Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với Nghệ An và nước Đại Việt

(Baonghean) - Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, sinh ra ở kinh thành Thăng Long, là em cùng mẹ của vua Lý Thái Tông. Năm 1039, Lý Nhật Quang được cử về Nghệ An đôn đốc việc thuế. Trong thời gian đảm trách, ông nổi tiếng liêm khiết. Vua Lý Thái Tông yêu mến, ban cho hiệu Uy Minh Thái Tử.
 
Công lao to lớn  

Thời Lý, Nghệ An là một vùng đất phên dậu trọng yếu phía Nam của Quốc gia Đại Việt. Nhận thức sâu sắc vị thế và tầm quan trọng đặc biệt của miền đất có tác động đến sự hưng vong, thịnh suy của đất nước, ngay từ đầu thế kỷ Xi, vương triều Lý rất chú ý đến việc xây dựng, củng cố và phát triển Nghệ An về nhiều mặt, nhằm đưa Nghệ An trở thành "thành đồng, ao nóng", then khóa của vương triều. Chính vì vậy, người đầu tiên được vua Lý Thái Tông (vị vua thứ hai của triều Lý) tin tưởng giao phó công việc trấn trị châu Nghệ An là Uy Minh hầu Lý Nhật Quang.

 Tượng Lý Nhật Quang.

Năm 1041, Lý Nhật Quang chính thức được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An (đây cũng chính là mốc Nghệ An chọn thời gian thành lập tỉnh). Có thể nói, thời kỳ đó, Nghệ An là một vùng biên viễn của đất nước với nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương có tính chất "phản loạn" xảy ra khiến triều đình phải nhiều phen đánh dẹp. Được giao đám trách Tri châu (người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An), ông luôn lấy đức làm trọng và kiên quyết với bọn quan tham, đạo tặc, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Đại Việt. Vì vậy, trong suốt thời gian ông trị nhậm và nhiều thập kỷ sau đó, miền đất này rất yên bình. Tình hình chính trị - xã hội ổn định là tiền đề thuận lợi để Lý Nhật Quang tiến hành tổ chức hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp cơ sơ, động viên sức dân khai khuẩn, mở mang đất đai, lập xóm ấp, chăm lo sán xuất nông nghiệp, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, phát triển kinh tế...
 
Năm 1044, vua Lý Thái Tông thân chinh Chiêm Thành. Trong cuộc Nam chinh này, Uy Minh hầu Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển quân lương từ nguồn cung cấp chủ yếu của Nghệ An đầy đủ cho quân đội. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở  về, Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương và ban cho ông Tiết Việt, được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An. Trong 16 năm được giao giữ chức Tri châu Nghệ An, từ năm 1041 đến khoảng giữa năm 1057, với tài kinh bang tế thế, với tầm nhìn có tính chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt là chính sách khoan thư sức dân, vỗ về dân, lấy việc dân được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị.
 
Lý Nhật Quang đã có công xây dựng và phát triển Nghệ An từ một vùng hẻo lánh với nhiều biến loạn thời Lý thành một châu phồn thịnh về mọi mặt, làm hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau, tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử phát triển Nghệ An. Trên cương vị Hoàng tử, Tri châu Nghệ An, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các sử học rất đề cao, xếp là 1 trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt. Và trong “Việt Điện u linh" của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết" và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên, những vị thần nào mà công đức lớn hơn được ông xếp lên trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên.
 
Các nhà khoa học cũng nhận định: Lý Nhật Quang xứng đáng là một Danh nhân lịch sử, đã có những cống hiến to lớn vào việc ổn định và phát triển đất nước, trước hết là vùng đất Nghệ An vào những thập niên đầu của Vương triều Lý.
 
Mãi sống trong lòng dân tộc

Vì những công lao to lớn, toàn diện, để lại trong lòng dân những ân tình sâu nặng, sau khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mất, nhân dân đã lập đền để thờ ông. Riêng vùng Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) nơi đã từng là lỵ sở trấn trị của ông đã có 8 đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
 
Tương truyền kể lại, năm 1057 - cách đây 953 năm, Lý Nhật Quang đã hiển thánh tại Đông Nam núi Quả (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương), nhân dân đã lập đền thờ chính, trở thành một trong 3 ngôi đền cổ nhất khu vực miền Trung, gồm đền thờ An Dương Vương (đền Cuông), đền thờ Mai Hắc Đế (đền Vua Mai). Đến sau năm l072, Thái sư Lý Đậu Thành vào làm Tri châu Nghệ An đã tôn vinh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và bắt đầu cho xây dựng đền quy mô lớn hơn. Đến thời Trần, vua Trần Nhân Tông đã phong sắc cho Lý Nhật Quang là “Uy Minh dũng liệt tạo thánh phù đế vương” và xây dựng đền lớn hơn, coi đây là chỗ dựa tâm linh. Đến thời Lê có chủ trương xếp đặt lại các thứ bậc thần linh và đã xếp Lý Nhật Quang là vị thần bậc nhất của Đại Việt, từ đó dành một vùng đất rất rộng, người dân rất đông không đóng thuế, không đi lính, không phu phen tạp dịch mà chỉ để lo lễ hội, lễ tế đền Quả Sơn (hiện tại chưa có đền nào có diện tích rộng và người đông như đền Quả Sơn). Đến thời Nguyễn cũng tổ chức trung tu, tôn tạo.
 
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến cố của thời gian, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo ở trong từng giai đoạn lịch sử, hiện nay đền Quả Sơn đã trở thành một tòa đền linh thiêng soi bóng trên bờ sông Lam, được xếp vào hàng danh thắng của tỉnh Nghệ An, là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đền gồm có thượng điện, trung điện, hạ điện nối với nhau thành chữ “công” thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; có Tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực và Hữu vu thờ Dục Thánh Vương (là 2 danh tướng cùng cha khác mẹ của Lý Nhật Quang, cùng phò tá cho ông ở Nghệ An). Ngoài ra có phần mộ đức thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có nhà bia, có nhà ngựa và ông ngựa, có cống Tam quan và hàng nghìn cổ vật, bằng bạc, đồng và gỗ, đặc biệt có di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các long ngai, tế khí thời Lý...
 
Lễ hội đền Quả Sơn có từ thời Lý, được đánh giá là một lễ hội cổ kính nhất, uy nghi, hoành tráng nhất ở Nghệ An, diễn ra trong một không gian rộng lớn. Hàng năm, vào trung tuần tháng Giêng âm lịch, nhân dân các xã Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn và vùng phụ cận tổ chức lễ hội đền Quả Sơn. Đến với lễ hội đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét đặc trưng rất riêng diễn ra cả trên bộ và dưới thủy với phần lễ và hội kết hợp với nhau. Trên bộ là lễ rước 3 kiệu thánh và nhiều linh vật, gồm các ông ngựa, xe, các lễ phẩm để tôn vinh công lao của Lý Nhật Quang như các đồng tiền, hạt lúa thần và rất nhiều hương áng, lễ phẩm, các quân sỹ... rước thủy là 6 thuyền, hành tiến song song với trên bộ đến chùa Bà Bụt (xã Lam Sơn, cách đền Quả Sơn 3 km) để làm lễ trả ơn, tri ân Phật bà, dọc đường có 5 điểm làm lễ bái hạ để nhân dân có lời chào và tạ ơn Đức thánh. Trước khi diễn ra lễ rước có lễ "lộn quân", có nghĩa là lễ duyệt binh nhằm mô phỏng đánh trận cả trên bộ và dưới thủy theo thế "trận đồ bát quái”; lễ thủy thần hà bá để cầu thần nước cho thuyền bè đi lại trên sông nước được an toàn, lễ cáo yết, lễ mộc dục, lễ xuất thần. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, gồm giao lưu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, vật, đánh cờ, đua thuyền...
 
Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp “uống nước, nhớ nguồn”, tôn vinh công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, tôn vinh đức Phật; cỗ vũ tinh thần thượng võ để giữ nước, dựng nước, củng cố đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân gian truyền thống.
 
Gần 1.000 năm qua, công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang luôn được nhân dân Xứ Nghệ và nhân dân cả nước khắc sâu ghi nhớ. Công lao và sự nghiệp của ông mãi mãi được tôn vinh trong sử sách và được tôn thờ trong tâm thức của nhân dân cá nước như là một biểu tượng thiêng liêng nhất. 

Mai Hoa - sưu tầm và biên soạn

Tin mới