Vùng cao chủ động giữ giống khi không còn chính sách lúa lai

(Baonghean) - Ở vùng cao, trước khi thu hoạch lúa, bà con chọn những đám ruộng chín vàng, hạt chắc, gặt về tuốt riêng, phơi khén, giữ khéo vào kho lúa của gia đình để làm giống cho vụ sau. Biết rằng gieo cấy giống lúa địa phương giảm năng suất, sản lượng, nhưng đó là cách chủ động nguồn giống lúa của bà con, khi mà nhà nước không còn chính sách trợ giá giống lúa lai như trước.

Dẫn chúng tôi đến kho lúa của gia đình mình, bà Vi Thị Hà, bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) mở 2 bì đựng lúa giống cất đặt riêng ở góc kho, cho biết: Vụ mùa vừa rồi, gia đình cấy được 4.000 m2 giống lúa địa phương. Khi lúa chín, gia đình chọn gặt những đám bông to, hạt chắc, về dùng máy đạp chân để tuốt, phơi riêng, cất làm giống cho vụ sau. Với 2 bì lúa, khoảng 80 kg, nhưng gia đình chỉ dùng khoảng 15 - 20 kg, số còn lại 60 kg bán cho những hộ không để được lúa giống, hoặc đổi ngang lúa thương phẩm, tạo điều kiện cho họ có giống lúa để cấy.

Bà Hà bộc bạch: Trước đây, nhà nước hỗ trợ giống lúa lai, gia đình không lo khâu giống mỗi khi bước vào vụ gieo cấy, năng suất lúa lai cũng đạt cao, gạo ngon. Trong 2 năm nay, nhà nước không hỗ trợ giống lúa lai nữa thì bà con chủ động cất giống lúa địa phương để gieo cấy, chứ không trông chờ vào nhà nước. Tuy nhiên, được gieo cấy lúa lai thì phấn khởi hơn. Vụ đông xuân, cây mạ thường bị chết, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nên gia đình phải để dự phòng lúa giống với số lượng nhiều. Với 4.000 m2 ruộng, chỉ cần khoảng 10 kg lúa giống là đủ, nhưng gia đình phải trữ thêm 10 kg, đề phòng phải gieo lại lần 2. Đầu tháng Chạp, bà con bắt đầu làm đất gieo mạ để kịp cấy trước Tết Nguyên đán. 

Bà Vi Thị Hà, bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm đang tuốt lúa để làm giống.	Ảnh: X.H
Bà Vi Thị Hà, bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm đang tuốt lúa để làm giống. Ảnh: Xuân Hoàng.

Xã Hữu Kiệm là địa phương có diện tích gieo cấy lúa nước nhiều nhất huyện Kỳ Sơn, với 24 ha, cũng là địa phương áp dụng gieo cấy giống lúa lai sớm nhất huyện. Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Năm 2016, phòng Nông nghiệp huyện thực hiện mô hình sản xuất lúa Thiên ưu 8 tại xã, với diện tích 1 ha, tại bản Na Chảo. Có 7 hộ tham gia mô hình, kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt 4 tấn/ha, chất lượng gạo ngon hơn các giống lúa khác. Xác định giống lúa này phù hợp với địa phương, do vậy, UBND xã giao cho các hộ thực hiện mô hình nộp cho xã 5 kg lúa/hộ (được 35 kg) để xã làm lúa giống, nhân ra diện rộng cho vụ sau. Vì thế, vụ đông xuân này, xã dành 35 kg lúa giống để phát cho 5 hộ khác ở bản Na Lượng 1 gieo cấy. Bằng cách đó, diện tích lúa thuần Thiên ưu 8 sẽ ngày càng mở rộng trên địa bàn.

Vụ xuân này, Hữu Kiệm gieo cấy 24 ha lúa nước, ngoài ra địa phương còn trình UBND huyện cho cấy thêm 4 ha lúa nước, do một số hộ dân ở bản Na Lượng 1 vừa mới khai hoang xong, dự kiến diện tích lúa Thiên ưu 8 sẽ đạt khoảng 15 ha. Hiện nay, xã đang làm đường giao thông vào khu vực đất vừa khai hoang theo tiêu chí NTM, giúp bà con đi lại dễ dàng vào mùa vụ. 

Huyện Kỳ Sơn vụ xuân này gieo cấy 277 ha lúa nước. Định hướng của huyện là, hạn chế mức thấp nhất cây trồng dài ngày, ưu tiên mở rộng diện tích các giống lúa lai: Nhị ưu 986, Kinh sở ưu 1955 ; các giống lúa thuần: Vật tư NA 2, Thiên ưu 8. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của bà con nên hầu hết các hộ dân sử dụng giống lúa địa phương để gieo cấy. Việc bà con gieo cấy giống lúa địa phương đã giảm 15% sản lượng lúa hàng năm của địa phương so với trước. UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục chính sách trợ giá giống lúa lai cho bà con gieo cấy, nhằm tạo thuận lợi cho bà con chủ động khâu giống và đảm bảo lương thực tại chỗ cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi cao. 

Nông dân Kỳ Sơn phơi lúa giống. 	Ảnh: Đào Thọ
Nông dân Kỳ Sơn phơi lúa giống. Ảnh: Đào Thọ

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tương Dương cho rằng: Trước đây UBND tỉnh hỗ trợ giá giống và huyện cũng vận dụng nguồn vốn của Chương trình 30a để hỗ trợ giá giống cho đồng bào gieo cấy lúa lai. Từ đó, bà con đã tiếp cận với cách thức sản xuất mới, diện tích lúa lai của huyện đạt trên 60% (năm 2014), năng suất lúa tăng hơn so với gieo cấy giống lúa địa phương. Tuy nhiên, 2 năm nay, do tỉnh không còn chính sách trợ giá giống lúa lai theo Quyết định 87/QĐ-UBND của UBND tỉnh, diện tích lúa lai của địa phương giảm hẳn. Vụ xuân này, Tương Dương gieo cấy 680 ha, chỉ có khoảng 25% diện tích lúa lai. Tuy nhiên, do giá giống lúa lai khá cao, nên phần lớn các gia đình không có điều kiện đầu tư, trong khi các giống lúa địa phương, bà con chủ động để được giống.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, UBND tỉnh ngừng chính sách trợ giá giống lúa lai, đặc biệt là vùng miền núi cao còn nhiều khó khăn như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... bị thụ động trong sản xuất, vì tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn của không ít bà con. Không còn hỗ trợ giống lúa, bà con phải sử dụng giống lúa địa phương để gieo cấy. Để đảm bảo an ninh lương thực cho bà con vùng cao, các địa phương cần tuyển chọn một số giống lúa phù hợp với điều kiện thực tế để định hướng cho bà con gieo cấy một cách đồng nhất. 

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới