V-League, CEO Trần Anh Tú và những chuyển động đầu tiên

(Baonghean.vn) - Dưới sự chèo lái của CEO Trần Anh Tú, người ta thấy V-League đang có những bước chuyển biến đầu tiên. Cỗ máy VPF dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Tú đang gồng hết công suất để chuẩn bị cho mùa giải mới sắp khai trương.

Những bước đi đầu tiên của CEO Tú cho thấy, những lo ngại bầu Tú sẽ nghiêng về đại diện phần vốn của VFF, cổ đông góp vốn lớn nhất (35,4%) tan biến. Những năm tháng lăn lộn với futsal khiến cho ông bầu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.Hồ Chí Minh (HFF) và còn là Ủy viên Thường trực VFF thấu hiểu được vai trò của VPF lẫn CLB tại sân chơi V-League.

Không hạ giá V-League

Nam Định công bố nhà tài trợ trang phục VNAsport. Ảnh: Dũng Nguyễn
Nam Định công bố nhà tài trợ trang phục VNAsport. Ảnh: Dũng Nguyễn
Mùa giải V-League sắp khai mạc, bị nhà tài trợ Toyota “ép giá” nhưng CEO Tú không hề nao núng. Ông cho rằng một khi Toyota đã dám đổ vào Thai League với bản hợp đồng tài trợ trị giá 5 triệu USD/mùa (khoảng 110 tỷ đồng/mùa) nhưng lại ép VPF con số thấp hơn 2 triệu USD/mùa tài trợ chính cho V-League là không thể chấp nhận được.
Có thể vẫn còn bạo lực sân cỏ, những tiếng “còi lạ”, pháo sáng trên khán đài…nhưng V-League không thể có cách biệt quá xa với Thai League như thế. Đó là một quyết định dũng cảm và CEO Tú đã thể hiện bản lĩnh, sự tự tin của một doanh nhân lớn có nhiều kinh nghiệm đàm phán các hợp đồng tài trợ lớn.
Việc NutiFood Việt Nam đã trở thành nhà tài trợ chính 3 mùa giải (2019-2020) được coi là dấu ấn lớn của bầu Tú trên cương vị CEO. Giá trị tài trợ không được công bố nhưng CEO Tú cam đoan nó sẽ không thấp hơn gói Toyota từng tài trợ.

VPF đang làm cho giải vô địch “gần giống chuyên nghiệp” tiệm cận gần hơn với các chuẩn quốc tế, trong phạm vi có thể.

Đến nay, sân bãi và khán đài là điều VPF quyết tâm nâng cấp, sau bài học Quảng Nam vô địch nhưng không được tham dự AFC Champions League. Đến nay, 10/13 sân (CLB Sài Gòn và TPHCM dùng chung sân) đã lắp thêm ghế khu khán đài B, nhiều mặt sân được CLB cải tạo.

Quan tâm đến khán giả

V - League 2018 đang được người hâm mộ chờ đón. Ảnh: Internet
V - League 2018 đang được người hâm mộ chờ đón. Ảnh: Internet
Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến “màu cờ, sắc áo”, các CLB chuyên nghiệp dù to hay bé đều có nhà tài trợ trang phục tập luyện, thi đấu. Đây cũng là nguồn thu quảng cáo chính của CLB mà lâu nay các đội dự V-League lãng quên. Hiện nay, 12/14 CLB có nhà tài trợ áo thi đấu (trừ S.Khánh Hòa, Đà Nẵng) ngay cả đội bóng mới lên hạng Nam Định cũng đã có VNAsport.
Chuỗi cửa hàng bán áo thi đấu thuộc Cty Cổ Phần Thể Thao Nam Định tại sân Thiên Trường và các đại lý nhượng quyền phân phối áo đấu và vật lưu niệm của bóng đá Nam Định đang được thành lập. HAGL HAGL cũng trong quá trình đàm phán với các thương hiệu Nhật như Sport Planning hoặc Soccer thay cho Mizuno.

Để quảng bá hình ảnh CLB, cầu nối khán giả với BHL, cầu thủ VPF đã yêu cầu các đội bóng lập fanpage và cử người quản lý. Thậm chí, CLB chậm trễ thì VPF còn cử cán bộ “làm hộ”, đến nay 13/14 CLB có fanpage chính thức (trừ Đà Nẵng).

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa bóng đá gần hơn khản giả, bầu Tú không giấu tham vọng sẽ lôi được trung bình 10.000 khán giả/trận như thời đỉnh cao V- League 2009. VPF sẽ đẩy mạnh công tác quản lý các hội CĐV, xem đây là hạt nhân trong việc quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam. Ngoài các phần thưởng tháng, quý thì VPF khuyến khích các CLB có nhiều hình thức bán vé, tổ chức giao lưu với các cầu thủ, rút thăm may mắn…để tạo không khí sôi động trước, trong và sau trận đấu.

Sau thắng lợi của U23 VN tại Trung Quốc, bóng đá Việt Nam đang có hiệu ứng tích cực, lãnh đạo Chính phủ quan tâm nhiều đến sự phát triển môn thể thao Vua, khán giả hồ hởi. Đây chính là thời cơ để VFF, VPF nhanh chóng cải tổ sân chơi V- League 2018, đẩy nó lên một tầm cao mới.                                                                               

Tin mới