Vi phạm có hệ thống

(Baonghean) - Bài viết “Một số cửa hàng xăng dầu ở Tương Dương: “Móc túi” người tiêu dùng” đăng trên báo Nghệ An số ra ngày 18/3/2013, chúng tôi đã phản ánh việc các cửa hàng xăng dầu khu vực xã Yên Na, Yên Tĩnh… thường xuyên tự ý nâng giá bán so với quy định. Không những thế, qua xác minh tại Công ty Xăng dầu Nghệ An, chúng tôi được biết thêm các cửa hàng xăng dầu này xâm phạm nhãn hiệu bản quyền của Petrolimex...

-->> Một số cửa hàng xăng dầu ở Tương Dương “Móc túi” người tiêu dùng

Từng bị xử phạt

Cửa hàng Xăng dầu Việt Tâm thuộc Công ty TNHH một thành viên Việt Tâm tại bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh đã từng bị Chủ tịch UBND huyện Tương Dương ra Quyết định số 56/UBND-CT ngày 31/1/2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại với mức 20 triệu đồng vì "Tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm đầu mối quy định".

Theo biên bản kiểm tra của đoàn công tác liên ngành huyện Tương Dương lập hồi 10 giờ ngày 16/1/2013, đoàn liên ngành đã kiểm tra Cửa hàng Xăng dầu Việt Tâm (người đại diện cơ sở kinh doanh là bà Đậu Thị Thanh Tâm) với các nội dung về: thủ tục giấy tờ kinh doanh xăng dầu; kiểm tra dụng cụ đo lường chất lượng; kiểm tra các điều kiện về kinh doanh xăng dầu và kiểm tra điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Kết quả kiểm tra là: phương tiện đo lường đảm bảo; thủ tục giấy tờ kinh doanh chưa có; giá xăng tại thời điểm kiểm tra là 23.810 đồng.

Ngày 21/1/2013, căn cứ kết quả kiểm tra, tại phòng Công Thương huyện Tương Dương, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương xã Yên Tĩnh, đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm đối với chủ Cửa hàng Xăng dầu Việt Tâm với nội dung: Giá xăng bán ra lệch so với giá quy định 23.810 đồng/lít - 23.610 đồng/lít = 200 đồng. Như vậy, bà Đậu Thị Thanh Tâm đã vi phạm Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 104/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu.

Cũng trong đợt kiểm tra về chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đoàn công tác liên ngành huyện Tương Dương đã phát hiện Cửa hàng Xăng dầu tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền (đại diện cơ sở kinh doanh là ông Đặng Văn Chung) có các vi phạm: chưa có giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo hết hạn; chưa có giấy phép xây dựng. Ngày 31/1/2013, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã ra Quyết định số 55/QĐ-UBND-CT xử lý vi phạm hành chính đối với cửa hàng xăng dầu này với mức phạt 20 triệu đồng.

Tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, hồi 16g30 ngày 28/1/2013, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, thành viên đoàn liên ngành đã phát hiện cơ sở này niêm yết giá bán hiển thị trên đồng hồ đo là 23.960 đồng/lít, nâng giá bán so với quy định 350 đồng.

Xâm phạm nhãn hiệu

Các cửa hàng xăng dầu tại 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh đều treo biển mang biểu trưng chữ P màu vàng cam, viền trắng trên nền xanh lam, nên chúng tôi cho rằng đây là các đại lý của Công ty Xăng dầu Nghệ An. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Khi xem bức ảnh chúng tôi chụp Cửa hàng Xăng dầu Việt Tâm với biển hiệu có chữ P, hai bên có các dòng chữ “Trách nhiệm văn minh tri thức”, “An toàn chất lượng hiệu quả”, đại diện của Công ty Xăng dầu Nghệ An, ông Cao Viết Đông - Trưởng phòng Kinh doanh xăng dầu đã khẳng định cửa hàng này không phải đại lý của công ty, và biển hiệu treo trên đó là xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ. Theo ông Cao Viết Đông, tại Tương Dương, Công ty Xăng dầu Nghệ An có 7 đại lý, nhưng tuyệt đối tuân thủ giá bán lẻ theo quy định; việc một số cửa hàng xăng dầu nơi đây sử dụng nhãn hiệu, dấu hiệu nhận diện thương hiệu Petrolimex đã gây nhầm lẫn cho khách hàng, người tiêu dùng, báo chí… ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh của Petrolimex.
 
Cũng theo ông Đông, các cửa hàng xăng dầu tự ý nâng giá bán là sai quy định. Những trường hợp như vậy, nếu thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh thì sẽ yêu cầu bán đúng giá và có niêm yết giá; nếu tái diễn sẽ thanh lý hợp đồng, không cho làm đại lý nữa.

Sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh

Ngày 18/3/2013, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Công Thương huyện Tương Dương. Theo ông Hải, huyện đã có hình thức xử lý đối với những cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, vì ở xa trung tâm nên vẫn có một số cửa hàng tiếp tục tái diễn vi phạm. “Chúng tôi sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng tái diễn lỗi phạm tự ý nâng giá bán” - ông Nguyễn Văn Hải nói. Cũng theo ông Hải, lực lượng quản lý thương mại của huyện Tương Dương quá mỏng, trong khi đó, Đội quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường (đơn vị có chức năng kiểm tra xử lý vi phạm thương mại) lại đóng ở huyện Đô Lương nên gặp khó trong công tác quản lý thương mại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Thiết nghĩ, xăng dầu là một mặt hàng có có khung giá của Chính phủ quy định. Vậy nên, hơn ai hết, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm tham gia quản lý giá bán xăng dầu trên địa bàn. Nếu để xẩy ra tình trạng tự ý nâng giá bán, ngoài việc xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cần phải quy trách nhiệm những người đứng đầu của chính quyền cơ sở. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Điều 13, Nghị định 104/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về niêm yết giá bán và giá bán lẻ xăng dầu:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;
b) Bán sai giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc niêm yết giá đúng quy định đối với vi phạm tại Điểm a, Khoản 1 điều này;
b) Buộc nộp lại ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 điều này.

Nhóm PV

Tin mới