Nhiều tồn tại trong công tác cán bộ nữ

(Baonghean) - Là một trong những nữ hiệu trưởng có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý, lãnh đạo. Hơn 30 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, cô Nguyễn Thị Tứ (Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn) có đến trên 20 năm làm công tác quản lý.

Từ năm 1990, chị được đề bạt làm hiệu phó, sau đó là hiệu trưởng. Trên cương vị quản lý, chị từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ giáo viên; huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng Trường THCS Kim Liên thành lá cờ đầu của ngành giáo dục Nam Đàn, tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh; được công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2005. Sau đó, chị được luân chuyển về Trường Tiểu học Nam Cát, ở đây chị cũng là người có công trong việc “vực” trường từ đơn vị yếu kém thành trường vững mạnh, tập thể lao động tiên tiến.

Với những đóng góp của mình, chị vinh dự được nhận Bằng khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tỉnh ủy; Bằng khen của UBND tỉnh về phong trào thi đua lao động giỏi, là chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền; được T.Ư Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích “Giỏi việc nước, đảm việc nhà 5 năm liền” và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

Chị chia sẻ: “Là nữ, một vai gánh hai nhiệm vụ “việc nước, việc nhà” nên khi làm công tác quản lý gặp không ít khó khăn: ít có cơ hội, điều kiện để nâng cao năng lực trình độ, hạn chế về thời gian; giao tiếp… Điều đó, đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của bản thân, cần thiết có sự quan tâm, tạo điều kiện về cả vật chất, tinh thần của các cấp, ngành có thẩm quyền, sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình và sự ghi nhận của xã hội. Như thế mới tạo cho chị em động lực để cố gắng vươn lên, phát huy vai trò, năng lực của mình…”.

Hiện nay, nữ cán bộ giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục toàn tỉnh có gần 40.000  người, chiếm trên 73%  tổng số cán bộ giáo viên, công nhân viên toàn ngành. Trong đó, tại cơ quan Sở GD&ĐT có 7 chị làm cán bộ quản lý (1 Phó Giám đốc, 2 Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, 1 trưởng phòng và 3 Phó trưởng phòng); khối THPT có 51 chị là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng; Giáo dục thường xuyên có 10 chị là Giám đốc và Phó Giám đốc; Mầm non Hoa Sen và các trường chuyên nghiệp trực thuộc Sở có 11 chị làm cán bộ quản lý. Khối trực thuộc phòng Giáo dục và đào tạo có 19 chị là Trưởng Phó phòng, 8 chị Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện, 2.081 chị là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng 3 cấp học; trên 800 chị là Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Ngoài ra còn có gần 17 chị tham gia HĐND các cấp, 1 chị tham gia HĐND tỉnh.

Thực tế những năm qua, công tác cán bộ nữ ở ngành GD&ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực, nữ CBQL đã đóng góp tích cực trong sự phát triển giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng lao động trong ngành; đội ngũ nữ quản lý chưa đồng bộ. Càng lên các bậc học cao, tỷ lệ này càng thấp: Mầm non tỷ lệ 99,8%; Tiểu học 85,9%; trong khi đó THCS 29,6% và THPT chỉ có 23,5%.

Ở các đơn vị trường học thì như thế, còn ở cấp huyện thì sao? Ví như ở Diễn Châu, qua 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Diễn Châu là địa phương được đánh giá làm tốt công tác cán bộ nữ. Hiện nay, toàn huyện tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 có 7/41 chị, chiếm 17% (tăng 5,6% so với nhiệm kỳ trước), HĐND có 12/50 chị (đạt 24%); Cấp cơ sở: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 112/574 chị, chiếm 19,5% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước); HĐND có 226/1004, đạt 22,5% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước). Trong đó có 26 chị là trưởng, phó các phòng, ban ngành đoàn thể và các cơ quan đóng trên địa bàn huyện; 22 chị là UVBTV, thường trực UBND, HĐND cấp xã, thị trong đó 3 Bí thư, 5 Phó Bí thư Đảng ủy, 1 Chủ tịch UBND, 3 Phó Chủ tịch UBND. Hầu hết, đội ngũ cán bộ nữ phát huy được năng lực, sở trường của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cán bộ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt còn thấp.

Phụ nữ bản Mới xã Thành Sơn (Anh Sơn) góp gạo cho “Hũ gạo tiết kiệm” tại gia đình chị Vi Thị Thủy - Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ. Ảnh: Diệp Anh.

Nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy là một tiêu chí được đặc biệt quan tâm trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ của tỉnh ta tham gia cấp ủy cụ thể như sau: Tỉnh Đảng bộ: 5/65=7,2%; Huyện Đảng bộ: 122/777= 15,7%; Đảng bộ xã: 1313/7621 = 17,2%.  Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ từ 30% trở lên nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ là việc không hề đơn giản.

Do nhiều nguyên nhân: đó là việc nhận thức của không ít các cấp ủy và chính quyền về công tác này vẫn còn chưa đầy đủ về giới và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội. Việc đánh giá cán bộ nữ ở một số cấp, ngành chưa khách quan, chưa khoa học, vẫn còn thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ. Bởi vậy, còn thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm trong công tác cán bộ nữ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đối với cán bộ nữ hiện nay còn bất cập, chưa đồng bộ, vấn đề giới và cán bộ nữ chưa được đưa vào trong một số chế độ, chính sách kinh tế - xã hội như: tuổi đề bạt, tuổi về hưu, chính sách lương…

Trong khi xuất phát điểm như nhau, phụ nữ còn phải làm thiên chức người mẹ, người vợ, thì tuổi đề bạt, tuổi về hưu còn phân biệt đối xử sẽ làm cho cơ cấu cán bộ nữ, số lượng cán bộ nữ đã thấp càng thấp hơn. Cùng với đó là tình trạng an phận, tự ty, ngại va chạm, ngại thay đổi môi trường công tác còn khá phổ biến trong nữ giới. Một số cán bộ nữ không có chí hướng phấn đấu vươn lên, một số có tư tưởng hẹp hòi, níu kéo lẫn nhau, chưa tôn vinh và tạo điều kiện cho nhau. Đây là một trong những nguyên nhân gây trở ngại không nhỏ đối với công tác cán bộ nữ hiện nay.

Để  xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đảm bảo về số lượng và chất lượng, "Tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Ông Phan Thanh Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy phường Bến Thủy cho biết: Thời gian qua, phường rất quan tâm công tác đào tạo cán bộ nữ, ưu tiên quy hoạch chị em vào các chức danh, tạo điều kiện cho chị em tham gia học tập nâng cao trình độ cả về chuyên môn lẫn lý luận chính trị. Hiện phường có 2 chị tham gia cấp ủy, 6 chị là trưởng, phó các tổ chức đoàn thể, 1 chị là phó chủ tịch UBND phường. Sắp tới chúng tôi sẽ bổ sung 2 – 3 nữ vào cấp ủy. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ cán bộ nữ vẫn chưa đảm bảo theo quy định.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ". Do vậy, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, cán bộ nữ cần chủ động vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất và trình độ mọi mặt, tự khẳng định trình độ, biết kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và công tác xã hội. Chỉ khi đó, phụ nữ mới củng cố được vị thế, vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Duy Nam

Tin mới