Xuất khẩu lao động: Thuận và khó

(Baonghean) - Năm 2014, trong số 37.000 lao động được tạo việc làm, có đến 12.300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 33,2%. Có thể khẳng định, xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn là giải pháp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. 

Chính quyền tạo điều kiện
Trong 4 năm (từ 2011 - 2014), toàn tỉnh có 51.042 lượt người đi XKLĐ ở nước ngoài, bình quân mỗi năm, cả tỉnh có 12.760 người đi XKLĐ và Nghệ An luôn dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Thị trường nước ngoài của lao động Nghệ An tập trung chủ yếu ở các nước: Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… Hiện số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 55.000 người. Số ngoại tệ do người lao động đi XKLĐ chuyển về hàng năm đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Trong đó, gửi về qua các ngân hàng thương mại trong tỉnh trên 110 triệu USD/năm và do lao động mang về trực tiếp hoặc bằng các con đường khác khoảng 140 triệu USD/năm. 
Đăng ký XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An
Đăng ký XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An
Xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), xác định công tác XKLĐ là một giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, xã đã triển khai Đề án: "Giải quyết việc làm - đẩy mạnh công tác XKLĐ giai đoạn 2010 - 2015". Ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Để thực hiện tốt đề án, UBND xã đã tham  mưu cho Đảng ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo với nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã trong công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, UBND xã có quy chế ưu đãi đối với những người đi XKLĐ như: giảm những thủ tục hành chính không cần thiết; cử cán bộ trực tiếp phối hợp với các cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh thủ tục hồ sơ cho lao động; miễn thu các loại lệ phí, đặc biệt là miễn các quỹ xây dựng phúc lợi theo quy định của địa phương đối với đối tượng đi. Nhờ đó, từ năm 2010 – 2014, bình quân mỗi năm Quỳnh Long có 150 - 160 lao động đi làm việc ở các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Myanma… Tính đến thời điểm đầu năm 2015, số lao động đi làm việc tại thị trường nước ngoài là hơn 800 người. Giá trị thu nhập từ nguồn XKLĐ đạt 43,096 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã”. 
Còn tại xã bán sơn địa Sơn Thành, huyện Yên Thành, nhiều năm liên tục được coi là điểm sáng trong công tác XKLĐ của huyện, với số lao động đang làm việc ở nước ngoài là hơn 1.700 người, nguồn ngoại tệ các lao động gửi về hàng năm xấp xỉ  200 tỷ đồng. Kết quả đó là nhờ xã đã định hướng cho người dân chọn thị trường xuất khẩu, đứng ra bảo lãnh cho hộ nghèo vay vốn, miễn giảm các loại nghĩa vụ địa phương khi đăng ký XKLĐ; tháo gỡ kịp thời các trường hợp khó khăn, vướng mắc về giấy tờ, thủ tục… Đặc biệt, với những trường hợp đi XKLĐ trở về, xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất ngay tại quê hương, như trường hợp anh Thái Văn Dũng ở xóm 2, sau khi đi XKLĐ từ Hàn Quốc trở về vào năm 2013, đã được xã hỗ trợ cho thuê đất, đầu tư 2 tỷ đồng để mở xưởng may xuất khẩu gia công cho Nhà máy may Hàn Quốc, sử dụng gần 100 lao động địa phương.
Ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: “Kết quả hoạt động XKLĐ đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn; nâng cao điều kiện  kinh tế và mức sống người lao động và gia đình họ. Lao động đi xuất khẩu đã đóng góp phần lớn nguồn tiền xây dựng quê hương, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tại một số địa phương. Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi được tác phong làm việc công nghiệp, nhận thức và ý thức kỷ luật lao động tốt hơn, trình độ tay nghề được nâng cao”.
Những khó khăn
So với năm 2013 thì năm 2014, công tác XKLĐ không có nhiều đột phá. Ngoại trừ thị trường Hàn Quốc được mở lại theo Chương trình luật cấp phép lao động nước ngoài (EPS), năm 2014, các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh không khai thác được bất cứ thị trường nào khác. Điều dễ nhận thấy là phần lớn lao động Nghệ An chỉ mới tiếp cận được những thị trường dễ tính, thu nhập ở mức trung bình như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông, Đài Loan… chứ chưa vươn được đến những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, CH Czech… Nguyên nhân, theo ông Lê Văn Thủy – Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH tỉnh, là do một số địa phương chưa xem XKLĐ là nhiệm vụ của mình nên không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Việc tuyên truyền về XKLĐ chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; công tác tư vấn tạo nguồn còn hạn chế; trình độ tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ cũng như ý thức kỷ luật còn nhiều hạn chế nên khó tiếp cận được các thị trường, dù có thu nhập cao, nhưng lại yêu cầu khắt khe hơn… 
Bên cạnh đó, tỉnh ta có 42 doanh nghiệp có chức năng tham gia tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng tất cả đều là doanh nghiệp của các tỉnh, thành khác,  do đó công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh đối với các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hưng Nguyên là huyện có nhiều lao động có nhu cầu đi XKLĐ và trên địa bàn huyện có khá nhiều doanh nghiệp  đăng ký tuyển dụng lao động đi xuất khẩu. Tuy vậy, phòng không nắm được chi tiết số lao động mà mỗi đơn vị đưa đi trong một năm là bao nhiêu; phần lớn các công ty đều về tuyển dụng theo đợt hoặc phối hợp với người địa phương để tìm kiếm lao động. Nhiều công ty dù đã có giấy phép nhưng triển khai tại các địa phương chưa hiệu quả, không quan tâm đến việc bố trí lực lượng làm công tác tư vấn, tuyển dụng tại địa phương”. Đây chính là kẽ hở  cho tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ. Năm 2014, thông qua thanh tra, kiểm tra Sở LĐ - TB&XH đã phát hiện có một số doanh nghiệp XKLĐ có dấu hiệu vi phạm như: Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Cửu Long, Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế Ninh Bình...  Vụ việc lớn liên quan đến lừa đảo XKLĐ, điển hình vào tháng 3/2014, có 3 đối tượng giả danh cán bộ Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao lừa đảo 43 người lao động tại huyện Yên Thành,  Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ đi làm việc tại Hàn Quốc, Canada... với số tiền chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng; vụ việc Công ty Cổ phần đầu tư, thương mại phát triển Sona, dù không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn ra thông báo tuyển dụng và thu tiền môi giới của 35 lao động… 
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến công tác XKLĐ năm 2014 chưa tạo được đột phá là do chi phí đi XKLĐ còn khá cao, nhưng người lao động có nhu cầu, trong đó đa phần là người nghèo, lại khó tiếp cận nguồn vốn vay XKLĐ. Hiện nguồn vốn XKLĐ của các ngân hàng mới chỉ giải quyết tối đa 30 triệu đồng/người, chỉ đủ chi phí đi làm việc ở thị trường Malaysia và một số nước Trung Đông chứ chưa thể thâm nhập được những thị trường có mức thu nhập cao hơn như Đài Loan, CH Czech… Ngay cả với mức vay này, các ngân hàng lại đặt ra nhiều yêu cầu phụ khiến lao động không thể đáp ứng được. 
Cũng trong năm 2014, việc vận động lao động hết hạn hợp đồng đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 10/2014, số lượng lao động Nghệ An làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động là 173 người, trong đó có đến 84 người đang cư trú bất hợp pháp tại nước bạn, chiếm gần 48,5%, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 39,41%. Tình trạng này gây bất lợi cho việc tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS mà khiến các đơn vị cung ứng lao động cũng “e dè” hơn khi tiếp cận nguồn lao động Nghệ An. 
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, đẩy mạnh công tác XKLĐ, thiết nghĩ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện tốt công tác quản lý, giới thiệu các doanh nghiệp về các địa phương tuyển chọn lao động xuất khẩu; Niêm yết công khai danh sách các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn toàn tỉnh tất cả các xã, phường, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm… để mọi người dân, lao động có nhu cầu đi XKLĐ có thể tham khảo; phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các cấp tăng cường việc thanh tra, kiểm tra công tác XKLĐ; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo nghề, gắn với đào tạo tác phong công nghiệp, ngoại ngữ cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng XKLĐ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ngoài nước; xây dựng các mô hình liên kết xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp XKLĐ… 
Minh Quân

Tin mới