Việc khiếu nại ở khối 3, TT. Kim Sơn (Quế Phong): Giải quyết không đạt lý, lại thiếu tình

(Baonghean) - Gửi đơn đến Báo Nghệ An, ông Trần Ngọc Ái cho rằng, đất ở của gia đình ông bị hộ gia đình liền kề lấn chiếm; bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình ông của UBND huyện Quế Phong chưa đảm bảo chính xác.

Có phải vì “bảo vệ” cán bộ?

Ông Trần Ngọc Ái viết trong đơn, vào năm 1978, khi lên huyện Quế Phong công tác ở Đoàn Địa chất số 3, ông đã tổ chức khai hoang mảnh đất ở hiện nay tại K3, TT. Kim Sơn.

Năm 2001, mảnh đất ở của ông được cán bộ địa chính các cấp kiểm tra, đo đạc đưa vào hồ sơ kỹ thuật; được Sở TN&MT công nhận tại hồ sơ đất đai của huyện Quế Phong với số thửa đất 43, tờ bản đồ số 3, số hiệu 170489-3b, khối 3, TT. Kim Sơn - Quế Phong ngày 20/7/2001.

Khu vực tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình ông Trần Ngọc Ái và gia đình ông Lương Văn Khuê là tại vị trí tường rào xây dở.
Khu vực tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình ông Trần Ngọc Ái và gia đình ông Lương Văn Khuê là tại vị trí tường rào xây dở.

Năm 2005, ông Trần Ngọc Ái thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất và tách đất cho 3 người con. Dù giai đoạn này, ông chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất nhưng hồ sơ liên quan đã được chính quyền TT. Kim Sơn công nhận. Cũng trong năm 2005, Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 48, gia đình ông Ái thuộc đối tượng bị thu hồi đất và đã nghiêm túc chấp hành.

Sau hơn 10 năm xin cấp giấy chứng nhận QSD đất, đến tháng 6/2016, ông tiếp tục công việc này và đã nộp lệ phí và trước bạ lần 2 trên 22,1 triệu đồng để được UBND huyện Quế Phong cấp giấy chứng nhận QSD đất. Tuy nhiên sau đó, ông Ái nhận thấy có một số nội dung trên giấy chứng nhận QSD đất không chính xác với mảnh đất mình đã và đang quản lý sử dụng. Vì vậy, từ ngày 15/8/2015, ông có ý kiến đến Phòng TN&MT và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện.

Nhưng kiến nghị của ông không được các phòng, ban này xem xét giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, đến tháng 1/2016, giữa gia đình ông Ái và gia đình ông Lương Văn Khuê phát sinh mâu thuẫn đất đai. Gia đình Khuê có hành vi xây tường rào chồng lấn lên đất; và chặt cây làm vỡ ngói nhà. Dù gia đình ông Ái đã ngăn cản nhưng gia đình ông Khuê sau đó vẫn tái diễn hành vi lấn chiếm. Chính quyền TT. Kim Sơn đã xuống giải quyết, công nhận việc ông Khuê lấn chiếm là đúng, không chỉ vậy còn đo đạc cho đất ông này chồng lấn sang thêm 0,7m. 

Ông Ái đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét căn cứ hồ sơ qua các thời kỳ xác định lại. Tuy nhiên nhận được câu trả lời: UBND thị trấn không lưu giữ hồ sơ cũ (?). Trước sự việc này, ông Trần Ngọc Ái đặt ra nghi vấn, từ ngày nhận được giấy chứng nhận QSD đất đến nay, đã hơn 1 năm ông có kiến nghị nhưng không được xem xét giải quyết thỏa đáng; trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy đã bao che cho việc làm của ông Lương Ngọc Khuê. Liệu có phải vì ông Khuê là cán bộ huyện hay không?

Làm việc với PV, ngoài cung cấp những giấy tờ đất đai có liên quan, ông Trần Ngọc Ái nói: “Tôi mong muốn việc được giải quyết êm đẹp để gìn giữ tình nghĩa xóm giềng; từng thuận theo sự hòa giải của chính quyền huyện. Thế nhưng gia đình anh Khuê cứ được đà lấn tới, hết lần này lượt khác có hành vi lấn chiếm. Anh ấy là cán bộ, sau này mới mua đất về sinh sống tại đây nhưng có những hành xử không đúng mực; trong khi các cơ quan của huyện, thị trấn lại giải quyết chưa thấu tình đạt lý nên tôi đành phải gửi đơn xuống các cơ quan cấp tỉnh và Báo Nghệ An…”.

Cần căn cứ hồ sơ!

Để làm rõ vấn đề khiếu nại đất đai của ông Trần Ngọc Ái, chúng tôi đã đề nghị UBND TT. Kim Sơn cho được làm việc với những người trực tiếp làm công tác đất đai. Theo ông Phan Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND TT. Kim Sơn, khi xảy ra sự việc tranh chấp đất đai của hai gia đình ông Trần Ngọc Ái và ông Lương Văn Khuê, thị trấn đã làm công tác hòa giải, kiểm tra đo đạc lại đất của hai gia đình và xử lý đơn theo thẩm quyền. Hiện nay, việc xử lý thuộc thẩm quyền cấp huyện.

Bởi tại hồ sơ đất đai mà ông Trần Ngọc Ái cung cấp, giữa hồ sơ kỹ thuật thửa đất năm 2001, 2005 với giấy chứng nhận QSD đất năm 2015 có nhiều điểm khác biệt ngay đoạn giáp ranh với hộ gia đình ông Lương Văn Khuê (về chiều dài đường giáp ranh, các điểm gấp khúc…), vậy nên chúng tôi đề nghị cán bộ địa chính thị trấn Kim Sơn làm rõ. Ban đầu, theo ông Lê Hồng Kiên - cán bộ địa chính cho rằng, cơ bản không có sự khác biệt; và lý giải giữa hai gia đình từng có sự hoán đổi đất. Tuy nhiên, khi yêu cầu đưa ra những căn cứ có tính pháp lý cho sự “hoán đổi đất” thì UBND thị trấn Kim Sơn không có.

Chỉ đến khi mở hồ sơ kỹ thuật hai thửa đất của gia đình các ông Trần Ngọc Ái và Lương Văn Khuê mà thị trấn lưu giữ ra đối chiếu thì ông Lê Hồng Kiên mới công nhận là giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 2015 của hộ ông Trần Ngọc Ái có sự biến dạng. Ông Lê Hồng Kiên lý giải: “Tôi từ xã Nậm Giải (Quế Phong) về làm cán bộ địa chính thị trấn năm 2015. Khi đó, việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ông Trần Ngọc Ái đã được thực hiện.

Thực tế, trong việc cấp giấy chứng nhận QSD đất, cán bộ thị trấn chỉ thực hiện việc hướng dẫn cho công dân làm các thủ tục hồ sơ và thực hiện việc dẫn đạc. Còn về kỹ thuật và đo đạc là thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Khi ông Ái có đơn, tôi đã kiểm tra và nhận thấy hồ sơ kỹ thuật có chỗ chưa chuẩn xác và đã trao đổi điều này với lãnh đạo thị trấn…”.

Sơ đồ kỹ thuật thửa đất năm 2001 của ông Trần Ngọc Ái.
Sơ đồ kỹ thuật thửa đất năm 2001 của ông Trần Ngọc Ái.

Trao đổi với vị đại diện UBND huyện Quế Phong được biết, UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo huyện xử lý nội dung ông Trần Ngọc Ái khiếu nại. Ngày 10/11/2016, UBND huyện Quế Phong đã có Công văn số 1172/UBND-VP giao Phòng TN&MT kiểm tra, qua đó tham mưu việc trả lời công dân. Theo ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện, để xử lý nội dung này, huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT thực hiện kiểm tra, rà soát lại hồ sơ đất đai các thời kỳ để lấy đó làm căn cứ xem xét.

Nhưng ông Giáp cũng nhận định, đất đai có thể biến động về diện tích do phương pháp đo đạc của từng thời kỳ khác nhau; tuy nhiên, các điểm tiếp giáp, ranh giới thể hiện trên hồ sơ kỹ thuật là không thay đổi. Và đây là điểm mấu chốt để xác định đúng, sai. Ông Lê Văn Giáp nói rằng: “Thực ra thì chúng tôi đã có hướng để giải quyết sự việc đảm bảo thấu tình đạt lý. Tôi cũng đã nói với cán bộ của mình (ông Lương Văn Khuê - PV), làm cán bộ, điều đầu tiên phải giữ gìn cho được mối quan hệ với nhân dân. Cán bộ của tôi cũng đã nhận thức được điều này…”.

Qua nắm bắt các thông tin liên quan, thấy rằng quan điểm xử lý sự việc theo hướng của ông Lê Văn Giáp là hợp lý. Thực tế qua nghiên cứu hồ sơ đất đai năm 2001 của ông Ái và UBND thị trấn Kim Sơn cung cấp, không quá khó để thấy bản vẽ kỹ thuật thửa đất tại Giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình ông Trần Ngọc Ái là chưa chính xác. Về thực trạng của bức tường mà ông Lương Ngọc Khuê đang xây dựng dang dở, cũng không đúng như đường tiếp giáp giữa hai gia đình được thể hiện tại hồ sơ kỹ thuật năm 2001.

Đây là điều mà các cán bộ Phòng TN&MT huyện Quế Phong cần lưu tâm khi kiểm tra để có câu trả lời đảm bảo chính xác việc khiếu nại cho công dân. Suy cho cùng, sự việc là không lớn, hậu quả để lại là chưa nghiêm trọng. Mấu chốt vấn đề chỉ là do cách giải quyết mẫu thuẫn từ bên phía gia đình ông Lương Văn Khuê không đạt lý, lại thiếu tình nên đã dẫn đến việc đơn thư của công dân. Là cán bộ trưởng phòng cấp huyện, cá nhân ông Lương Văn Khuê cần phải rút ra bài học cho bản thân mình./.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới