Nguyễn Trường Tộ - Nhà canh tân vĩ đại

(Baonghean) - Hiện nay, huyện Hưng Nguyên và tỉnh Nghệ An đang hướng tới kỷ niệm 140 ngày mất của danh nhân Nguyễn Trường Tộ (sẽ kỉ niệm  trọng thể ngày 22/11 tới, tại huyện Hưng Nguyên- quê hương ông). Vậy những nội dung canh tân của ông là gì?   
    
Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1828 trong một gia đình thiên chúa giáo ở thôn Bùi Chu, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên). Ông sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đứng trước khủng hoảng trầm trọng; khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, kinh tế- văn hóa, quân sự, ngoại giao bế tắc; thế lực tư bản, đế quốc bên ngoài nhòm ngó xâm lăng Việt Nam. Nhà Nguyễn triều đại Tự Đức lúng túng trong đường lối đối nội, đối ngoại. Trước tình hình đó, Nguyễn trường Tộ - một người am hiểu nho học, nổi tiếng tài năng xuất chúng và trí tuệ uyên bác của mình đã đưa ra 58 điều trần. Có thể kể những điều trần quan trọng như: Năm 1863 ông gửi 2 bản “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” và “bàn về tự do tôn giáo”; năm 1864: “Kế hoạch duy trì hòa ước mới”; năm 1865 hai bản: “Về việc mua và đóng thuyền máy” và “Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước”. năm 1866 là  “Về việc học thực dụng”.... 

Với những bản điều trần như vậy, ông vừa nêu khái quát, vừa chỉ cụ thể những nội dung cần làm và phương pháp tiến hành. Chẳng hạn “Tám việc cần làm gấp” được xem là nhà thiết kế vĩ đại. Nội dung tám việc cần làm gồm: gấp rút sửa đổi việc võ bị; hợp tỉnh để giảm bớt  số quan lại và khóa sinh; gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ; sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng; điều chỉnh thuế ruộng đất; sửa đổi lại cương giới; nắm rõ dân số; lập viện dục anh và viện tế bần. Không chỉ nêu lên phương hướng chính mà Nguyễn Trường Tộ còn chỉ ra những việc làm cụ thể như trong lĩnh vực Văn hóa – xã hội. Ông đề nghị: coi trọng văn tự, cấm lưu hành chuyện hoang đường, nhấn mạnh vai trò văn hóa giáo dục trong canh tân; cứu tế người nghèo; sửa đổi phong tục tập quán, ăn ở, mặc; chống xa hoa lãng phí, cờ bạc, đánh thuế thuốc lá, thuế hát xướng, du hí; chống mê tín dị đoan... Hoặc đối vấn đề ngoại giao, ông  chủ trương hòa với Pháp, tạm nhựơng bộ Pháp để thiết lập ngoại giao với các nước khác nhằm “dùng họ để ngăn chặn, ly gián, áp chế và lợi dụng họ đánh địch” .
 
Tất cả các kế sách của Nguyễn Trường Tộ đều xuất phát từ một tư duy độc đáo có tầm hơn người đương thời. Trước hết là  đặt lịch sử Việt Nam trong tiến trình lịch sử thế giới. Muốn tự cường đất nước thì phải canh tân ngang tầm thế giới. Đồng thời, quý quá khứ nhưng không nên chỉ ngoảnh lại với quá khứ.
 
Là người có tầm khái quát nên lắm khi nhìn bề ngoài thấy ông  canh tân mà như nghịch lý với  “canh tân”. Chẳng hạn về cải tiến văn tự, ông chủ trương đả chữ Hán và cũng không ủng hộ chữ Quốc ngữ (tiếng Việt theo chữ cái La tinh đang dùng trong nhà thờ hồi bấy giờ) mà dùng chữ “quốc âm Hán tự” – tức biến đổi chữa Hán thành chữ mình kiểu như Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm.
 
Danh nhân văn hoá Nguyễn Trường Tộ vừa chân thành (tự chỉ trích mình có 3 “tội”) vừa là người quyết liệt, gan góc và am hiểu  nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, giáo dục- đào tạo; kỹ nghệ…Không những giỏi lý thuyết mà còn biết cách thực hành chúng. Tư duy của ông thiết thực nhưng lại có sức khái quát cao, trên nền tảng của  đạo lý kính chúa yêu nước nhưng lại vượt thời đại và dân chủ, công khai.
 
Linh mục Võ Thành Tâm nghiên cứu về con đường học hành của Nguyễn Trường Tộ cho biết: Về Hán văn ông theo học 4 thầy giáo (Nguyễn Quốc Thư; Tú Giai, Cống Hữu và quan huyện Địa Linh về hưu); còn vốn Tây học thì do tự học là chính. Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về sự học thể hiện trong câu nói nổi tiếng  “Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng; học cái vụn vặt thì chỉ  được cái vụn vặt, trồng đậu được đậu, đó là lẽ tự nhiên.”
 
Tự Đức đã có lần nói với các quần thần:“ Nguyễn Trường Tộ quá tin vào lời y đề nghị…tại sao lại thúc dục nhiều đến thế  khi mà các phương pháp cũ của Trẫm  đã rất đủ để điều khiển quốc gia rồi” . Thương thay cho Tự Đức, giận thay cho ông vua nhu nhược, thiển cận, nếu tự khiêm tốn, lắng nghe những lời ngay, trí sáng của hiền sĩ, thì đất nước có thể tránh khỏi họa xâm lăng của người Pháp- kiểu Minh Trị Duy tân cùng thời điểm mà Nhật Bản đã thực hành thành công./.

Hoàng Chỉnh

Tin mới