“Tự soi gương, tự điều chỉnh”

(Baonghean) - Trên cơ sở Thông tư 42 của Bộ GD - ĐT Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên chính thức có hiệu lực từ ngày 6/1/2013, năm học 2012-2013, Phòng GD&ĐT Thanh Chương đã chọn 6 trường ở 3 bậc học để tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) gồm: Mầm non Thị trấn, Mầm non Thanh Lĩnh; Tiểu học Thị trấn, Tiểu học Thanh Lâm; THCS Cát Văn, THCS Thanh Lĩnh. Đến nay, sau gần một học kỳ triển khai, các đơn vị, trường học trên địa bàn đã hoàn thành việc tổng hợp kết quả tự đánh giá và thẩm định kết quả tự đánh giá với mục đích tìm ra những mặt mạnh, những hạn chế, tồn tại để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Thanh Lâm đứng chân trên địa bàn khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo cao (toàn trường có 135 em thuộc diện hộ nghèo (chiếm 35%), có tới 3 điểm trường, điểm lẻ cách điểm chính đến 4km, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế do đó gặp không ít khó khăn trong nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Lê Xuân Minh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Theo nhà trường tự đánh giá, trường hiện mới chỉ đạt 19/28 tiêu chí, tương đương cấp độ 1 (mức độ cao nhất là cấp độ 3). Trong các tiêu chí mà Thông tư 42 qui định thì khó nhất là cơ sở vật chất, vì là trường vùng khó, lại có nhiều điểm lẻ nên rất khó khăn để đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động dạy và học... Tuy nhiên, cũng từ việc tự đánh giá đó để thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của mình, từ đó có phương án, kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục”.

Tiết học của học sinh lớp 9A, Trường THCS Cát Văn.

Còn với Trường THCS Cát Văn (Thanh Chương), từ năm học 2010-2011, thực hiện Chỉ thị 23 của UBND tỉnh về công tác KĐCL, trường đã thành lập hội đồng tự đánh giá, làm hồ sơ và viết báo cáo đánh giá các nhóm tiêu chí, xây dựng quy trình đánh giá, cụ thể hoá các thông tin minh chứng cụ thể, đánh giá những điểm yếu và đề ra giải pháp khắc phục. Thầy Nguyễn Nhật Việt - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Văn cho biết: “Năm học 2012 - 2013 này, trường đã trang bị thêm phòng CNTT, hoàn thiện phòng bộ môn dùng để trình chiếu, projector; bổ sung thêm sách báo, thiết bị dạy học; xây dựng sân chơi, bãi tập phục vụ giáo dục thể chất cho học sinh... Đặc biệt hơn cả là nhờ công tác KĐCLGD mà các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường”. Sau khi áp dụng bộ tiêu chí KĐCLGD, nhà trường đã có chủ trương tạo điều kiện để giáo viên trong trường học tập nâng cao trình độ, đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn, 22/32 người có trình độ trên chuẩn; có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá giỏi tăng từ  53% (năm học 2010) lên 56% (2012); năm học 2011-2012, trường xếp thứ Nhì toàn huyện về tỷ lệ học sinh giỏi huyện; liên tục nhiều năm liền, trường được công nhận Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.

Sau khi áp dụng bộ tiêu chí KĐCLGD, Trường Mầm non Thị trấn Dùng đã nhìn ra những hạn chế của trường. Đó là tiêu chí về cơ sở vật chất. Do diện tích chật  hẹp, số lượng phòng học ít nên sỹ số vượt so với qui định (trung bình mỗi nhóm lớp có 45 cháu); diện tích phòng học mới chỉ đạt 6m2/cháu (theo qui định tối thiểu 8m2/cháu); sân chơi, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ... không đảm bảo diện tích theo qui định. Đó cũng chính là nguyên nhân mà trường chỉ đạt 25/31 tiêu chí và đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 2. Sau khi tự đánh giá, biết rõ được hạn chế lớn nhất của trường là về cơ sở vật chất, nên hội đồng tự đánh giá của trường đã thông báo rộng rãi đến tận các giáo viên, phụ huynh học sinh và đặc biệt đã tích cực tham mưu cho đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn đưa ra phương án mở rộng diện tích khuôn viên trường mầm non; kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng phòng lớp học đảm bảo đúng chuẩn.

Ông Thái Viết Thảo, Trưởng phòng Khảo thí, Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT cho biết: “Sau khi có Thông tư 42 của Bộ GD&ĐT, Sở đã mời Bộ GD&ĐT về tập huấn cho 146 người làm công tác KĐCL, sau đó đội ngũ này đã tiến hành tập huấn lại cho cán bộ quản lý giáo dục các trường. Và hiện tại, toàn tỉnh đã có 172 người được Bộ GD&ĐT cấp chứng chỉ đánh giá ngoài. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục tỉnh ta đẩy mạnh công tác KĐCLGD. Theo đó, trong năm học này, phấn đấu có 50 - 60 trường Mầm non, tiểu học, THCS và 6 trường THPT được đánh giá ngoài. Đây cũng là cơ hội để các trường “tự soi gương, tự điều chỉnh”, biết điểm mạnh, điểm yếu, thực trạng của trường mình đang ở mức độ nào để có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học...”.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin mới