Ukraina: Một năm nhìn lại

(Baonghean) - Ngày 6/4/2014 có thể xem như là cột mốc khởi đầu cho cuộc nội chiến tại miền Đông Ukraina khi những người biểu tình tấn công chính quyền địa phương của Donetsk và trụ sở của cơ quan mật vụ Ukraine (SBU) ở Lugansk. Một năm đã trôi qua nhưng tình hình miền Đông Ukraina vẫn không hề có dấu hiệu khởi sắc. Nhân dịp cuộc chiến bước qua mốc 1 năm, hãy cùng nhìn lại những gì đã và đang xảy ra ở Ukraina.

Có thể nói, cuộc nội chiến diễn ra không hề đột ngột. Nó bắt đầu nhen nhóm ở Donetsk từ tháng 4/2014 với những cuộc xung đột nhỏ rải rác. Các nhà quan sát đánh giá, thời điểm này chính là mốc khởi đầu cho cuộc chiến vũ trang được xem là có quy mô lớn tại khu vực châu Âu hiện nay. 
Lực lượng đòi ly khai tại miền Đông Ukraina.           Ảnh: Internet
Lực lượng đòi ly khai tại miền Đông Ukraina. Ảnh: Internet
Trước đó, mặc dù xảy ra cuộc đảo chính tại Quảng trường Maidan ở Kiev nhằm lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vào tháng 2/2014 hay xảy ra các cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nga vào Crimea nhưng cuộc khủng hoảng ở Ukraina thật sự bắt đầu vào ngày 6/4 với các cuộc xung đột và biểu tình với hàng nghìn người tham gia. 
Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối lệnh bãi bỏ sử dụng tiếng Nga do chính phủ mới của Kiev ban hành. Cùng lúc đó, tại các thành phố lớn ở miền Đông Ukraine như Donetsk, Kharkiv và Lugansk, các nhóm ly khai đã bất ngờ chiếm các tòa nhà hành chính và quân sự. Ngay sau đó, các nhà chức trách Ukraina đã điều động lực lượng cảnh sát nhằm giành lại quyền kiểm soát tại các khu vực này.
Thế nhưng, cuộc chiến vẫn không dừng lại tại đó. Nó ngày càng trở nên ác liệt hơn với sự can thiệp của một số lực lượng được huấn luyện kỹ càng của Nga. Những "tình nguyện viên" này nhanh chóng chuyển cuộc biểu tình bạo động thành một cuộc nổi dậy vũ trang. Lực lượng ly khai chiếm giữ được một số thành phố ở vùng Donetsk. Và Thành phố Slavyansk dần trở thành trụ sở chính của lực lượng ly khai, nơi họ công khai “thách thức” quyền lực của Kiev.
Tại khu vực miền Đông Ukraina, việc can thiệp của Nga không giống như tại Crimea. Thay vì can thiệp một cách trực tiếp thì lần này Moscow thay đổi chiến thuật nhằm gián tiếp gây ra tình trạng bất ổn định tại Donetsk. Theo đó, Nga bắt đầu tiến hành một “cuộc chiến hỗn hợp” sử dụng các cuộc biểu tình, tuyên truyền trên truyền hình, gây ra tình trạng bất ổn chính trị, đe dọa và can thiệp quân sự đúng lúc và bí mật tại khu vực này.
Đáp trả lại hành động của Nga, chính quyền Ukraina đã triển khai quân đội và tuyên bố khởi động một "hoạt động chống khủng bố" nhằm giải quyết cuộc xung đột. Tuy nhiên, cuộc tấn công đầu tiên của Kiev nhằm giành lại khu vực miền Đông đã hoàn toàn thất bại. Đến tháng 5/2014, trong khi các khu vực Odessa, Mariupol vẫn chịu sự kiểm soát của chính quyền Kiev thì khu vực Donetsk và Lugansk hoàn toàn rơi vào tay của quân ly khai. Sau khi Petro Oleksiyovych Poroshenko trở thành Tổng thống Ukraina, ông Poroshenko bắt đầu phát động một cuộc tấn công mới ở khu vực miền Đông Ukraina. Trước những đợt tấn công của Kiev, lực lượng ly khai buộc phải từ bỏ thành trì tại Slavyansk và rút về Donetsk. 
Một cột mốc cũng được xem là khá quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraina là sự kiện chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ tại khu vực miền Đông Ukraina hôm 17/7/2014. Chiếc máy bay hàng không dân dụng đã bị nhầm tưởng thành máy bay chiến đấu và bị bắn hạ khiến cho 298 người thiệt mạng. Vụ việc trên là một cú hích để Liên minh châu Âu áp dụng mạnh tay hơn các biện pháp trừng phạt đối với Nga. 
Hồi tháng 9/2014, các cuộc đàm phán tại Thủ đô Minsk ở Belarus với những lệnh ngừng bắn mong manh vẫn không thể ngăn tiếng súng ở khu vực miền Đông Ukraina. Cuộc chiến giữa các bên lại tiếp tục nổ ra đầu tháng 1/2015 nhằm giành quyền kiểm soát tại Sân bay Donetsk. Đến tháng 2/2015, một nền hòa bình mới được ký kết tại Minsk dưới sự thúc đẩy của Pháp và Đức. Mặc dù vẫn còn tiếng súng nhưng về cơ bản cho đến nay thỏa thuận Minsk II vẫn tạm thời được tuân thủ.
Chu Thanh (Theo Le Figaro 6/4)

Tin mới