Tướng Đức: Phương Tây không có vũ khí thần kỳ để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Cựu Tổng thanh tra Bundeswehr (Quân đội Đức), cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat cho rằng, không có loại vũ khí thần kỳ nào của phương Tây, kể cả tên lửa hành trình Taurus, có thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu hoạt động đặc biệt của mình.

capture-2009.png
Cựu Tổng thanh tra Bundeswehr, cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn Ria Novosti, cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat cho rằng, các loại vũ khí của phương Tây, bao gồm cả tên lửa tầm xa Taurus của Đức, không thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu hoạt động đặc biệt của mình.

"Chúng ta cần phải tuyệt đối làm rõ: không có vũ khí thần kỳ nào, kể cả tên lửa tầm xa Taurus, có thể thay đổi cục diện trên chiến trường Ukraine, khiến Nga lâm vào tình thế khó khăn và không thể đạt được mục tiêu của mình. Không một hệ thống nào có khả năng làm được điều này" - Tướng Kujat cho hay.

Tướng Kuyat nhấn mạnh, cần tránh cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Lực lượng vũ trang Ukraine, bởi Berlin sẽ không thể kiểm soát việc Kiev sử dụng chúng. Vị tướng này nói thêm rằng, một cuộc tấn công vào một số mục tiêu bằng những tên lửa này sẽ dẫn đến một thảm họa quốc gia đối với Đức.

Do đó, cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat hy vọng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ kiên định với quyết định của mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn kiên quyết phản đối việc chuyển giao tên lửa này do lo ngại xung đột leo thang tại Ukraine, bất chấp áp lực từ phe đối lập và thậm chí một số thành viên trong liên minh cầm quyền. Với tầm bắn lên đến 500km, tên lửa tầm xa Taurus hoàn toàn có thể đe dọa đến các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của Nga.

Thủ tướng Scholz cho biết, binh lính Ukraine hiện vẫn chưa có khả năng vận hành các loại tên lửa tầm xa như Taurus. Trong khi đó, việc kiểm soát hệ thống tên lửa này đòi hỏi phải có sự hiện diện của quân nhân Đức trên lãnh thổ Ukraine. Điều này sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" của Berlin, và sẽ khiến Đức trở thành quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine./.

Tin mới