đình cũng đầm ấm hơn, con cái được dịp tập tành, chi phí tiêu Tết có khi giảm hơn và có người đã  trở thành hộ kinh doanh thời vụ từ sự khéo tay hay làm của mình.
Tuy nhiên, cũng cần mua ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo. Sự quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội khi người mua và người bán không biết nhau, không biết được nguồn gốc của thực phẩm cũng là nguy cơ rước bệnh tật vào thân và làm mất vui trong ngày Tết. Xu hướng này cũng là sự báo động cho chợ truyền thống với cách làm hàng thiếu uy tín, độc hại đã và đang làm mất “nồi cơm” của chính người kinh doanh. 
Trân Châu - Nguyễn Lê

Tin mới