Vỉa hè dưới 3 mét gần như 'mất hút'

(Baonghean.vn) - Đó là thực trạng trên nhiều tuyến đường ở TP Vinh khi vỉa hè bị người dân lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Gần 1 tháng thành phố ra quân giành vỉa hè, nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn xảy ra hàng ngày.

Theo thống kê sơ bộ thành phố Vinh hiện có 41 tuyến phố dịch vụ, thương mại có vỉa hè rộng trên 3m và đã được kẻ vạch phân định ranh giới.

Tuy nhiên nhiều tuyến đường, vỉa hè dưới 3 mét không kẻ vạch sơn vẫn bị lấn chiếm "trọn vẹn". Trong khi đó, theo quy định những tuyến đường này không cho phép phương tiện, biển bảng kinh doanh để trên vỉa hè.

Vỉa hè lấn chiếm. Ảnh: Quang An
Vỉa hè nhỏ hẹp tại đường Phường Hoàng, phường Trung Đô (TP Vinh) trở thành nơi buôn bán và để vật dụng sinh hoạt gia đình, che hết lối của người đi bộ. Ảnh: Quang An

Đối với những vỉa hè rộng trên 3 mét, thành phố Vinh đã thực hiện kẻ vạch sơn phân định ranh giới cho người đi bộ và phần để xe đạp, xe máy.

Có những tuyến phố, vỉa hè rộng trên 6m kẻ vẽ phần để xe máy, xe đạp rộng 2 m phía nhà dân, phần còn lại dành cho người đi bộ. Đối với các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 4 - 6m, kẻ về phía nhà dân 2 - 3m, phần còn lại dành cho người đi bộ. Đồi với vỉa hè rộng từ 3m - 4m, kẻ vẽ phần để xe máy, xe đạp rộng 1 - 2m về phía nhà dân, phần dành cho người đi bộ là 2m.

Một số tuyến đường có nhiều quán hàng kinh doanh, mua bán nhưng không có vạch sơn phân định trên vỉa hè như đường Phượng Hoàng, Hermann Gmeiner, Nguyễn Viết Xuân… tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra thường xuyên.

Tình trạng chủ yếu là người dân để xe kín cả vỉa hè, tràn xuống lòng đường; hàng hóa và biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến người đi bộ và tầm nhìn của các phương tiện. 

Vỉa hè lấn chiếm. Ảnh: Quang An
 Tại đường Hermann Gmeiner, vỉa hè bị chiếm hết, người dân còn để xe máy tràn xuống lòng đường. Ảnh: Quang An

Chị Nguyễn Thị Vân ở phường Hưng Dũng cho biết : “Con đường Nguyễn Viết Xuân tại phường Hưng Dũng hàng ngày có rất đông người qua lại, trong đó chủ yếu là các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Do không có vạch sơn phân định nên tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến, người đi bộ chẳng còn lối đi”.

 Đa số các chủ cửa hàng đều cho biết do không được kẻ vạch sơn nên họ không biết phần nào của vỉa hè được phép sử dụng, phần nào dành cho người đi bộ.

Vỉa hè lấn chiếm. Ảnh: Quang An
Biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè và tràn xuống lòng đường Nguyễn Viết Xuân - phường Hưng Dũng. Đây là tuyến đường có nhiều hộ buôn bán nhưng không có vạch phân định trên vỉa hè. Ảnh: Quang An

Theo Ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi: "Ngoài các tuyến đường có vỉa hè trên 3m đã được kẻ vạch sơn thì phường có 23 tuyến đường có vỉa hè nhỏ hẹp, không kẻ vạch sơn, tình trạng lấn chiếm và tái chiếm trên những tuyến này diễn ra phức tạp. Tuy phường đã tăng cường nhân lực thường xuyên tuần tra để ngăn chặn nhưng tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra".

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Vinh cho biết: "Ngoài 41 tuyến đường có vỉa hè trên 3m được kẻ vạch sơn phân định thì TP. Vinh không kẻ vạch trên các tuyến phố chính và các tuyến phố có chiều rộng vỉa hè dưới 3m. Với những vỉa hè nhỏ hẹp, nếu kẻ vạch cho để xe máy, xe đạp thì sẽ không còn cho người đi bộ. Do đó, tại những vỉa hè này thường xảy ra tình trạng tái chiếm hơn các tuyến vỉa hè rộng lớn. Các địa phương cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc để tạo thành nếp sống văn minh chấp hành luật pháp cho người dân".

Quang An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới