Vai trò phụ nữ gia tăng trong các tổ chức khủng bố

(Baonghean.vn) - Trong một báo cáo với nhan đề “Phụ nữ Thánh chiến” do Cơ quan Tình báo Hà Lan (AIVD) công bố ngày 17/11, các phụ nữ thánh chiến trong nhiều trường hợp thề trung thành với các tổ chức thánh chiến tương tự như đàn ông, và không nên đánh giá thấp vai trò của họ.

Vai trò phụ nữ gia tăng trong các tổ chức khủng bố. Ảnh: AP
Vai trò phụ nữ gia tăng trong các tổ chức khủng bố. Ảnh: AP

Tính tới tháng 11/2017, có khoảng 100 phụ nữ tại Hà Lan đã thề trung thành với hệ tư tưởng thánh chiến, và ít nhất 80 phụ nữ từ Hà Lan đã tới Syria và Iraq kể từ năm 2012. Hầu hết họ đều gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và một nhóm nhỏ hơn có tên gọi Haqat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh của al-Qaeda tại Syria.

Báo cáo trên cho biết: “Chưa bao giờ có số lượng lớn phụ nữ Hà Lan tham gia vào chiến trường thánh chiến như vậy”. Báo cáo lưu ý với việc số lượng các tay súng suy giảm ngày càng lớn, IS đang tìm kiếm các cơ hội mới, và thời gian gần đây còn cho phép phụ nữ đóng vai trò tích cực và bạo lực hơn.

Trước đó, IS và al-Qaeda nhất quyết không cho phép phụ nữ tiến hành các cuộc tấn công. Báo cáo có đoạn viết: “Nếu tình hình này tiếp diễn, các phụ nữ thánh chiến tại các khu vực xung đột và tại Hà Lan có thể gây ra mối đe dọa bạo lực lớn hơn. Trong vòng 2 năm trở lại đây, một lượng lớn phụ nữ thánh chiến tại châu Âu đã âm mưu tiến hành một cuộc tấn công”.

Ngày càng nhiều phụ nữ bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến. Ảnh: Getty
Ngày càng nhiều phụ nữ bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến. Ảnh: Getty

Cơ quan tình báo Hà Lan cũng cảnh báo mối đe dọa mà phụ nữ thánh chiến gây ra đối với Hà Lan thông qua việc chiêu mộ những thành viên khác, sản xuất và phát tán tờ rơi tuyên truyền khủng bố, và quyên tiền cho cuộc chiến của các phần tử thánh chiến.

Hơn thế nữa, những phụ nữ này còn tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến cho con cái của chúng. Đối với những người mới trở về hoặc sắp trở về từ các khu vực xung đột, AIVD nhấn mạnh họ khác với những người trở về trước năm 2017, bởi những người này đã ở Syria hoặc Iraq trung bình 3 năm, dài hơn nhiều so với những người trở về trước năm 2017.

Báo cáo cho biết thêm: “Những phụ nữ này đã “tiếp xúc” với bạo lực trong thời gian dài hơn, và đã xây dựng một mạng lưới thánh chiến quốc tế. Một số lượng đáng kể có thể sẽ duy trì hệ tư tưởng thánh chiến và các kênh liên lạc sau khi trở về Hà Lan”./.

Lan Hạ

(Theo THX)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới