Ước nguyện nhỏ trong thung Piêng Lắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vượt núi vào thung lũng Piêng Lắc (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) ngày đầu năm để tìm hiểu việc trồng rừng thay thế của Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống, được nghe ước nguyện của hộ gia đình đã gắn bó 20 năm có lẻ với vùng heo hút này…

Ước nguyện…

Công tác trồng rừng thay thế của tỉnh gặp rất nhiều gian khó, nhất là ở địa bàn các huyện miền núi. Nên khi nghe trong hơn một năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang dồn sức trồng loại cây gỗ chò chỉ với diện tích 20,7 ha thì chúng tôi rất quan tâm, mong muốn một lần ghé đến.

bna-trong-rung-tt2-thanh-cuong-1157.jpg
Thung lũng Piêng Lắc, xã Châu Lý (Quỳ Hợp), nơi Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống trồng rừng thay thế. Ảnh: Thành Cường

Tháng 12/2022, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống chính thức nhận nhiệm vụ trồng rừng thay thế thuộc dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng với diện tích 20,7 ha trong thung lũng Piêng Lắc. Nhưng địa danh Piêng Lắc gắn với vùng đất cuối xa xôi thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, giáp ranh với huyện Tân Kỳ. Lối vào Piêng Lắc gập ghềnh đá núi, qua một số con dốc cao chót vót, chỉ khi tiết trời nắng ráo mới có thể vào, nếu có mưa hoặc gặp tiết sương mù thì không thể. Bởi vậy, sau đợt rét đậm cuối tháng 1/2024, chúng tôi mới được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống “xếp lịch” vào Piêng Lắc.

bna-trong-rung-tt5-thanh-cuong-9759.jpg
Đường vào thung lũng Piêng Lắc xa xôi, nhiều dốc cao hiểm trở. Ảnh: Thành Cường

“Đây là lần đầu tiên Piêng Lắc được đón khách. Trước đây, khoảng giữa năm 2023, Đoàn giám sát trồng rừng thay thế của Quốc hội cũng đã có lịch vào kiểm tra thực địa việc trồng rừng thay thế của Ban nhưng gặp mưa nên lỡ kế hoạch...” - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế - Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống Trần Đức Long đã nói với chúng tôi như vậy.

Vào đến thung lũng Piêng Lắc xa xôi, điều khiến chúng tôi quan tâm đầu tiên lại không phải là những hàng cây chò chỉ đưa về từ tỉnh Vĩnh Phúc sau 1 năm tuổi đã bén đất Phủ Quỳ. Mà là sự hiện diện của ngôi nhà sàn Thái, ao nuôi cá, chuồng trại nuôi ngan, vịt và vài vùng rừng keo nhiều năm tuổi. Từ quan tâm hỏi han, được cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống cho biết, đây là tài sản của hai vợ chồng ông bà Lô Văn Xuyến và Vi Thị Phiên, một hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Vực, xã Châu Lý. “Hai ông bà sống ở đây đã vài chục năm. Gia đình có hoàn cảnh riêng, nhưng rất tốt. Anh em cùng ăn, cùng ở với ông bà để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng. Về phần ông bà, trong năm qua đã tham gia nhiều phần việc trong công tác trồng rừng thay thế. Nhưng họ cũng đang có nỗi niềm riêng…”, anh Nguyễn Đình Thanh - cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống cho biết.

bna-trong-rung-thay-the-15-nhat-lan-1035.jpg
Ngôi nhà sàn của hai vợ chồng ông bà Lô Văn Xuyến và Vi Thị Phiên trong thung lũng Piêng Lắc. Ảnh: Nhật Lân

Nỗi niềm mà như anh Thanh kể, là từ xa xưa, khi có chủ trương giao đất giao rừng cho nhân dân bản Vực, thì chỉ duy nhất ông bà Xuyến dám nhận đất, nhận rừng vùng Piêng Lắc. Gắn với vùng núi xa xôi hẻo lánh này, ông bà dựng nhà lập trang trại, vỡ đất trồng ngô, trồng sắn và nhận chăn thả gia súc cho người dân trong vùng. Khi cây keo trở thành xu hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, ông bà cũng trồng một số khoảnh, với diện tích khoảng gần 3 ha. Thế rồi, khi Nhà nước thực hiện quy hoạch lại đất lâm nghiệp, đất rừng ông bà được giao thuộc phạm vi đất rừng phòng hộ Khu BTTN Pù Huống. Bởi vậy, diện tích cây keo đã trồng của ông bà dù đã nhiều năm tuổi, nhưng do vướng quy định nên không thể khai thác...

bna-trong-rung-thay-the-17-thanh-cuong-5929.jpg
Những khoảnh rừng keo 7 năm tuổi của ông bà Lô Văn Xuyến, Vi Thị Phiên xung quanh ngôi nhà sàn. Ảnh: Thành Cường

Trong bữa cơm dở trưa, dở chiều “tùng tiệm” xứ núi, chúng tôi được gặp đại diện hộ gia đình là bà Vi Thị Phiên. Bà Phiên kể rằng, ông Xuyến đã được cấp bìa xanh từ lâu lắm, khoảng năm 1997. Hồi đó, được cấp rồi vô dựng nhà làm trang trại, đào ao thả cá, chăn con bò, nuôi con ngan, con vịt, vỡ đất trồng ngô, sắn; đến mùa thì vào rừng làm măng để có thêm thu nhập; sau này thì trồng keo. Có giai đoạn, cũng có khá đông người kéo vào, nhưng vì ông bà có “chủ quyền” nên không ai được làm. Về việc khai thác rừng cây keo, theo bà Vi Thị Phiên thì: “Ông bà có nguyện vọng từ lâu, vì “cũng phải trả tiền cho người làm cùng”. Nhưng vì quy định không cho phép nên Ban nói từ từ. Ông bà nghe thì cũng để rứa. Nhưng năm nay cũng phải xin khai thác. Ông bà cũng nói rồi, thương ông bà thì cho ông bà khai thác. Ông bà hoàn cảnh lắm, con trai làm ăn thua lỗ rồi bỏ vợ con, đi đâu không biết nữa…”.

bna-trong-rung-thay-the-18-nhat-lan-1022.jpg
Bà Vi Thị Phiên nói ra ước nguyện cùng cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống. Ảnh: Nhật Lân

Hỏi bà Phiên: Đường vào xa xôi cách trở thế thì có ai chịu vào mua keo không? Bà Phiên đáp: “Nếu Ban cho giấy khai thác thì cũng có người mua, chứ không có giấy thì không ai dám…”. Tiếp tục hỏi: Ông bà có nguyện vọng ở lại đây hay không? Bà Phiên chép miệng: “Có mà, ông bà thì vẫn mong muốn ở lại đây làm. Cũng đã nói với Ban, có thương ông bà thì cho ở lại đây làm. Vừa trông coi rừng cho Ban, vừa làm cái này, cái nọ để có thu nhập chứ về nhà thì không có việc chi làm…”.

Từng bước gỡ khó!

Ở Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống, hiểu rành rẽ hoàn cảnh của gia đình bà Vi Thị Phiên. Và vì xác định nguyện vọng của hộ gia đình đồng bào Thái này là chính đáng nên Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống cũng đang xây dựng lộ trình, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống, ông Võ Minh Sơn cho biết, năm 1997, gia đình ông Lô Văn Xuyến được giao Sổ lâm bạ với diện tích hơn 70 ha, nhưng sau này khu vực Piêng Lắc đều đưa vào rừng phòng hộ thuộc Khu BTTN Pù Huống quản lý. Nhiều năm trước đây, đây là khu vực chăn thả trâu, bò của người dân trong vùng. Đến thời điểm quy hoạch trồng rừng thay thế, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống cùng chính quyền đã phải dày công tuyên truyền mới vận động được nhân dân di chuyển đàn trâu, bò chăn thả ở khu vực khác. Thậm chí, Ban đã phải đầu tư kinh phí đào gần 1.000m hào để ngăn trâu, bò.

bna-trong-rung-thay-the-16-nhat-lan-5412.jpg
Một khoảnh rừng keo của ông bà Lô Văn Xuyến, Vi Thị Phiên. Ảnh: Nhật Lân

Về gia đình ông Lô Văn Xuyến, khi nghe giải thích thì rất quyết tâm, ủng hộ công tác trồng rừng thay thế của Ban. Đối với rừng cây keo, nguyện vọng của ông Lô Văn Xuyến là chính đáng. Rừng keo đã 7 năm tuổi, đã đến kỳ khai thác. Tuy nhiên, theo quy định thì chưa được khai thác, vì vậy Ban đang phối hợp với chính quyền địa phương tìm cách từng bước tháo gỡ.

“Năm 2023, Ban đã thực hiện công tác kiểm kê rừng, để năm nay sẽ lập hồ sơ khai thác theo quy định của rừng phòng hộ, mà theo đó sẽ được khai thác 20%. Ban rất trăn trở trước nguyện vọng của gia đình ông Xuyến, nhưng trong phạm vi Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống quản lý cũng đang có những trường hợp gần như tương tự, cần giải quyết đồng bộ. Sau khi rà soát, Ban cũng thấy đang có nhiều những bất cập, có tình trạng chồng lấn. Mà cụ thể là người dân định canh định cư đã lâu trên đất rừng phòng hộ, thậm chí có những hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước thực tế này, Ban cũng đã có đề xuất xin chuyển ra khoảng 290ha đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất…” - Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống Võ Minh Sơn trao đổi.

Tin mới