Di tích lịch sử quốc gia Lèn Hai vai đang bị xâm hại

(Baonghean) - Lèn Hai Vai thuộc địa phận huyện Diễn Châu có diện tích hơn 11ha, nằm trên phần giáp ranh của 3 xã là Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn mặc nhiên vào phá đá, đào đất dưới chân Lèn để đổ đường, làm nhà mà chính quyền ở đây chưa có biện pháp can thiệp kịp thời.
 

 Di tích lịch sử quốc gia Lèn Hai vai đang bị xâm hại ảnh 1
Người dân nơi đây vẫn vô tư khai thác dưới chân Lèn Hai Vai.

Khi chúng tôi có mặt tại lèn Hai Vai đang là 9, 10 giờ sáng nhưng đã có trên m­ười người đang đào đất, đục đẽo đá ngay dưới chân lèn. Dụng cụ của họ là những chiếc xẻng xúc đất, xà beng, búa, đục đá... gần đó là 2 - 3 chiếc xe công nông đang bốc đất.

Riêng với đá được họ đục ngay tại chỗ và đập ra thành những mảnh nhỏ, chất lại thành từng đống. Những người đang khai thác tại đây cho biết họ là dân xã Diễn Bình, khai thác lấy đá làm móng, nền nhà, dùng đất để đắp nâng cao vườn.

 

Khi hỏi đây đã là di tích lịch sử xếp hạng quốc gia thì người nào cũng biết. Một người (xem chừng là chủ thuê đào đất, đục đá) cứ phân trần với chúng tôi chỉ lấy ít đất đá về đắp nền nhà. Điều nguy hiểm là phần đất đá mà họ khai thác nằm ngay dưới chân lèn có độ dốc rất lớn, bị bóc gỡ từng lớp nên có chỗ vách núi đã trở nên thẳng đứng. Khi một chiếc công nông đã chất đầy đất đá thì nó ung dung tiến vào đường xã.

 

Ông Lê Đình Chất (Chủ tịch UBND xã Diễn Bình – xã quản lý gần 60% diện tích lèn Hai Vai) cho biết những khó khăn của chính quyền xã nơi đây. Bởi vì lèn Hai Vai nằm trên địa phận giáp ranh của 3 xã là Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng cho nên việc quản lý lèn phụ thuộc vào sự phối hợp của cả 3 xã. Tuy nhiên về mặt chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ do quá thấp nên ý thức của lực lượng này không phải lúc nào cũng cao.

Trước đây, với 3 người thường trực của xã Diễn Bình thì chỉ được cấp 30 ngàn/ tháng tiền bảo vệ, từ năm 2007 mới được nâng lên thành 70 ngàn/ tháng. Khoản tiền đó không đủ xăng xe chứ chưa nói gì tới động viên, kích lệ họ làm tốt nhiệm vụ.

Mặt khác, thường trực của xã này làm mạnh thì dân khai thác lại dạt sang địa phận xã kế cận, mà không phải lúc nào cả 3 xã cũng có thể phối hợp với nhau. Lực lượng bảo vệ khi bắt thì chỉ được phạt hành chính chứ không được thu xe, người dân cứ nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm. Cho nên khi lực lượng bảo vệ đi rồi là chuyện đâu vẫn hoàn đó, câu chuyện “dẹp, đuổi, trốn tránh, quay trở lại” giữa dân và lực lượng bảo vệ nơi đây như chuyện “ném đá ao bèo”.

 

Di tích lịch sử quốc gia Lèn Hai vai đang bị xâm hại ảnh 2 
Những chiếc xe công nông này hằng ngày vẫn đi lại tự do vào lấy đất, đá dưới chân Lèn.

Trước đây người dân thường khai thác vào buổi chập choạng tối hoặc gần sáng sớm, nhưng giờ thì họ ngang nhiên ngay giữa ban ngày. Chính quyền xã thì chỉ cho rằng dân lấy đất đá về chẳng qua chỉ là tận dụng. Khi chưa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, lèn Hai Vai là nơi mà nhân dân cả 3 xã vào lấy đất, đá để làm đường, làm nhà, thậm chí người dân còn có cả nghề đục cối, đục trục xay lúa, đục bia mộ.

Người dân và chính quyền xã ở đây cứ nghĩ khi được công nhận là di tích kịch sử quốc gia thì sẽ được đầu tư, tôn tạo thành một khu di tích hoặc một địa điểm ghé chân của khách gần xa nhưng gần 15 năm trôi qua sự đầu tư của nhà nước hết sức ít ỏi, tư nhân thì lại không được tham gia trồng cây, bảo vệ, khai thác; còn chính quyền 3 xã sở tại thì chỉ ra quân bảo vệ từng đợt, cho nên việc phân công quản lý thiếu khoa học, dằng dai năm này qua năm khác mà chỉ làm cho di tích Lèn Hai Vai ngày càng xuống cấp.

 

Hy vọng các cấp chính quyền huyện Diễn Châu mau chóng có giải pháp để giữ lại vẻ đẹp của lèn Hai Vai, một vẻ đẹp đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Diễn Châu xưa nay.

Bài, ảnh: Đông Sơn

Tin mới