Vĩnh biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: 'Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hôm nay hầu hết các báo đều đưa tin chị mất. Và Facebook các nhà văn,nhà thơ cũng đều đưa. Thì đã bảo, chị tốt tới mức không ai có thể cầm lòng. Chị tốt tới ngây thơ, tới vụng dại, tốt với cả người... không tốt.

Ở Huế, thời tôi học đại học, đang còn Bình Trị Thiên ấy, có hai nhà thơ nữ rất nổi tiếng, đều là người Quảng Bình, là chị Lê Thị Mây và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Bọn sinh viên Văn chúng tôi tranh thủ mọi nơi mọi lúc có thể để được gặp các thần tượng, dù hồi ấy khái niệm thần tượng nó chưa như bây giờ.

Thần tượng của chúng tôi vẫn ăn mặc xuề xòa, đi làm, đi chợ, cũng tất tả long đong trong cái thời bao cấp ấy.

Hồi ấy chị nổi danh với “Khoảng trời hố bom”. Bất cứ ai đã yêu thơ, học văn học Việt Nam đều biết bài này. Nên cái việc được gặp tác giả bằng xương bằng thịt nó mới háo hức làm sao?

Một hôm, trước khi thi tuyển đầu vào đại học tại chức lớp văn, tôi đi qua phòng học của tôi nhưng sẽ là địa điểm thi, thấy có dán cái danh sách thí sinh, tôi đọc, và không tin vào mắt mình, có tên Lâm Thị Mỹ Dạ. Lớp tôi có mấy bạn được chọn đi làm giám thị hành lang hay bảo vệ gì đấy cho kỳ thi này, và tôi ghen với may mắn của họ.

Hôm sau cứ lởn vởn ở đấy xem thần tượng của mình đi thi, nhưng chị đi thi có buổi đầu rồi thôi.

Sau đấy biết chị bỏ thi ở đây để đi học đại học viết văn Nguyễn Du, khi ấy tuyển toàn các cây bút cự phách, đã thành danh rồi, đi học là cái cớ để nuôi dưỡng cảm xúc, và lấy bằng về phục vụ việc bố trí công tác.

img20230706164229-16886368100631068726607.jpg
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (1949 - 2023). Ảnh chụp khoảng năm 1989-1990, lúc bà 40 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tôi chính thức được gặp chị, nói chuyện với chị và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, chồng chị, là lần về Huế, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rủ: Tới nhà Tường - Dạ nhậu!

Cả cuộc nhậu hôm ấy chỉ anh Tường nói, anh Tạo chuyên chiếm diễn đàn ở tất cả mọi cuộc ngồi, nhưng trước anh Tường, cũng... ngồi im.

Thì tôi lại thấy chị Dạ ở một góc khác, góc... vợ.

Xăm xắn, nhẹ nhàng, tất bật, dù cuộc ấy chỉ có mấy người. Chị chạy lên chạy xuống, lúc thêm ớt, khi thêm nước mắm, hoặc mấy củ kiệu. Huế nghèo, bao cấp càng nghèo, văn sĩ lại càng rất nghèo. Ngồi với nhau mà có chai rượu Chuồn, rượu Hiếu với mấy củ kiệu muối là vui như tết. Huống gì hôm ấy có nồi cháo, tôi không nhớ là cháo gì, chị Dạ nâng niu múc cho mỗi người một tô nhỏ, riêng tô tôi chị múc đầy tú ụ: Hùng ăn đi, tận Tây Nguyên về, tội chưa tề, ăn đi, để ổng nói! Cuộc ấy ra về chị tặng tôi tập thơ “Chuông vú” của con gái chị, khi ấy là em bé Lim mới 5 tuổi, tên thật là Hoàng Dạ Thi.

img20230706164227-16886368100561037210132.jpg
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ảnh chụp năm 1973. Ảnh: Gia đình cung cấp

Mà đúng là, ở Huế, cuộc nào có anh Tường là cuộc ấy nghe anh Tường nói. Tới nhà anh gặp mệ, hỏi anh Tường đi mô rồi mệ, mệ nói: Ổng đi... noái rồi, tức là đi nhậu! Nhưng mà, ngồi nghe anh Tường nói nó sướng vô cùng, bởi rất nhiều hàm lượng tri thức. Có thể nói bụng anh Tường là một kho tri thức. Chắc chị Dạ cũng được tiếp thêm cả năng lượng và tri thức từ anh Tường.

Có lần ở nhà một anh bạn, tôi trực tiếp làm món tiết canh vịt. Một con vịt chéo cánh tôi làm 5 đĩa mỏng, anh Tường ngạc nhiên lắm: Ôông ni tài hè, răng đánh được nhiều rứa. Hôm ấy anh nói về tha hương, rằng trên thế giới có 2 tộc người rất lạ, là làm chi thì làm, ở đâu thì ở, nhưng hàng năm vẫn đều tìm cách về thăm quê, luôn luôn đau đáu với quê, là dân Palestin và dân... Huế!

Rồi anh Tường đột quỵ. Một tay chị Dạ chăm anh, tới giờ là 25 năm rồi. Không chỉ chăm sóc thông thường. Bởi chị còn chép cho anh. Không viết được, anh đọc cho chị chép. Nhiều tác phẩm của anh ra đời bằng tay của chị như thế.

Rồi chị bị bệnh Alzheimer.

Lại nhớ năm nào đấy, tôi ra Hà Nội dự cuộc họp cuối năm của Hội Nhà văn. Gặp chị Dạ, mừng quá xông lại chào rồi ôm chị. Nhưng lạ quá, chị cứ ngơ ngẩn thế. Lúc ấy tôi mới biết, mấy chị em văn nữ ở TP HCM thương chị, đưa chị đi họp ở Hà Nội để chị gặp lại bạn bè một thuở với tư cách thành viên ban nhà văn nữ. Để đi được, các chị phải phân công nhau rất cụ thể rồi cam đoan với con gái chị sẽ đưa chị đi tới nơi, về tới chốn.

Nhiều người gặp chị, buồn quá, có người khóc. Tôi cũng rất buồn, cố nói chuyện với chị, nhắc lại bao chuyện, nhưng chị hầu như không nhớ gì, có cảm giác, trong óc chị lúc ấy là mênh mông khoảng tối, như một em bé con.

images637927_IMG_8328.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nếu chọn 5 nhà văn nữ Việt Nam được nhiều người yêu mến nhất, chắc chắn có chị. Mà chọn 2, tôi cũng chọn chị. Chị sống tốt tới... dễ sợ (tiếng Huế để chỉ những gì vượt quá bình thường). Giai thoại về chị rất nhiều, nhưng chuyện này đúng với chị nhất: Đi theo đoàn du lịch ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc, vào các cửa hàng bán đồ, nghe nhân viên giới thiệu xong, mọi người quay ra, riêng chị nán lại để mua đồ cho họ. Dù rất nhiều người dặn chị là đừng có mua, nhưng chị bảo, người ta mất công giới thiệu mà không mua tội người ta. Khi về, hàng hóa của chị nhiều nhất dù chị không giàu, hai vợ chồng nhà thơ thì làm sao mà giàu, dù anh Tường cũng chịu khó viết báo. Thế là anh em trong đoàn phải chia nhau mang giúp. Nhưng điều này mới đáng nói: Đa phần những đồ mua về ấy là không xài được.

Anh Tường giờ cũng rất nặng rồi. May anh chị có con gái và con rể rất hiếu thảo. Họ chăm sóc anh chị rất kỹ. Hôm nay hầu hết các báo đều đưa tin chị mất. Và Facebook các nhà văn,nhà thơ cũng đều đưa. Thì đã bảo, chị tốt tới mức không ai có thể cầm lòng. Chị tốt tới ngây thơ, tới vụng dại, tốt với cả người... không tốt.

Thơ chị thì cứ neo vào chúng ta, vào người đọc những dịu dàng và chân thành, những đằm thắm và dịu ngọt, những chia sẻ và vị tha: “Đàn bà làm thơ trăm cái khổ/ Thẩm vào trong như cát chẳng thấy gì/ Thẩm vào hết/ Thấm vào cho oà vỡ/ Cảm xúc thơ/ Nức nở phận mây, tơ.../ Đàn bà làm thơ trăm cái khổ/ Thẩm vào trong như cát chẳng thấy gì/ Góc khuất nào người đời không thấu được/ Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi...”.

Viết thế, nhưng gặp chị, luôn thấy sự dịu dàng tốt bụng, luôn thấy chị niềm nở, chân thành...

Giờ chị mang cả sự dịu dàng, niềm nở, tốt bụng và chân thành ấy ra đi. Mà câu thơ chị viết cho bạn thơ Nha Trang hồi nào lại như vận vào mình: “Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi”...

Vĩnh biệt nhà thơ tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ. Mong chị nhẹ chân đi về phía có khoảng trời trong veo ấy.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Bà qua đời vào rạng sáng 6/7 tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian bệnh Alzheimer.

Lễ viếng nhà thơ bắt đầu từ 15 giờ chiều 6/7; lễ tiễn biệt diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 9/7. Linh cữu quàn tại chung cư Samland (lầu 10, phòng 5), 178/6 Nguyễn Văn Thương, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tin mới