“Vạc đồng thiêng” và “Cây đa cổ” cần được đưa vào khai thác du lịch

(Baonghean) - Quỳ Châu nằm trong vành đai văn hóa Phủ Quỳ có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, cùng với những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa độc đáo tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng quê hương đất Quỳ.

Đó là Bảo tàng các dân tộc huyện Quỳ Châu, Khu  di tích lịch sử văn hoá Lang  Văn Thiết - Thủ lĩnh phong trào Cần vương cuối thể kỷ XIX  tại miền Tây Nghệ An với quần thể mộ và cây táo Đốc Thiết tại bản Mài  xã Châu  Hội, danh thắng quốc gia Thẳm Bua thuộc xã Châu Tiến - nơi diễn ra Lễ hội Thẳm  Bua (Hang Bua) vào  dịp tháng Giêng hàng năm, với những hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống: Nhảy sạp, ném còn, khắc luống, thi thêu dệt thổ cẩm, thi ẩm thực, thi cham rượu cần, hát nhuôn, xuối... cùng các  môn thể thao truyền thống thượng võ như:  kéo co, bắn nỏ, vật dân tộc. Đó còn là làng dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Tham quan quần thể hang động gắn liền di chỉ người  Việt cổ Thẳm Ồm, Tôn Thạt, Thẳm Chạng, Thác Đũa… Ngoài ra, Quỳ Châu còn có những món ăn truyền thống đặc trưng, như: vịt bầu, cơm lam, canh phịa, canh ột, Ê cò nhọoc, hò mọc, canh măng chua, cá nướng (pá pình) măng ớt, cá chua, rượu cần…

Tuy vậy, ở Quỳ Châu vẫn còn 2 sản phẩm văn hóa du lịch chưa được nhiều người biết đến, đó là Vạc đồng thiêng và Cây đa cổ ở xã Châu Thuận. Đây được xem như là 2 “vật chủ” của người Thái ở vùng này. Trong một chuyến đi khảo sát thực tế, tôi đã được anh Vi Ngọc Duyên – Chủ tịch UBND xã Châu Thuận tận tình đưa đi xem Vạc đồng thiêng và Cây đa cổ. Vạc đồng thiêng được đúc từ thế kỷ XIV, để trong nhà văn hoá cộng đồng của UBND xã Châu Thuận. Tôi tò mò hỏi anh Duyên: "Tại sao một vật có giá trị như vậy mà không được khoá giữ cẩn thận?” Anh mới kể với tôi là cái vạc đồng này rất thiêng không ai dám đánh cắp cả. Trước đây, chiếc vạc cũng đã từng bị đánh cắp nhưng rồi được trả lại vì cả gia đình người đánh cắp đã gặp rất nhiều hoạn nạn.

                                                   Vạc đồng thiêng

                                                     Cây đa cổ.

Sau khi được giới thiệu về chiếc vạc đồng, chúng tôi lại lội qua một cánh đồng để được tận mắt thấy cây đa cổ. Anh Duyên giới thiệu với chúng tôi là cùng với vạc đồng thì cây đa cổ cũng được xem như là vật quý hiếm của đồng bào Thái ở nơi đây. Đó là một cây đa rất to và già cỗi, thân cây mấy người ôm cũng không hết. Cây đa cổ còn là nơi mà cứ đến dịp năm mới hay những dịp lễ thì người Thái nơi đây ra đây thắp hương và cầu mong cho mọi đều tốt đẹp. Anh Duyên cũng kể cho chúng tôi là cứ sau tiếng sấm đầu mùa thì người Thái nơi đây mới xem là thời điểm đón năm mới. Sau thời khắc đó, mọi người thường ra cây đa thắp hương.

Nghe anh Duyên kể, tôi thấy “Vạc đồng thiêng” và Cây đa cổ được xem như là 2 “vật chủ” của người Thái ở Quỳ Châu. Thiết nghĩ, nếu như 2 “vật chủ” này được đưa vào trong các chương trình du lịch của địa phương thì thực sự hấp dẫn du khách và góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của đồng bào Thái nơi đây.

Vương Bằng (Trung tâm Thông tin XTDL Nghệ An)

Tin mới